Hội thảo khoa học “40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”
9:16', 26/8/ 2009 (GMT+7)

Ngày 25.8, tại Hà Nội, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học “40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Đây là một trong những hoạt động thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về những giá trị vĩ đại trong tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh kết tinh trong Di chúc của Người.

Tham dự Hội thảo có đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; các giáo sư, tiến sỹ, nhà nghiên cứu khoa học, lịch sử cùng đông đảo cán bộ của Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh đã dự Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đều cho rằng cùng với thời gian, Đảng và nhân dân ta ngày càng nhận thức được Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử quý báu, một tài sản vô giá của Đảng và của dân tộc ta, bởi đó là sản phẩm kết tụ tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh. Di chúc thiêng liêng của Người trở thành nguồn động viên, cổ vũ hết sức to lớn, là sự chỉ dẫn quan trọng, để quân và dân ta tiến lên giành những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và vạch ra phương hướng phát triển cho cách mạng Việt Nam trong các giai đoạn tiếp theo.

Theo PGS.TS Hoàng Trang, nguyên Phó viện Trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: “Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, bản Di chúc của Người được công bố đã gây một sự xúc động lớn, một niềm cảm phục sâu sắc trong toàn thể nhân dân Việt Nam và cả với các dân tộc, nhân dân thế giới đang đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ và chủ nghĩa xã hội. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toát lên khí phách, tinh thần lạc quan chiến thắng của một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng. Di chúc kết tinh cả tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân hiếm có đã suốt đời phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại. Những giá trị nhân văn cao cả đã được đúc kết trong bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

GS.TS Phùng Hữu Phú, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, điểm lại một cách rất tổng quát chặng đường 40 năm để khẳng định một sự thật, những tư tưởng, những lời căn dặn của Bác Hồ trong bản Di chúc lịch sử, nói riêng, trong toàn bộ di sản quí báu của Người, nói chung, đã trở thành ngọn cờ dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến hành thắng lợi cuộc đấu tranh chống lại những cái cũ kỹ, lạc hậu, hư hỏng, từng bước sáng tạo, bồi đắp những nhân tố mới mẻ, đầy sức sống của một xã hội mới theo lý tưởng cao đẹp của Người… Thời gian càng lùi xa, suy ngẫm những lời dặn lại đồng chí, đồng bào trước lúc đi xa của Bác Hồ, đối chiếu với những gì đã và đang diễn ra trong hiện thực đời sống đất nước, thế giới… càng cảm nhận sâu sắc và thấm thía khôn cùng tầm cao tư tưởng, tầm tổng kết, dự báo, định hướng thiên tài trong Di chúc của Bác.”.

PGS.TS Trương Thị Thông, Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Những điều căn dặn và mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong Di chúc thật là giản dị và thiêng liêng. Chính vì vậy, bản Di chúc của Người trở thành một tác phẩm bất hủ, còn chính Người trở thành nhà văn hóa, nhà tư tưởng lớn của mọi thời đại. Cùng với cách mạng Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ sống mãi trong tâm hồn, trí tuệ dân tộc Việt Nam và sự trân trọng, kính phục của nhân dân thế giới.

Theo các đại biểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh sống theo triết lý đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Người nhận rõ cần kiệm phải đi liền với liêm chính; muốn liêm chính phải nhận rõ phải - trái, đúng-sai, thiện-ác; chí công vô tư là phải công bằng công tâm, không thiên tư thiên vị; phải chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân, biết lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ; lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì cách mạng, vì Tổ quốc và nhân dân. Bởi vậy khi viết Di chúc, Người vẫn quên mình, chỉ nghĩ và lo cho con người, cho nhân dân, cho phong trào cách mạng thế giới.

Trên 30 tham luận được gửi tới và trình bày tại Hội thảo đã tập trung làm rõ tầm vóc lịch sử và giá trị to lớn về lý luận, thực tiễn trong Di chúc của Bác Hồ đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới; đồng thời nêu bật những kết quả đã làm được, những bài học kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam qua chặng đường 40 năm thực hiện Di chúc của Người.

. Theo Báo điện tử ĐCSVN

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cựu sinh viên dội axit vào giảng viên vì thi trượt  (25/08/2009)
Giá cước di động sẽ tiếp tục giảm mạnh  (25/08/2009)
Học nghề cũng sẽ được cấp bằng đại học  (25/08/2009)
Xúc tiến du lịch quốc gia không thể “ăn đong”  (25/08/2009)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp  (25/08/2009)
Sẽ cấm hút thuốc nơi công cộng trong nhà  (25/08/2009)
Đồng loạt chấn chỉnh các lò mổ gia súc  (24/08/2009)
Cơn "sốt" giá đường sẽ còn kéo dài  (24/08/2009)
6 tháng đầu năm 2009: Tập đoàn Prudential đạt mức thặng dư vốn 3 tỷ bảng Anh  (24/08/2009)
Lãi suất huy động bằng đồng VN tiếp tục tăng  (24/08/2009)
16 hãng hàng không ký biên bản mở đường bay đến Huế  (24/08/2009)
Một năm thực hiện đề án 1816: Rút ngắn khoảng cách vùng miền  (24/08/2009)
Thêm 118 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1  (24/08/2009)
Thêm vốn ngoại vào chứng khoán  (24/08/2009)
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Xây dựng Trường học thân thiện-Học sinh tích cực”  (24/08/2009)