|
Năm học 2009-2010, nhiều trường thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ tăng học phí đến mức tối đa. Trong ảnh: Tư vấn hướng nghiệp tại Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội. |
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định điều chỉnh khung học phí đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập năm học 2009 - 2010, nhiều trường đại học đã rục rịch tăng học phí lên kịch trần là 240.000 đồng/tháng.
Theo quyết định của Thủ tướng, khung học phí cụ thể được áp dụng cho năm học 2009-2010, bắt đầu từ ngày 1.9.2009 như sau: Dạy nghề (trình độ trung cấp nghề trở xuống) từ 20.000 đồng - 160.000 đồng/tháng/học sinh; TCCN từ 15.000 đồng - 135.000 đồng/tháng/học sinh; cao đẳng (CĐ), CĐ nghề từ 40.000 đồng - 200.000 đồng/tháng/sinh viên.
Đối với đại học (ĐH), từ 50.000 đồng - 240.000 đồng/tháng/sinh viên, so với khung học phí hiện hành mức trần khung học phí mới được điều chỉnh đã tăng từ 180.000 đồng/tháng lên 200.000 đồng/tháng đối với CĐ; lên 240.000 đồng/tháng đối với ĐH.
Nâng chất lượng đào tạo (?)
Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ chiều 27.8, ông Ngô Thế Chi, Giám đốc Học viện Tài chính, nói: “Chủ trương của trường là Nhà nước cho tăng đến đâu thì sẽ tăng đến đó, tức là từ năm học này, nhà trường sẽ thu học phí 240.000 đồng/tháng”. Ông Nguyễn Văn Nam, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho biết tất cả các ngành đào tạo của trường sẽ áp dụng mức học phí 240.000 đồng/tháng.
Theo ông Nam, tăng học phí thì trường mới tăng được chất lượng đào tạo, sinh viên nghèo học giỏi sẽ được hỗ trợ học bổng nhiều hơn. Ông Nguyễn Bách Khoa, Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, cho hay hiện trường cũng đã xây dựng đề án tăng học phí, trong đó những ngành yêu cầu về thực hành cao như thương mại điện tử, du lịch..., học phí sẽ tăng ở mức cao nhất có thể. Học phí sẽ là một nguồn thu quan trọng để thực hiện lộ trình tự chủ tài chính của nhà trường.
Tăng vì... tự chủ tài chính!
Là trường được giao tự chủ về tài chính nên Trường ĐH Hà Nội phải tự cân đối các khoản thu chi. Ông Nguyễn Đình Luận, Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, khẳng định trong năm học tới học phí của trường sẽ tăng ở mức cao nhất đối với tất cả các ngành học.
Tuy nhiên, theo ông Luận, thực tế mức tăng này không cao, chỉ thể hiện sự đóng góp thêm của người học. Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, cho rằng mức học phí mà Chính phủ vừa phê duyệt so với mức cũ có “nhỉnh” hơn một chút, chỉ giúp đỡ các trường phần nào chứ không cải thiện được nhiều, vì vậy Trường ĐH Luật Hà Nội sẽ tăng học phí ở mức cao nhất. Giám đốc Học viện Báo chí - Tuyên truyền Hoàng Đình Cúc cũng khẳng định học viện sẽ tăng học phí ở mức cao nhất mà Chính phủ cho phép là 240.000 đồng.
Ông Từ Quang Hiển, Giám đốc Trường ĐH Thái Nguyên, cũng cho rằng mức học phí cũ 180.000 đồng/tháng là quá lạc hậu. Chính phủ cho tăng lên 240.000 đồng, dù không cao nhưng đã giúp cho trường giải quyết được một số khó khăn. Trường chắc chắn sẽ tăng học phí. Ông Vương Toàn Thuyên, Hiệu trưởng Trường ĐH Hải Phòng, cho hay trường đã tham khảo từ nhiều trường khác và thống nhất rằng Chính phủ cho tăng bao nhiêu, trường sẽ tăng lên bấy nhiêu. Năm học này, tất cả các ngành học của trường sẽ tăng lên 240.000 đồng/tháng.
Sinh viên giỏi được miễn học phí, tặng học bổng
Riêng ĐH Quốc gia Hà Nội năm học này có hai chủ trương khi tăng học phí. Theo ông Mai Trọng Nhuận, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, những ngành hấp dẫn như tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, tài chính kế toán... sẽ tăng mức cao nhất là 240.000 đồng/tháng. Sinh viên giỏi sẽ được miễn học phí và được tặng học bổng. Riêng những ngành ít người theo học, học phí dự kiến tăng vừa phải hoặc giữ như năm cũ, do hiệu trưởng các trường thành viên quyết định. |
. Theo NLĐ |