Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến rộng rãi các bộ ngành về dự thảo Nghị định của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Đây được coi như một cú huých lớn, khi mà hộ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, chủ trang trại…, có thể được vay từ 50 đến 500 triệu đồng.
Chặn xu hướng dư nợ cho vay chậm lại
|
Các chủ trang trại trẻ ở Hưng Yên. |
Theo NHNN, trong những năm gần đây, dư nợ tín dụng cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn có xu hướng chậm lại. Đây là xu hướng phù hợp với mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp.
Tuy nhiên, với nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp thì khá nhiều lĩnh vực nông nghiệp, làng nghề, dân vẫn khát vốn. Nhu cầu vay vốn ở khu vực nông nghiệp không ngừng gia tăng, đặc biệt là trong thời kỳ suy thoái kinh tế.
Thống kê sơ bộ, năm tháng đầu năm 2009, dư nợ cho vay của Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tăng 18 phần trăm; dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất tại ngân hàng này cũng đạt 94.831 tỷ đồng.
Để công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, các chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, cần chặn đà suy giảm dư nợ tín dụng ở khu vực này khi chúng đang có xu hướng chậm lại.
Đây cũng là lý do khiến nhiều người trong ngành nông nghiệp đánh giá cao việc NHNN lập và đưa ra dự thảo nghị định của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Theo Thạc sĩ An Văn Khanh - Phó Cục trưởng Cục Chế biến Nông Lâm sản Ngành nghề Nông thôn (Bộ NN&PTNT), việc dự thảo đưa ra mức cho vay lớn đối với nông dân, hộ gia đình sản xuất trong các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản là tín hiệu tốt để kích thích kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Với mức vay tối đa không phải đảm bảo bằng tài sản của nông hộ là 50 triệu đồng sẽ giúp bà con đỡ khó khăn hơn trong sản xuất, phát triển tiêu thụ sản phẩm đang có xu hướng ứ đọng. Khoản tiền này sẽ góp phần làm tăng hiệu quả của gói kích cầu tiêu dùng ở nông thôn đang được Bộ Công Thương thực hiện.
Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thế Dân - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho biết, ông vừa đi khảo sát tình hình sản xuất tại các trang trại ở phía Nam và nhận thấy, các chủ trang trại đang rất cần vốn để chuyển đổi sản xuất, kinh doanh.
Trước đây, lãnh đạo hội phải ký kết với lãnh đạo Ngân hàng NN&PTNT về việc cho các chủ trang trại vay vốn, văn bản ký kết đó tính pháp lý chưa cao. Việc ban hành nghị định về việc cho nông dân, chủ trang trại vay với lượng vốn lớn lên đến 500 triệu đồng chắc chắn sẽ giúp chủ trang trại vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất.
Làm sao để nông dân tiếp cận vốn dễ hơn?
NHNN khi soạn dự thảo nghị định này nêu rõ, phải có chính sách để khách hàng dễ tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, thông qua việc đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt điều kiện kém lợi thế cho khách hàng; đồng thời hỗ trợ nông dân khi gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh bất khả kháng.
Cụ thể là, để khuyến khích cho nông dân vay, dự thảo quy định các ngân hàng thương mại cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng trên 50 phần trăm thì không phải chuyển hai phần trăm nguồn vốn huy động sang ngân hàng chính sách xã hội.
Với những trường hợp sử dụng phế liệu trong nông nghiệp, để sản xuất hàng xuất khẩu, hàng tiêu dùng, dự thảo cũng quy định áp dụng mức thuế cho vay không phần trăm.
Một số chuyên gia nông nghiệp dù đánh giá cao dự thảo nghị định tăng cường cho vay nông nghiệp với các ưu đãi phù hợp, song vẫn tỏ ra băn khoăn việc nông dân khó tiếp cận nguồn vốn này.
Nếu NHNN không đề xuất nhà nước có một khoản riêng dành cho vay nông nghiệp, nông thôn, mà chỉ quy định chung chung để các ngân hàng thương mại thực hiện thì nông dân vẫn sẽ khó tiếp cận vốn.
Lý do là, ngân hàng thương mại vẫn là doanh nghiệp phải hoạt động theo quy định của luật doanh nghiệp, quy định về chống rủi ro, khách hàng muốn vay phải thế chấp tài sản...
Những chủ nhân của chương trình công nghiệp hóa nông thôn đang thực sự cần vốn. Chủ trương cho nông dân vay vốn nhiều hơn với thủ tục thông thoáng sẽ giúp khu vực nông thôn sớm thoát khỏi lạc hậu.
. Theo TPO |