Diễn đàn xúc tiến đầu tư Tây Nguyên: Ký kết 19 dự án với hơn 10.000 tỷ đồng
14:49', 6/9/ 2009 (GMT+7)

Ngày 5.9, tại Đắc Lắc, Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và các tỉnh Tây Nguyên đã tổ chức Diễn đàn xúc tiến đầu tư Tây Nguyên.

Tham dự diễn đàn có đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đại tướng Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên. Diễn đàn cũng thu hút gần 500 đại biểu là đại diện các Đại sứ quán, Lãnh sự quán: Vương quốc Anh, Cộng hòa Liên bang Nga, Malaysia; đại diện một số tổ chức, định chế tài chính quốc tế như: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản; lãnh đạo tỉnh Atôpư (Lào). Đại biểu trong nước là đại diện của Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; các nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế và hiệp hội ngành nghề…

Ông Mai Văn Năm, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đánh giá những tiềm năng, lợi thế của khu vực, đồng thời cũng nêu rõ những hạn chế và sự cần thiết phải kêu gọi đầu tư phát triển Tây Nguyên. Theo đó, Tây Nguyên vẫn chậm phát triển so với nhiều vùng khác trong cả nước. Những năm gần đây, nguồn lực đầu tư tăng nhanh nhưng chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách nhà nước (chiếm 30%), nội lực còn hạn chế, huy động vốn dân cư và các nguồn vốn đầu tư khác (trong và ngoài nước) còn yếu.

Được biết, từ năm 2001 đến nay, Tây Nguyên chỉ thu hút được 110 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn 1.200 tỷ đồng và 280 triệu USD; thu hút 900 triệu USD từ nguồn ODA, chiếm 4% tổng vốn ODA cả nước. Hiện tại, Tây Nguyên còn nhiều khó khăn về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH). Hệ thống đường sá chất lượng kém, hệ thống thủy lợi và hạ tầng các khu công nghiệp còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Định hướng từ nay đến năm 2020 tại khu vực Tây Nguyên là đẩy mạnh phát triển nông lâm nghiệp, phát triển cây công nghiệp dài ngày theo chiều sâu, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và phục vụ xuất khẩu, mở rộng những vùng sản xuất chuyên canh lớn. Gắn nông nghiệp với công nghiệp chế biến và xuất khẩu, bảo đảm cho nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững, hiệu quả; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh tổng hợp nghề rừng, bao gồm khai thác, chế biến, trồng mới; khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia. Về công nghiệp, tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông lâm sản dựa vào các sản phẩm mũi nhọn như cao su, cà phê, bông, điều mía, các sản phẩm chăn nuôi, phục vụ nông nghiệp; đầu tư mở rộng mạng lưới nhà máy chế biến mủ cao su, mở rộng và nâng cấp các cơ sở chế biến cà phê theo hướng hiện đại. Tiếp tục phát triển các công trình thủy điện; từng bước đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh điện đi đôi với bảo vệ môi trường; tập trung nguồn lực xây dựng và từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH, coi đây là yếu tố quyết định cho sự phát triển toàn diện của vùng, trước hết là giao thông, thủy lợi, thủy điện, hạ tầng công nghiệp. Về kinh tế đối ngoại, thúc đẩy các chương trình hợp tác vùng tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Tăng cường hợp tác đầu tư giữa các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh vùng biên của Lào, Campuchia. Bên cạnh coi trọng phát huy nội lực, tăng cường huy động vốn trong các thành phần kinh tế, các tỉnh Tây Nguyên cần tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương chính sách của Chính phủ, đổi mới cơ chế chính sách nhằm tập trung cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nguồn lực cả trong và ngoài nước hướng vào các lĩnh vực then chốt, phù hợp với tiềm năng thế mạnh đã được xác định.

Ông Nguyễn Bích Đạt, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, cho rằng đầu tư ở Tây Nguyên còn dàn trải. Việc thu hút đầu tư trên địa bàn còn hạn chế. Theo ông Đạt, cần phải rà soát lại các dự án kế hoạch đầu tư, có kế hoạch huy động vốn, vận động các thành phần kinh tế cùng tham gia. Lãnh đạo các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng cam kết tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, nhất là về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư hạ tầng đến các dự án… Đại diện các doanh nghiệp tham dự diễn đàn cũng cho biết những thuận lợi, khó khăn trong quá trình đầu tư tại các tỉnh. Đa số cho rằng cần có thêm thông tin về nhu cầu đầu tư, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và đào tạo nguồn nhân lực (hầu hết các doanh nghiệp đều thiếu lao động có tay nghề cao).

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng hoan nghênh sáng kiến tổ chức diễn đàn đầu tư Tây Nguyên. Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt cho Tây Nguyên. Sau 20 năm đổi mới, vùng đất này đã có sự tăng trưởng khá, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của khu vực. Về tổng thể, KT-XH Tây Nguyên còn nhiều hạn chế, đời sống nhân dân còn thiếu thốn, tăng trưởng chưa bền vững, chậm ứng dụng công nghệ mới nên sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao; hạ tầng kém; nguồn nhân lực thiếu…

Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh vấn đề đào tạo nhân lực ở Tây Nguyên, coi đây là một trong những vấn đề bức xúc nhất, phải đầu tư vào lĩnh vực này. Phó Thủ tướng ghi nhận thành công của diễn đàn thông qua việc đông đảo các bộ, ngành, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia; mong các địa phương, các doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp gỡ, tìm được những dự án đầu tư có hiệu quả; nêu cao trách nhiệm trong hợp tác đầu tư, ủng hộ an sinh xã hội, giúp đỡ đồng bào địa phương có cuộc sống ổn định.

Tại diễn đàn, đã có 19 dự án (với số vốn hơn 10.600 tỷ đồng) đã được ký kết giữa UBND các tỉnh Tây Nguyên với các nhà đầu tư. Đồng thời, Ban tổ chức cũng đã nhận được 70 tỷ đồng tiền tài trợ an sinh xã hội của các doanh nghiệp trong nước.

. Theo SGGP

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Việt Nam: Xác nhận ca tử vong thứ 3 do cúm A/H1N1  (06/09/2009)
Phát hành 84,2 triệu bản sách giáo khoa tới 63 tỉnh, thành phố   (05/09/2009)
Hơn 22 triệu HS-SV cả nước bước vào năm học mới   (05/09/2009)
Chủ trang trại, HTX có thể vay 500 triệu đồng   (04/09/2009)
Lũ trên các sông từ Huế đến Quảng Ngãi lên nhanh   (04/09/2009)
Hôm qua, Việt Nam ghi nhận số người mắc cúm A/H1N1 kỷ lục: 180 ca   (04/09/2009)
Áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp vùng biển từ Đà Nẵng đến Bình Định   (04/09/2009)
Kinh tế Việt Nam qua đánh giá của dư luận thế giới   (04/09/2009)
Lãng phí đất công: Sự thật được phơi bày  (03/09/2009)
Rộn ràng vui lễ  (03/09/2009)
Sản xuất thành công lô xăng sinh học đầu tiên  (03/09/2009)
Khánh thành cầu Phú Mỹ  (03/09/2009)
Tỏa sáng nhân cách Hồ Chí Minh  (03/09/2009)
Quá tải các điểm vui chơi ngày 2.9  (02/09/2009)
Quý IV, Chính phủ sẽ công bố gói kích cầu mới  (02/09/2009)