Áp thấp nhiệt đới kỳ lạ
9:37', 8/9/ 2009 (GMT+7)

Người dân miền Trung và Tây Nguyên đang chịu nhiều thiệt hại do mưa lũ gây ra. (Ảnh: VNN)

Áp thấp nhiệt đới ở vùng ngoài khơi các tỉnh miền Trung đã tồn tại được 4 - 5 ngày và mặc dù ban đầu các chuyên gia về khí tượng nhận định rằng nó sẽ nhanh chóng suy yếu song hiện nay vẫn đang tồn tại dai dẳng ở vùng ngoài khơi các tỉnh Quảng Ngãi - Bình Định, gây mưa lớn và nhiều thiệt hại. Đến khi nào áp thấp nhiệt đới trên sẽ kết thúc, chiều 7.9, PV Báo SGGP đã trao đổi nhanh với ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương.

- Thưa ông, mặc dù chỉ là áp thấp nhiệt đới song nó đã gây nhiều thiệt hại về người và của, vậy áp thấp ở miền Trung còn tồn tại bao lâu nữa?

Ông LÊ THANH HẢI: Đây là một vùng áp thấp nhiệt đới rất kỳ lạ. Có lúc nó lên cấp 6 (cấp nguy hiểm) và theo quy định thì như vậy phải cảnh báo là áp thấp nhiệt đới, nhưng có lúc lại giảm xuống chỉ còn cấp 5, tức chỉ là một vùng áp thấp. Áp thấp nhiệt đới này cũng có hình thù không rõ ràng, các đám mây xoáy tản rộng chứ không tụ lại vào tâm, tức không có “mắt” như mắt bão. Ban ngày có theo dõi qua ảnh vệ tinh dễ dàng nhưng về đêm thì không theo dõi được. Theo nhận định của chúng tôi thì nó sẽ còn tồn tại thêm khoảng ít nhất 1 - 2 ngày nữa.

- Tại sao cách đây 2 ngày, trung tâm dự báo áp thấp nhiệt đới sẽ đi ra ngoài biển Đông nhưng hiện nay lại đang quay trở lại bờ?

Thực tế áp thấp nhiệt đới đã di chuyển ra xa bờ nhưng chỉ di chuyển được hơn 100km rồi lại bất ngờ quay lại vì ban đầu nó chịu sức hút của một cơn bão khác ở ngoài khơi. Sau đó, áp thấp liên tục chạy ra chạy vào quanh khu vực biển Quảng Ngãi - Bình Định.

- Hiện nay ở Tây Nguyên và Nam bộ đang có mưa, trong đó Tây Nguyên có mưa rất to và gây lũ lớn. Vậy mưa lớn ở Tây Nguyên có phải do áp thấp nhiệt đới gây ra?

Mưa lớn ở Tây Nguyên cũng như Nam bộ như chúng tôi đã cảnh báo không hoàn toàn do áp thấp nhiệt đới gây ra mà là do gió mùa Tây Nam ở phía Nam mạnh dần lên vì chịu ảnh hưởng của một cơn bão hình thành ở khu ngoài khơi phía Đông của Philippines. Tuy nhiên, hiện nay cơn bão đã đi ngược lên vùng biển Nhật Bản nên sẽ không tác động nhiều đến thời tiết ở các tỉnh phía Nam nước ta nữa. Do đó, trong vài ngày tới, Nam bộ, Tây Nguyên sẽ có nắng trở lại.

Đã có 18 người chết, bị thương và mất tích

Theo Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, tính đến ngày 7.9, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đã làm tổng cộng ít nhất 18 người chết, mất tích và bị thương. Trong đó, Đà Nẵng 2 người chết, Thừa Thiên-Huế 2 người chết, Quảng Ngãi có 2 người mất tích và 5 người bị thương, Gia Lai có 1 người mất tích và 4 người bị thương, Quảng Nam có 1 người chết, Quảng Trị có 1 người chết.

Bên cạnh thiệt hại về người, ATNĐ còn gây thiệt hại nặng nề về lúa, hoa màu, nhà cửa và các công trình công cộng. Thiệt hại nặng nề nhất là tỉnh Quảng Trị với hơn 4.000ha lúa bị ngập, Quảng Nam hơn 3.000ha...

Ở miền Bắc, lũ ống cục bộ cũng đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Lào Cai, trong đó các nơi bị tàn phá nặng nề là huyện Sa Pa, Văn Bàn và TP Lào Cai. Quốc lộ 279 đi Lai Châu đã bị ách tắc nghiêm trọng, tuyến đường tỉnh lộ từ Lào Cai đi các huyện Văn Bàn, Bảo Thắng cũng bị ách tắc.

Miền Trung, Tây Nguyên: Lũ trên các sông lại lên

Sau khi vừa rút xuống ở mức báo động 1, trong đêm 6 và cả ngày 7.9, mưa lớn lại xảy ra tại hầu hết các địa phương ở miền Trung, làm cho mực nước trên các sông bắt đầu lên lại. Trung tâm PCLB khu vực miền Trung – Tây Nguyên cho biết: tính đến chiều 7.9, mực nước trên các con sông đang dao động ở mức trên báo động 1, báo động 2. Trong đêm 7 và ngày 8-9, lũ trên các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận tiếp tục lên và các sông từ Quảng Nam đến Quảng Bình xuống chậm.

Tại Đà Nẵng, mưa lớn liên tục trong ngày 7.9 đã làm cho TP Đà Nẵng một lần nữa ngập chìm trong nước. Hầu hết các tuyến đường ở khu vực nội thành như Nguyễn Văn Linh, Phan Châu Trinh, Hoàng Diệu, Đống Đa, Núi Thành… bị ngập sâu từ 0,3m đến 0,5m, gây ách tắc giao thông. Nặng nhất là trên tuyến đường Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu), có nơi ngập gần 1m, giao thông gần như bị gián đoạn.

Theo tin mới nhất từ UBND tỉnh Quảng Ngãi, đợt mưa lũ vừa qua đã làm 3 ngôi nhà bị sập, 75 nhà bị tốc mái, gần 4.000ha lúa bị ngập, ngã đổ; gần 5.000ha rau màu bị thiệt hại, nhiều công trình giao thông, các phương tiện tàu thuyền bị chìm… với tổng thiệt hại ước tính 31 tỷ đồng. Thiệt hại tại Quảng Nam khoảng 20 tỷ đồng.

Từ ngày 5 đến 7.9, trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc có mưa to liên tục kéo dài trên diện rộng, lượng mưa phổ biến từ 130-180mm, riêng huyện Ea H’leo lượng mưa đạt tới 357mm, dẫn tới lũ lụt cục bộ một số nơi. Lượng nước từ thượng nguồn sông Sêrêpốc đổ về nhanh và dâng cao, gây ngập tại xã biên giới Ia R’Vê, huyện Ea Súp.

Tính đến trưa 7.9, mưa lũ xảy ra tại huyện Ea Súp đã làm ngập 9 ngôi nhà, 450ha lúa chuẩn bị cho thu hoạch, và 210ha bắp, đậu, bông vải; gây sạt lở, hư hỏng 2,5km đường giao thông nông thôn.

Tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, lũ trên các sông, suối thượng nguồn ở 2 tỉnh trên đang lên nhanh và đã vượt mức báo động 3 tới 1,44m. Nơi nước lũ lên nhanh nhất là trạm Pmơ Rê, trên sông Ayun.

Đến sáng 7.9, mực nước tại đây đã vượt mức báo động 3 gần 1,5m. Nước sông Ayun chảy xiết đã làm sạt lở mố cầu và gây sập cầu 20, nằm trên tuyến đường từ quốc lộ 19 đi xã Ayun và Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, làm giao thông ách tắc.

Bình Thuận: Đảo Phú Quý có nguy cơ thiếu thực phẩm, nhiên liệu

Ông Huỳnh Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) cho biết, từ tối ngày 6 đến tối 7.9, ở huyện đảo, gió lớn cấp 8-9, giật bất thường, cột sóng cao 4-5m. Hiện nay, lương thực, thực phẩm tại đảo đang tăng giá rất cao, do nhiều ngày không có tàu vận chuyển từ đất liền về. Nếu trong vòng 5 ngày tới mà tàu không thể xuất bến thì huyện đảo sẽ không còn lương thực, thực phẩm và xăng dầu.

ĐBSCL: Lũ kết hợp triều cường

Trong 2 ngày qua, mưa lớn trên diện rộng kết hợp với triều cường và nước lũ từ thượng nguồn đổ về làm cho mực nước lũ ở ĐBSCL lên nhanh. Đến chiều 7-9, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu, trên sông Hậu tại Châu Đốc đều trên báo động 1. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong vài ngày tới mức nước đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên tiếp tục lên theo đợt triều cường.

. Theo SGGP

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kiều bào tại Australia là bộ phận không thể tách rời của dân tộc  (07/09/2009)
Tu bổ, bảo dưỡng định kỳ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh  (07/09/2009)
Bức tâm thư của Phó Thủ tướng về giáo dục  (07/09/2009)
Việt Nam sắp phóng vệ tinh Vinasat-2  (07/09/2009)
Thêm 154 trường hợp dương tính cúm A/H1N1  (07/09/2009)
Miền Trung: Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ  (07/09/2009)
80 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học bio-ethanol  (07/09/2009)
Miền Trung thiệt hại nặng do mưa lũ  (06/09/2009)
Diễn đàn xúc tiến đầu tư Tây Nguyên: Ký kết 19 dự án với hơn 10.000 tỷ đồng  (06/09/2009)
Việt Nam: Xác nhận ca tử vong thứ 3 do cúm A/H1N1  (06/09/2009)
Phát hành 84,2 triệu bản sách giáo khoa tới 63 tỉnh, thành phố   (05/09/2009)
Hơn 22 triệu HS-SV cả nước bước vào năm học mới   (05/09/2009)
Chủ trang trại, HTX có thể vay 500 triệu đồng   (04/09/2009)
Lũ trên các sông từ Huế đến Quảng Ngãi lên nhanh   (04/09/2009)
Hôm qua, Việt Nam ghi nhận số người mắc cúm A/H1N1 kỷ lục: 180 ca   (04/09/2009)