|
Vùng áp thấp mới hình thành có diện bao phủ rộng, nhiều khả năng mạnh lên thành bão. Ảnh: vnbaolut. |
Trong khi áp thấp nhiệt đới sau 6 ngày hoành hành ven biển miền Trung gây thiệt hại nặng nề vẫn chưa tan, một vùng áp thấp mới lại vừa hình thành ngay trong biển Đông nhiều khả năng mạnh lên thành bão.
Sau 6 ngày luẩn quẩn ven biển, áp thấp nhiệt đới đã đổ lượng mưa khổng lồ lên hàng loạt địa phương miền Trung gây lũ lụt, ngập úng. Nặng nhất là đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi): gần 1.000 mm; hàng loạt địa phương tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế... mưa trên 600 mm, thậm chí trên 800mm.
Theo thống kê tại các tỉnh miền Trung, thiệt hại ban đầu do mưa lũ ước tính hàng chục tỷ đồng. Hàng ngàn ha lúa, hoa màu, rau xanh... ngập úng, nhiều huyện miền núi ở Quảng Nam bị cô lập vì sạt lở. Đến ngày 8.9, ít nhất 8 người chết và mất tích, 9 người khác bị thương.
Đặc biệt, mưa lũ khiến hệ thống giao thông khu vực miền Trung đã hư hỏng nghiêm trọng. Theo Khu Quản lý đường bộ 5 tại Đà Nẵng, có trên 50 điểm sạt lở trên đường Hồ Chí Minh đoạn từ Thừa Thiên - Huế đến Kon Tum. Tuy chưa gây tắc đường trên quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh, song mưa lũ đã làm nứt mặt đường, tạo nhiều ổ gà chi chít khắp nơi suốt dọc 1.000 km đường quốc lộ.
Riêng hệ thống đường nhánh nối đồng bằng với các huyện miền núi Quảng Nam, các địa phương ven đường Hồ Chí Minh đã bị sạt lở nặng, gây tắc đường. Tuyến đường nối thành phố Đà Nẵng lên các huyện miền núi Đông Giang và Tây Giang của Quảng Nam đã tái sạt lở đoạn dốc Kiền. Cả đoạn đèo dài 500 mét bị đất đá vùi lấp. Đường đến 2 huyện miền núi này từ ngày 7.9 phải đi vòng xa trên 100 km. Ngoài ra, một số tuyến đường đi các huyện miền núi Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức của Quảng Nam đã bị tắc đường do sạt lở nặng. Giao thông đình trệ.
Trong khi đó, áp thấp nhiệt đới vẫn nằm luẩn quẩn dọc bờ biển miền Trung với sức gió giật mạnh cấp 7 và tiếp tục gây mưa lớn từ Quảng Trị tới Bình Định và khu vực tây nam quần đảo Hoàng Sa. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới đi ra biển và suy yếu dần.
Tuy nhiên, một vùng áp thấp với diện bao phủ rộng vừa hình thành ở bắc Biển Đông. Theo ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm, vùng áp thấp này nhiều khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới rồi thành bão do được cung cấp nhiều năng lượng tại vùng biển thoáng, rộng, mặt biển nóng.
"Vùng áp thấp mới hình thành sẽ tương tác khiến áp thấp nhiệt đới tại miền Trung tan nhanh. Nhiều khả năng vùng áp thấp này sẽ mạnh lên thành bão và ảnh hưởng tới khu vực Bắc Trung Bộ", ông Hải cho biết.
Ngoài ra, khu vực giữa và nam biển Đông, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau do chịu tác động của gió tây nam tăng cường nên có gió giật cấp 9. Các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ mưa lớn.
"Áp thấp nhiệt đới và vùng áp thấp nói trên còn diễn biến phức tạp, người dân cần lưu ý theo dõi", ông Hải nói.
. Theo VnExpress |