Mưa lũ tại miền Trung - Tây Nguyên: 14 người chết và mất tích
10:9', 10/9/ 2009 (GMT+7)

* Thiệt hại 122,9 tỷ đồng

Đường Lê Lợi, TP Hội An (Quảng Nam) bị ngập lũ.

Ngày 9.9, Trung tâm PCLB khu vực miền Trung – Tây Nguyên cho biết: Từ khuya ngày 8.9 đến chiều 9.9, mưa đã giảm đáng kể trên hầu hết các địa bàn ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên, nhiều nơi hầu như không có mưa và trời bắt đầu hửng nắng. Vì vậy, đến sáng ngày 9.9, lũ trên hầu hết các sông ở Gia Lai, Kon Tum, Thừa Thiên-Huế đã bắt đầu xuống chậm; tuy nhiên vẫn còn ở mức cao (trên báo động 2).

Đến trưa cùng ngày, lũ trên các sông ở Quảng Nam và Quảng Ngãi đã đạt đỉnh ở mức trên báo động 2 và bắt đầu xuống chậm. Tuy nhiên, theo dự báo, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên trong chiều tối 9.9, mưa to tiếp tục xảy ra ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên và lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Bình Định có thể lên trở lại. Tình hình mưa lũ ở miền Trung – Tây Nguyên còn diễn biến hết sức phức tạp.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm PCLB miền Trung – Tây Nguyên, đến sáng 9.9, mưa lũ đã làm 8 người chết (Quảng Nam 1, Đà Nẵng 2, Thừa Thiên-Huế 2, Quảng Trị 1, Đắc Lắc 2); 6 người mất tích (Quảng Ngãi 2, Quảng Nam 3, Gia Lai 1) và 9 người bị thương. Bên cạnh đó, mưa lũ đã làm thiệt hại 122,9 tỷ đồng.

Điều đáng quan tâm hiện nay là vẫn còn hơn 6.000 tàu thuyền với 38.483 lao động của các tỉnh miền Trung đang hoạt động trên biển. Trong đó, tỉnh Bình Định có số tàu thuyền và lao động đang hoạt động trên biển nhiều nhất với 2.492 tàu thuyền/17.576 lao động.

Ngay trong ngày 9.9, đoàn công tác gồm Trung tâm PCLB miền Trung - Tây Nguyên, Cục Thủy lợi, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã thị sát tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Từ đó, có hướng chỉ đạo cho các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả, hỗ trợ kịp thời cho các địa phương vượt qua khó khăn.

Tại Quảng Nam, ngày 9.9, người dân đã tiến hành thu hoạch lúa bị ngập. Đến chiều 9.9, nắng bắt đầu hửng lên, người dân Quảng Nam đã mang lúa nảy mầm do ngâm nước lụt mấy ngày nay ra phơi chật kín đường. Tại huyện Đại Lộc, nhiều tuyến đường về vùng A và vùng B vẫn còn ngập sâu trong lũ từ 1m trở lên, giao thông vẫn trì trệ.

Các xã Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Sơn (vùng A) và Đại Phong, Đại Cường, Đại Thắng (vùng B) vẫn còn bị chia cắt do lũ. Tại TP Hội An, nước lũ cũng gây ngập các tuyến phố chính như Lê Lợi, Bạch Đằng, Trần Phú… Tuy nhiên, những ngày lũ này, du khách quốc tế đến Hội An rất nhiều để được… lội nước lũ. Nhiều người dân Hội An đã tự tổ chức tour du lịch “bụi” ngắm phố cổ Hội An bằng thuyền với giá từ 15.000 - 20.000 đồng/người.

Tại Quảng Ngãi, trong một tuần qua, trên địa bàn các huyện miền núi mưa to làm sạt lở nghiêm trọng một số tuyến đường. Tại huyện Tây Trà, đến sáng ngày 9.9 đã xảy ra sạt lở tại Km49+100 thuộc địa phận xã Trà Lãnh. Hàng trăm khối đất đá đã đổ ra đường, chỉ có xe máy qua lại được nhưng rất nguy hiểm vì đất đá trên đỉnh núi đang tiếp tục sạt đổ xuống. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có phương tiện đến khắc phục nên nguy cơ tắt đường, cô lập rất cao. Riêng xã Trà Xinh bị cô lập hoàn toàn suốt mấy ngày qua do nước sông Tang dâng cao và chảy xiết.

Tại Thừa Thiên-Huế, ngày 9.9, tranh thủ thời tiết nắng ráo, lực lượng xung kích địa phương gồm đoàn thanh niên, bộ đội… đã về các huyện vùng thấp trũng, hợp lực với bà con nông dân đắp đê, sửa chữa các công trình thủy lợi và cắt, vớt lúa hè-thu đổ gãy, phơi hong hàng ngàn tấn thóc bị nảy mầm trong mưa lũ những ngày qua.

Tại Bình Định, ngày 9.9, trước tình hình mưa lớn bắt đầu xuất hiện nhiều nơi trên địa bàn, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Bình Định đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương trong tỉnh có kế hoạch đối phó với mưa lũ. Hiện nay ở Tuy Phước (Bình Định) vẫn còn khoảng 4.000ha lúa vụ hè-thu đang chín nhưng chưa thu hoạch, trong đó có 450ha lúa bị ngã do mưa lớn gây ra có nguy cơ nảy mầm tại ruộng.

Tại Gia Lai, theo Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, đến chiều 9.9, mưa to liên tục đã gây ảnh hưởng nặng nề đến 10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đã có hơn 10.000ha lúa, rau màu, cây công nghiệp bị ngập sâu trong nước; hơn 600 gia cầm bị chết, hơn 50ha ao cá bị ngập… Nước lũ đã cuốn trôi và làm chết 2 người tại các huyện Mang Yang và KBang; gần 200 ngôi nhà của nhân dân ở huyện Chư Prông và Ia Pa bị ngập nặng. Tổng mức thiệt hại trong toàn tỉnh Gia Lai ước gần 20 tỷ đồng.

Tại Kon Tum, mưa lũ cũng đã làm tốc mái 2 phòng học của Trường Tiểu học Đăk Sú (Ngọc Hồi). Hiện các xã Đông Trường Sơn (huyện Kon Plông) gồm Đăk Tăng, Măng Bút, Ngọc Tem, Đăk Ring, Đăk Nên bị cô lập hoàn toàn, không thể thông tin liên lạc.

Ông Phạm Văn Hạnh, Trưởng phòng Giáo dục huyện Ea Súp cho biết, đã cho hơn 800 học sinh 2 trường Mầm non Hoa Lan và THCS Trần Hưng Đạo ở xã Ia Lốp nghỉ học bắt đầu từ ngày 8 và 9.9. Do mưa lũ, trong những ngày qua tất cả các tuyến đường liên thôn, liên xã của xã Ia Lốp đều bị ngập trong nước, nơi sâu nhất lên tới hơn 1m.

Tại Lâm Đồng, đến chiều 9.9, mưa lũ đã gây ngập 325 nhà dân tại huyện Cát Tiên, trong đó có 25 hộ phải di dời đến nơi ở tạm. Quốc lộ 28 nối Đắc Nông - Lâm Đồng bị sạt lở 20m mái taluy dương đoạn qua xã Quảng Khê, huyện Đắc G’Long, gây ách tắc giao thông. Nếu không giải phóng khối đất đá khổng lồ này, nền đường có thể bị trôi xuống vực sâu như đã từng xảy ra vào mùa lũ năm 2006. Tổng kinh phí sửa chữa tạm thời ước khoảng 5 tỷ đồng

. Theo SGGP

Bão cấp 8 hướng vào Vịnh Bắc Bộ

Với tốc độ di chuyển 15 km mỗi giờ, cơn bão số 7 đang nhanh chóng hướng về Vịnh Bắc Bộ gây gió mạnh cấp 7 từ đêm mai. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió giật cấp 8. Các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ có mưa to.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, áp thấp nhiệt đới hình thành ở phía bắc biển Đông đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 7. Sáng sớm nay, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 400 km về phía Đông Đông Bắc. Vùng gần tâm bão có gió giật cấp 10.

Trong 24 giờ tới, bão số 7 di chuyển theo hướng Tây - Tây Tây Bắc với tốc độ 15 km mỗi giờ. Sáng 11.9, tâm bão chỉ còn cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 200 km về phía Đông, sức gió không đổi. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh nguy hiểm có bán kính 150km. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, cơn bão vẫn giữ nguyên hướng đi và cường độ. Đến sáng 12.9, tâm bão ở ngay trên bờ biển phía Tây đảo Hải Nam.

Trên đường đi của bão, vùng biển phía Bắc khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió giật cấp 10. Từ đêm 11.9, vịnh Bắc Bộ gió mạnh cấp 7.

Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh khu vực giữa và nam biển Đông, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió giật cấp 8. Các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ có mưa to.

. Theo Vnexpress

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Các tỉnh tiếp tục được cấp sổ đỏ, sổ hồng  (10/09/2009)
1.000 tỉ đồng để quảng bá Việt Nam trên Fashion TV  (09/09/2009)
Tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam tăng bất thường  (09/09/2009)
Khai thác mỏ sắt lớn nhất VN  (09/09/2009)
Ngày không túi nilon đầu tiên tại Việt Nam  (09/09/2009)
Cần có thuế suất cụ thể cho từng loại tài nguyên  (09/09/2009)
Đề xuất giá sàn mua mía 600.000 đồng/tấn  (09/09/2009)
Rộn ràng với ngày “999”  (09/09/2009)
Xuất hiện áp thấp mới trên biển Đông  (09/09/2009)
Chủ động ngăn chặn lạm phát  (09/09/2009)
Chương mới trong quan hệ Việt Nam-Australia  (08/09/2009)
Nhiều ngân hàng lãi lớn  (08/09/2009)
Trong tháng 9: Phát hành “sổ đỏ” mới  (08/09/2009)
Bộ Y tế chính thức xác nhận ca tử vong thứ ba do cúm A/H1N1  (08/09/2009)
Tiếp nhận gần 200 tư liệu, hiện vật mới về Chủ tịch Hồ Chí Minh  (08/09/2009)