Hàng giả tràn lan
9:46', 18/9/ 2009 (GMT+7)

Tại thị trường TPHCM, hàng giả, hàng nhái được bày bán rất nhiều.

83% hàng giả bán tại thị trường Hà Nội có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong khi đó, tại thị trường TPHCM, 65% hàng giả là hàng sản xuất trong nước.

Cầm trên tay áo thun hiệu Lacoste, chủ một cửa hàng trên đường Hai Bà Trưng (quận 1– TPHCM) giới thiệu: “Hàng giả đấy nhưng giả cao cấp nên không thua hàng xịn đâu. Giá chỉ 230.000 đồng, rẻ chán so với hàng xịn tới hơn 1 triệu đồng”. Thấy tôi có vẻ chần chừ, anh ta nói tiếp: “Hay muốn mua hàng giả nội địa, áo thun hiệu TCM của Thành Công nè, chỉ 40.000 đồng thôi, mặc cũng được đấy!”.

Khi người bán “công khai” hàng giả

Không khó (nếu không muốn nói là rất dễ) tìm hàng giả tại các chợ ở TPHCM. Nổi cộm nhất vẫn là hàng may và phụ kiện thời trang do Trung Quốc sản xuất. Tại chợ An Đông, Bà Chiểu, Bình Tây, Bến Thành... rất nhiều gian hàng bày bán quần áo, thắt lưng, túi xách, mắt kính... giả các thương hiệu nổi tiếng. Điều đáng lo ngại là người bán sẵn sàng “công khai” với khách là hàng giả mà không e dè lực lượng quản lý thị trường.

Còn các siêu thị, chưa bàn đến nguồn gốc, chất lượng hàng hóa bày bán tại khu tự chọn, riêng ở khu vực cho thuê mặt bằng có rất nhiều gian hàng trưng bày hàng giả. Ngay trong siêu thị Co.opMart Phú Mỹ Hưng (quận 7), chúng tôi ghi nhận có một số gian hàng bán công khai các loại mỹ phẩm nhái Lancôme, Estéc Lauder...; túi xách Louis Vuitton, Chlóe, Gucci, Guess... Ở một số siêu thị khác, tình hình cũng tương tự.

Trên thị trường Hà Nội hiện nay xuất hiện nhan nhản hàng kim khí điện máy chuyển về từ biên giới, đa số là hàng giả, hàng nhái. Nhiều hộ gia đình sử dụng các mặt hàng gia dụng, điện tử, điện lạnh được thiết kế y chang thương hiệu nổi tiếng nhưng nhãn hiệu được viết chệch đi như Sonny, Panasoni, Shaap, Hitachic... Giám đốc một trung tâm điện máy tại TPHCM có chi nhánh ở Hà Nội nhận xét: Tình trạng này khiến việc đầu tư vào trung tâm điện máy ở khu vực phía Bắc khó khăn hơn phía Nam rất nhiều.

Bà Nguyễn Đình Liên Chi, quản lý đối ngoại Công ty L’Oreal VN, cũng than: “Mỹ phẩm giả thương hiệu L’Oreal, Lancôme, Maybeline... xuất hiện rất nhiều tại thị trường Hà Nội nhưng điều đáng lo ngại hơn là một số cửa hàng còn ngang nhiên trưng bảng hiệu “Bảo đảm bán hàng chính hãng”. Khi chúng tôi đề nghị các cửa hàng không nên bán hàng giả và gỡ bảng hiệu xuống, nhiều chủ cửa hàng còn thách thức: Có người mua thì có người bán. Không việc gì phải đóng cửa.

Biết giả nhưng vẫn vô tư mua

Kết quả khảo sát thị trường về hàng giả do Công ty Nielsen và tổ đặc trách quyền sở hữu trí tuệ Ý tại VN thực hiện mới đây cho thấy: Tại thị trường VN, các sản phẩm dệt may, giày dép, mỹ phẩm, gia dụng, rượu và thức uống có cồn, kim khí điện máy và dược phẩm bị giả nhiều nhất. Trong đó, mặt hàng dệt may giả bày bán nhiều tại TPHCM (tỉ lệ hàng giả 27%); dược phẩm giả và hàng điện tử giả bán nhiều tại Hà Nội (tỉ lệ hàng giả 47% và 37%).

Cũng theo kết quả cuộc khảo sát, đa số người sử dụng hàng giả là người có thu nhập thấp. Song không có nghĩa người có thu nhập trung bình là không sử dụng hàng giả, nhất là sản phẩm may mặc, phụ kiện thời trang, hàng gia dụng như lò vi ba, lò nướng, bàn ủi... Dù biết là hàng giả nhưng người tiêu dùng vẫn mua vì có đến 81% cho rằng giá rẻ và thiết kế đẹp không thua hàng thật nên họ quyết định mua hàng giả. Nhiều trường hợp người có thu nhập cao cũng mua phải hàng giả vì không thể phân biệt với hàng thật.

Cũng theo khảo sát trên, cửa khẩu Việt – Trung là nơi xuất phát hàng giả đổ vào các tỉnh phía Bắc và 83% hàng giả bán tại Hà Nội đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Còn 65% hàng giả bán tại TPHCM chủ yếu được làm giả tại VN.

Trách nhiệm của nhiều phía

Theo các chuyên gia kinh tế, việc cần làm hiện nay là cơ quan thực thi pháp luật phải hoạt động mạnh hơn bởi họ là lực lượng nòng cốt chống hàng giả. Tổ trưởng tổ đặc trách quyền sở hữu trí tuệ Ý tại VN, Martino Castellani, góp ý: Không thể ngày một ngày hai dẹp được vấn nạn hàng giả mà phải tập trung vào những nhóm hàng có nguy cơ cao nhất đối với người tiêu dùng như dược phẩm, thực phẩm...

Ông Nguyễn Văn Viễn, Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ VN, nhấn mạnh: Muốn chống hàng giả nên làm từ gốc và doanh nghiệp cũng cần đề cao trách nhiệm. Đó là làm sao cân bằng giữa lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Vì không phải hàng hóa nào cũng thể hiện quyền lợi một cách đồng nhất. Chẳng hạn, đối với các mặt hàng dược phẩm, quyền lợi của nhà sản xuất hàng thật và quyền lợi người tiêu dùng tương đối hài hòa. Song đối với mặt hàng công nghệ cao như CD room, giá một sản phẩm thật khoảng 380.000 đồng trong khi sản phẩm giả không thua kém chất lượng là mấy giá chỉ 10.000 đồng. Lúc này, lợi ích của người tiêu dùng không được bảo đảm nếu họ mua hàng thật buộc họ mua hàng giả. “Vì vậy, bắt đầu từ giá (nguyên nhân chính khiến người tiêu dùng mua hàng giả), các nhà sản xuất nên nghĩ đến trách nhiệm của mình” – ông Viễn đề xuất.

. Theo NLĐ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mua hàng dệt may Việt Nam vì đồng bào biển đảo  (18/09/2009)
Có thể tính đến phương án giảm giá xăng  (18/09/2009)
Giá vàng sẽ lập đỉnh cao?  (17/09/2009)
“Kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trong năm 2010”  (17/09/2009)
Hàng nhái từ Trung Quốc là nhiều nhất  (17/09/2009)
Thu nhập của người dân nông thôn sẽ tăng gấp đôi  (17/09/2009)
Phí, thuế chiếm 37,5% giá xăng dầu  (17/09/2009)
Chữ ký số, ký thế nào?  (17/09/2009)
Khám chữa bệnh bằng BHYT: Chi tiết hóa nhiều nội dung  (16/09/2009)
Thu nhập từ kinh doanh nhà giá rẻ được miễn thuế  (16/09/2009)
Vietnam Airlines giảm giá vé đến 70%  (16/09/2009)
Tổng kiểm tra hộ nghèo trên toàn quốc  (16/09/2009)
Giữ ổn định thị trường tiền tệ những tháng cuối năm  (16/09/2009)
Thị trường bất động sản phục hồi: Ai hưởng lợi?  (16/09/2009)
Kinh doanh xăng dầu lãi 300-700đ/lít  (16/09/2009)