Ngày 17.9, Bộ Y tế đã hướng dẫn triển khai phòng chống đại dịch cúm tại các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước. Theo đó, các cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện nghiêm việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho các trường hợp nghi ngờ mà có yếu tố nguy cơ hoặc tiếp xúc với người bệnh đã chẩn đoán xác định cúm A/H1N1. Trong trường hợp không có xét nghiệm PCR (sinh học phân tử) hoặc chưa có kết quả xét nghiệm, những trường hợp nghi ngờ cúm A/H1N1 không rõ nguồn lây nhưng ở địa phương đang có dịch lây lan trong cộng đồng có thể điều trị ngay bằng thuốc kháng virus sau khi đã hội chẩn chuyên môn. Đặc biệt, các bệnh viện có thể thiết lập phòng khám, tư vấn và xét nghiệm cúm A/H1N1 tự nguyện để đáp ứng nhu cầu của những người không có triệu chứng nhưng muốn khám, tư vấn và xét nghiệm cúm A /H1N1.
Bộ Y tế cũng yêu cầu thực hiện phương án cách ly và điều trị tại chỗ tại bệnh viện huyện và các bệnh viện thuộc mạng lưới điều trị cúm. Chỉ chuyển lên bệnh viện tuyến trên các trường hợp nặng, vượt quá khả năng điều trị. Nghiêm túc thực hiện cách ly và điều trị bắt buộc đối với các trường hợp nghi ngờ hoặc xác định cúm A/H1N1, không để các trường hợp nghi ngờ hoặc xác định cúm A/H1N1 bỏ điều trị mà không theo dõi, giám sát, cách ly và điều trị, dẫn đến nguy cơ lây lan cho cộng đồng và có thể có biến chứng nặng gây tử vong.
Cùng ngày, Bộ Y tế đã triển khai kế hoạch hành động phòng chống đại dịch cúm A/H1N1 cho các tỉnh thành phía Nam và Tây Nguyên. Theo đánh giá của Cục Y tế dự phòng và môi trường, hiện dịch cúm A/H1N1 đã bước vào giai đoạn lây lan mạnh với tỷ lệ mắc tăng cao nhanh chóng.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục y tế dự phòng và môi trường, cho biết người dân vẫn chưa thể miễn dịch với virus cúm A/H1N1 nên lây lan rộng qua đường hô hấp là khó ngăn ngừa. Đặc biệt, mùa đông là điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển nên sẽ có nguy cơ bùng phát. Theo TS Nga, hiện Bộ Y tế đang xem xét nhập một số lượng vaccine phòng chống cúm A/H1N1 để dùng cho những đối tượng có nguy cơ cao như người già, trẻ em, phụ nữ và nhân viên y tế. Đồng thời, sẽ mua thêm ít nhất 15 máy đo thân nhiệt cung cấp cho các địa phương. Tuy nhiên, TS Nga cho rằng một số địa phương vẫn chưa quán triệt công tác phòng chống cúm A/H1N1. Hiện nay, vẫn có 7 tỉnh chưa có kế hoạch phòng chống cúm A/H1N1… “Yêu cầu các tỉnh thành cần tiếp tục xây dựng kế hoạch phòng chống cúm A/H1N1 cụ thể cho địa phương mình. Kế hoạch phải chi tiết thì hành động mới hiệu quả”, TS Nga nói.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, cho biết hiện đang quá tải trầm trọng xét nghiệm cúm A/H1N1. Hiện nay, viện này đang “dốc hết sức” nhưng vẫn còn tới 700 mẫu chờ kết quả xét nghiệm. Theo ông Hữu, trung bình một ngày viện tiếp nhận hơn 300 mẫu, có ngày lên đến 600 mẫu yêu cầu xét nghiệm cúm A/H1N1. “Do quá tải nên nhiều mẫu phải sau 3 - 4 ngày mới gởi trả kết quả xét nghiệm. Việc quá tải này dẫn đến chậm trễ trong việc điều trị vì nhiều địa phương vẫn chờ có kết quả xét nghiệm mới tiến hành điều trị”, ông Hữu nói. Mặt khác, với số lượng mẫu xét nghiệm quá nhiều dẫn đến thiếu kinh phí làm xét nghiệm do giá thành một xét nghiệm từ 1,5 - 2 triệu đồng. Đến nay, Viện Pasteur TP.HCM đã nợ 4 tỷ đồng vì phục vụ cho công tác xét nghiệm cúm A/H1N1, trong khi đó Bộ Y tế lại chưa quy định cấp kinh phí trong phòng chống dịch khẩn cấp.
* Ngày 17.9, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã công bố khoản tài trợ bổ sung của quốc gia này cho các hoạt động kiểm soát bệnh dịch tại Việt Nam thông qua một dự án trị giá 450.000 USD. Dự án được thiết kế nhằm tăng cường vai trò của các tổ chức dân sự trong phòng chống cúm A/H1N1 và một số nguy cơ bệnh tật khác. Theo đó, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được hỗ trợ xây dựng kế hoạch phòng chống và ứng phó đại dịch cúm, tổ chức tập huấn cho các tổ chức dân sự đang hoạt động phòng chống dịch bệnh trên toàn quốc. Mục đích dự án giúp nâng cao năng lực của Việt Nam trong việc đáp ứng nhu cầu của cộng đồng về y tế, an ninh lương thực và sinh kế trong trường hợp xảy ra đại dịch cúm.
. Theo SGGP |