|
Phun thuốc sát khuẩn phòng chống cúm A/H1N1 ở một trường học (ảnh: NLĐ) |
Bộ Y tế thông báo, trong ngày 20.9, Việt Nam ghi nhận thêm 282 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 (khu vực phía Nam: 214 ca, khu vực miền Trung: 48 ca, khu vực Tây Nguyên: 20 ca). Như vậy, nước ta đã có 6.883 ca mắc cúm A/H1N1 kể từ đầu vụ dịch đến nay.
Đáng chú ý là ngày hôm qua, tại Bình Phước, bác sỹ Tô Đức Sinh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, Bình Phước đã có ca nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên tử vong. Bệnh nhân tên Đ.T K.C, 42 tuổi, tạm trú tại ấp 6, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú, được điều trị tại khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước, tử vong vào ngày 19.9 do viêm phổi nặng, sau đó được xác định là đã nhiễm cúm A/H1N1. Kết quả xét nghiệm của Viện Paster thành phố Hồ Chí Minh ngày 20.9 đã xác định bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắc Lắc, bác sĩ Cao Minh Toàn, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắc Lắc cho biết, bệnh nhân N.T.T sinh năm 1963, trú thôn 4, xã Hòa An, huyện Krông Pắc, Đắc Lắc tử vong vì cúm A/H1N1. Bệnh nhân trên nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Pắk vào tối 17.9 với các triệu chứng sốt, khó thở và sau đó được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắc Lắc. Bệnh nhân được điều trị cách ly theo phác đồ cúm A/H1N1, tình trạng bệnh nhân ổn định, không sốt nhưng lượng bạch cầu tăng khá cao. Ngày 18.9, bệnh viện đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm và ngày 19-9, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã có thông báo (qua điện thoại) mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân này dương tính với cúm A/H1N1. Khoảng 8 giờ sáng 20.9 tình trạng bệnh của bệnh nhân đột nhiên biến chứng theo chiều hướng nặng với biểu hiện suy hô hấp cấp và khoảng 30 phút sau thì tử vong.
Như vậy, tính đến ngày 20.9 cả nước đã có 9 bệnh nhân tử vong vì cúm A/H1N1. Hai trường hợp tử vong trên Bộ Y tế sẽ xem xét để công bố chính thức nguyên nhân tử vong. Bộ Y tế nhận định, dịch cúm A/H1N1 tiếp tục diễn biến phức tạp, vì thế để hạn chế dịch lây lan trong cộng đồng, Bộ tiếp tục khuyến cáo học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ, nhân viên công tác tại các trường học chủ động theo dõi sức khỏe hằng ngày để phát hiện triệu chứng cúm. Nếu có biểu hiện bệnh (sốt, ho, đau họng…) thì không đến trường, đồng thời gia đình thông báo cho ban giám hiệu, y tế địa phương để được tư vấn; nếu phát hiện triệu chứng cúm khi đang ở trường thì cách ly vào phòng riêng, thông báo cho ban giám hiệu, cơ quan y tế tại trường học để xử lý, tránh lây lan. Tuy nhiên, Bộ cũng khuyến cáo các trường học khi phát hiện học sinh nhiễm cúm cần hạn chế việc đóng cửa, dừng lớp học thay vào đó nên phối hợp với cơ sở y tế tổ chức tốt việc cách ly các em.
. Theo HNM |