|
Sơ đồ vị trí vùng nghiên cứu mỏ khí hydrat trên biển Đông trong một đề tài do Viện Địa chất và Địa vật lý biển thực hiện. |
“Biển Việt Nam nằm trong khu vực biển Đông, được Sở Địa chất Hoa Kỳ (USGS) đánh giá đứng hàng thứ 5 ở châu Á về tiềm năng khí hydrat”. PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam cho biết tại Hội nghị về phát triển năng lượng bền vững do Viện Khoa học năng lượng (Viện KH-CN Việt Nam) tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Mặc dù Việt Nam chưa được trang bị đầy đủ thiết bị, công nghệ và còn thiếu nguồn nhân lực phục vụ nghiên cứu, điều tra cơ bản và thăm dò khí hydrat, nhưng cũng theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, dựa vào các kết quả điều tra, khảo sát những năm qua về địa chất, cấu trúc- kiến tạo, địa mạo, độ sâu đáy biển cũng như kết quả của công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí cho thấy, trên các vùng biển Việt Nam hội tụ nhiều yếu tố khẳng định triển vọng về khí hydrat tại biển và thềm lục địa Việt Nam là rất lớn.
Năm 2008 và 2009, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam đã tiến hành ký kết hai biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu, điều tra địa chất - khoáng sản biển nói chung và tiềm năng khí hydrat nói riêng với Viện Hải dương học Thái Bình Dương V.I’lchev- POI (thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga) và Viện Nghiên cứu địa chất và khoáng sản Hàn Quốc- KIGAM. Đây là các tổ chức có năng lực và uy tín trong lĩnh vực thăm dò, khai thác khí hydrat trên thế giới.
Với trữ lượng lớn gấp 3 lần trữ lượng năng lượng hóa thạch đã biết trên toàn thế giới, khí hydrat (còn gọi là methane hydrat, clathrate hydrat…) là dạng tài nguyên đang được các nước trên thế giới đặc biệt quan tâm. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phát triển mạnh mẽ, nhu cầu năng lượng ngày càng trở lên cấp bách và nguồn năng lượng truyền thống như than đá, than bùn, dầu khí…ngày càng cạn kiệt thì khí hydrat được xem là nguồn năng lượng tiềm tàng trong tương lai.
. Theo DVO |