|
Pha lóc gia cầm tại một lò mổ ở khu vực nội thành. |
Theo quy hoạch của UBND TP.HCM, hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, đến năm 2010 phải chuyển tất cả ra ngoại thành. Một số doanh nghiệp thực hiện đúng chủ trương, chuyển ra vùng ven thành phố hoặc các tỉnh, nhưng cũng có không ít cơ sở giết mổ đến nay vẫn tồn tại trong nội thành. Điều này đã gây ra tình trạng cạnh tranh không bình đẳng .
Ông Phạm Văn Minh, giám đốc công ty TNHH Phú An Sinh (PAS), một trong những doanh nghiệp di dời nhà máy giết mổ ở quận 12 về Bà Rịa – Vũng Tàu đầu tiên, bức xúc: “Thịt gà, thịt heo đưa từ ngoài vào thành phố phải đóng bao bì, vận chuyển trên xe tải lạnh, thực hiện nghiêm ngặt quy định thú y. Còn sản phẩm giết mổ tại thành phố chỉ cần chở trên xe Honda, tốn ít chi phí và có thể vận chuyển giờ nào cũng được đang gây ra tình trạng cạnh tranh không bình đẳng”.
Cạnh tranh không bình đẳng
Ngoài PAS, Huỳnh Gia Huynh Đệ cũng đã thực hiện chủ trương dời nhà máy về tỉnh Đồng Tháp, và hiện nay cũng đang gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với các doanh nghiệp còn tồn tại trong nội thành.
Sản phẩm gia cầm, thịt heo từ ngoài đưa vào thành phố không chỉ gặp bất lợi chi phí vận chuyển, chi phí trữ lạnh, chi phí giấy kiểm dịch, mà còn mất đi độ tươi, nóng (vì phải ướp lạnh), nên mất tính cạnh tranh. Cũng một bộ lòng gà nhưng các lò mổ ở An Nhơn bán ra 4.000 đồng, còn ướp lạnh chỉ có 2.000 – 3.000 đồng. Tương tự một bộ lòng heo ướp lạnh cũng có giá thấp hơn 12 – 15% so với bộ lòng còn tươi, nóng giết mổ ngay tại thành phố.
“Chúng tôi thực hiện đúng chủ trương thì gặp khó khăn, còn những doanh nghiệp khác làm sai thì vẫn sống khoẻ là bất hợp lý”, ông Minh nói.
Tương tự như vậy, hiện nay một số nhà máy xử lý trứng gia cầm như Ba Huân, Trại Việt đầu tư hàng trăm tỉ đồng cũng đang khốn đốn vì cạnh tranh không lại với các cơ sở, đại lý trứng sản xuất thủ công, không đạt yêu cầu vệ sinh thú y đang tồn tại tràn lan khắp các quận, huyện.
Trâu chậm... uống nước trong
Theo quy hoạch, trung tâm giết mổ gia cầm An Nhơn do tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) quản lý nằm trong khu dân cư, phải ngưng hoạt động vào năm 2010. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến nay lò này vẫn tồn tại, mỗi đêm giết mổ không dưới 40.000 con gia cầm…
Giải thích nguyên nhân chậm trễ di dời, ông Huỳnh Hữu Lợi, chủ tịch hội đồng quản trị Sagri, cho biết đơn vị này đã xây dựng xong dự án chuyển nhà máy về huyện Củ Chi. Diện tích nhà máy mới khoảng 81ha, vốn đầu tư trên 300 tỉ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, do kinh tế gặp khó khăn, Nhà nước siết chặt đầu tư công, nguồn vốn dành cho dự án bị đình lại. Thời gian qua, ông Lợi cho hay Sagri cố gắng huy động nguồn vốn bên ngoài, nhưng tình hình hiện nay lãi suất vay quá cao, xét thấy hiệu quả đầu tư thấp nên chưa dám làm.
“Chúng tôi đã đền bù giải toả, san lấp mặt bằng xong ở dự án mới và phương án hiện nay là kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước hùn vốn làm chứ một mình Sagri thì thật sự khó khăn”, ông Lợi nói.
Mới đây, UBND thành phố tiếp tục có quy hoạch điều chỉnh dự án giết mổ, yêu cầu đến năm 2013 Sagri phải thực hiện xong việc di dời trung tâm An Nhơn, tuy nhiên, ông Lợi cho rằng tiến độ thực hiện phải phụ thuộc vào nguồn vốn kêu gọi đầu tư.
Sau ba lần điều chỉnh quy hoạch, đến nay nhà máy giết mổ gia súc của công ty Vissan đặt tại quận Bình Thạnh vẫn được phép hoạt động bình thường. Cuối tháng 11 này, Vissan mới khởi công xây dựng cụm công nghiệp giết mổ, chế biến thực phẩm tại Long An, và dự kiến phải ba năm sau mới đưa vào hoạt động, lúc đó lò mổ tại Bình Thạnh mới ngưng hoạt động.
. Theo SGTT |