Đã có báo cáo về đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước
14:41', 21/11/ 2011 (GMT+7)

Sáng nay, 21.11, Dự án Luật Giám định tư pháp đã được Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp toàn thể.

Lo ngại về thực trạng cán bộ giám định tư pháp thiếu và yếu, cộng với quy định cho phép thành lập các doanh nghiệp tư nhân thực hiện hoạt động giám định tư pháp có thể dẫn đến việc kết quả giám định không chính xác, thiếu khách quan, các đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Giàng A Chu (Yên Bái) đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật một số quy định về giám định lại, giám định bổ sung. 

Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) quan tâm đến cơ cấu tổ chức của bộ máy giám định tư pháp. Bà Hương Thủy cho rằng không nên bỏ tổ chức giám định tư pháp ở Công an tỉnh, đặc biệt là trong bối cảnh tội phạm gia tăng và thủ đoạn phạm tội ngày càng phức tạp, tinh vi.

“Người làm công tác giám định pháp y cần phải có tính kỷ luật cao, đáp ứng yêu cầu làm việc mọi nơi, mọi lúc. Đồng thời, khi tham gia vào một vụ án, họ không đơn thuần giám định mà còn phải vận dụng nghiệp vụ công an để phân tích, đánh giá đối tượng, góp phần vào công tác định hướng điều tra, phá án”, đại biểu Hương Thủy lý giải.

Phát biểu sau đó, các đại biểu Vũ Thị Hương (Điện Biên), Nguyễn Văn Minh (Bắc Kạn)... bày tỏ đồng tình với quan điểm này.

Bà Vũ Thị Hương đặt câu hỏi: “Nếu nói để đảm bảo công tác giám định thật sự khách quan, độc lập với quá trình điều tra thì phải bỏ hoàn toàn hệ thống giám định tư pháp thuộc lực lượng công an, tại sao dự thảo Luật lại vẫn giữ tổ chức giám định tư pháp thuộc Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an”?

Ông Nguyễn Văn Minh nói thêm, hiện nay chỉ có giám định viên về pháp y và kỹ thuật hình sự mới buộc phải qua đào tạo về tư pháp là chưa đủ (các giám định viên về tài chính, ngân hàng... chỉ cần có bằng cấp chuyên môn về tài chính ngân hàng - PV). Trên cơ sở phân tích tính chất đặc thù của công việc này, đại biểu nhấn mạnh: “Tất cả các giám định viên thuộc mọi lĩnh vực nhất thiết phải được đào tạo, bồi dưỡng về giám định tư pháp, trang bị kiến thức về pháp luật tố tụng. Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung tiêu chuẩn này đối với giám định viên nói chung”.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) lại nhất trí với phương án bỏ bộ phận giám định tư pháp ở Công an tỉnh. “Nên tập trung nguồn lực vì một tổ chức giám định tư pháp mạnh”, ông Hiến nói.

Về nội dung xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp, đại biểu Nguyễn Văn Hiến cho rằng, trên thực tế hoạt động giám định pháp y là dễ xã hội hóa hơn cả, bởi đây là lĩnh vực nhiều việc nhất. Đại biểu đồng tình với quan điểm của Chính phủ cho rằng đây là lĩnh vực nhạy cảm, chưa nên xã hội hóa ngay, nhưng theo ông, quy định về văn phòng giám định tư pháp như trong dự thảo luật là khá chặt; trong khi lại chỉ được nhận việc ở những lĩnh vực ít việc nhất nên “chưa chắc mục tiêu xã hội hóa giám định tư pháp đã có thể hiện thực hóa”.

Có cùng quan điểm này, song đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) có phần “thoáng” hơn khi đề nghị nghiên cứu, cho phép xã hội hóa cả hoạt động giám định pháp y.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) thẳng thắn cho rằng, với nội dung như hiện nay, dự thảo Luật chưa thể giải tỏa được những “điểm nghẽn” trong hoạt động giám định tư pháp. Một nội dung cần được chú trọng xây dựng, theo đại biểu, là quy định về giải quyết khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực này, góp phần nâng cao tính chính xác, khách quan trong các kết luận giám định.

Đầu tư ngoài ngành của tập đoàn, tổng công ty nhà nước

Bộ Tài chính vừa có báo cáo về tình hình đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gửi đến các vị đại biểu Quốc hội ngay trước phiên chất vấn sẽ diễn ra vào giữa tuần này. 

Theo đó, đến cuối năm 2010, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã đầu tư 3.576 tỷ đồng vào chứng khoán, 2.236 tỷ đồng vào lĩnh vực bảo hiểm, 5.379 tỷ đồng vào bất động sản, vào quỹ đầu tư 495 tỷ đồng; riêng lĩnh vực ngân hàng vượt trội với 10.128 tỷ đồng.

Còn nếu tính trong giai đoạn 2006 - 2009 thì đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán là 707 tỷ đồng (năm 2006), 1.328 tỷ đồng (năm 2007), 1.697 tỷ đồng (năm 2008) và 986 tỷ đồng (năm 2009). Đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm từ 2006 - 2009 là 758 tỷ đồng (năm 2006), 2.655 tỷ đồng (năm 2007), 3.007 tỷ đồng (năm 2008) và 1.578 tỷ đồng (năm 2009). Đầu tư vào các quỹ lần lượt là 600 tỷ đồng, 1.050 tỷ đồng, 1.424 tỷ đồng và 694 tỷ đồng. Và đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng với 3.838 tỷ đồng, 7.977 tỷ đồng, 11.427 tỷ đồng và 8.734 tỷ đồng.

Những con số này cho thấy, trong khi các lĩnh vực khác có những “thăng trầm” nhất định thì ngân hàng là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn hơn cả trong cơ cấu đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã cơ cấu để giảm dần tỷ lệ vốn góp vào các lĩnh vực nêu trên. Tuy nhiên việc thoái vốn ở những lĩnh vực này chưa hoàn thành được mục tiêu đề ra của Chính phủ, mà nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế thế giới và trong nước suy giảm. Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định về đầu tư vốn nhà nước làm chủ sở hữu vào cuối năm 2011. Ban đầu, nội dung này dự kiến được luật hóa, nay sẽ chỉ được quy định trong một nghị định.

. Theo SGGP

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lợi thế cho doanh nghiệp chậm tuân thủ quy hoạch  (21/11/2011)
Chất vấn Thủ tướng và 5 thành viên Chính phủ  (21/11/2011)
Những vấn đề đặt ra cho các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu  (20/11/2011)
Thông xe hầm Thủ Thiêm  (20/11/2011)
EVN rút hết vốn kinh doanh ngoài ngành vài năm tới  (20/11/2011)
Bộ Y tế phát động chiến dịch rửa tay bằng xà phòng  (20/11/2011)
Sân golf trong sân bay: “Không có gì phải lo lắng”  (19/11/2011)
Đánh giá tổng thể tiềm năng tài nguyên quặng bauxit, quặng sắt laterit  (18/11/2011)
Cần thành lập quỹ bình ổn giá cho mặt hàng thiết yếu  (18/11/2011)
Vn-Index xuống thấp nhất trong hơn 2 năm qua  (18/11/2011)
Việt Nam có lượng khí hydrat đứng thứ 5 châu Á  (18/11/2011)
Xuất khẩu điện thoại tăng gấp đôi… dầu thô!  (18/11/2011)
Vàng lậu nhái vàng thương hiệu  (17/11/2011)
Thủ tướng chỉ thị bình ổn thị trường trước và sau tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012  (17/11/2011)
“Nóng” với Luật Biểu tình  (17/11/2011)