Làm rõ việc EVN thua lỗ
9:13', 22/11/ 2011 (GMT+7)

Thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2010 lỗ 10.162 tỉ đồng, chờ được hạch toán vào giá điện đang gây bức xúc trong dư luận. Đại biểu Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, đã có ý kiến quanh vấn đề này

* Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về con số lỗ 10.162 tỉ đồng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong năm 2010 mà Bộ Công Thương vừa công bố?

- Ông Trần Du Lịch: Khi công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN, tôi thấy nói đến nhiều nguyên nhân khách quan nhưng cá nhân tôi lại thấy  rằng hoạt động thua lỗ của EVN có nguyên nhân từ việc đầu tư ra ngoài ngành quá nhiều, phân tán vốn, không tập trung vào nhiệm vụ chính.

 

Dư luận đang đặt câu hỏi liệu EVN đã đầu tư đúng mức cho lĩnh vực chính của mình là cung ứng điện?.

 

Có ba vấn đề cần lưu ý. Thứ nhất, EVN kinh doanh rất nhiều lĩnh vực, từ viễn thông tới bất động sản… để phân tán nguồn lực. Đó là điều tôi cho rằng cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm. Thứ hai, phải minh bạch trách nhiệm của EVN trong các khoản đầu tư ngoài ngành. Nếu thuần túy là kinh doanh gây lỗ thì phải xác định rõ trách nhiệm của lãnh đạo trong việc quyết định đầu tư. Thứ ba, cơ sở tăng giá điện phải minh bạch, làm rõ giá thành sản xuất, kinh doanh điện. Trong đó có nỗ lực của EVN về việc chống thất thoát điện như thế nào. Phải làm rõ như vậy để có cơ sở đòi hỏi trách nhiệm, không đơn giản là EVN cứ nói thế nào, tin thế ấy rồi cho tăng giá điện. Câu chuyện lỗ lãi, minh bạch giá thành và tăng giá điện hiện nay rất bức xúc.

* Bộ CôngThương cho biết số lỗ của EVN sẽ được phân bổ dần vào giá điện. Hạch toán như vậy có hợp lý không, thưa ông?

Tự giải quyết khoản lỗ

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết nếu việc đưa hơn 10.000 tỉ đồng lỗ vào giá thành của EVN là có thật thì Thường vụ Quốc hội phải xem tại sao đưa, đưa vào đâu, cách đưa thế nào. Hiện giá điện đang được Nhà nước hỗ trợ, còn nếu điều tiết theo đúng quy luật cung cầu thì không thể có chuyện áp lỗ vào giá thành để người dân phải trả giá điện cao.

Đại biểu Nguyễn Hữu Quang, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, cho rằng việc EVN đưa vào khoản lỗ hơn 10.000 tỉ đồng phải kiểm tra lại và dứt khoát những chi phí không liên quan đến việc phát điện mà trước đó chưa tính hết thì phải tính vào. Đồng thời, cơ quan kiểm toán cần lưu ý khi tính toán giá thành điện những chi phí không phục vụ sản xuất điện phải triệt để loại ra ngoài như các khoản đầu tư ngoài.

- Nếu thực sự khoản lỗ đó chỉ duy nhất do hoạt động sản xuất, kinh doanh điện tạo ra thì về cơ chế, phải phân bổ vào giá thành là đúng. Nhưng không thể phân bổ một lúc mà phải có nhiều thời gian để không gây áp lực lên giá điện. Đó là về nguyên tắc. Với trường hợp của EVN, tôi nhắc lại rằng còn nhiều vấn đề liên quan khác cần làm rõ. Ngay trong hoạt động sản xuất, kinh doanh điện còn có các vấn đề chống thất thoát điện năng. Tại sao EVN có tiền đầu tư các lĩnh vực khác nhưng lại không có tiền đầu tư để làm giảm thất thoát điện, đầu tư nguồn điện, lưới điện…? Những người lãnh đạo của EVN phải chịu trách nhiệm trong cả quá trình đầu tư đó chứ không phải EVN đi làm viễn thông để bây giờ thua lỗ, phải chuyển nhượng mà chúng ta vẫn chấp nhận cho phân bổ lỗ vào giá thành. Tôi cho rằng trước mắt, khoản lỗ này phải khoanh lại và làm rõ tất cả thì mới cho phân bổ.

* Như ông đã nói, thua lỗ của EVN có nguyên nhân từ năng lực bộ máy điều hành nhưng bên cạnh đó còn có nguyên nhân từ cơ chế thí điểm hoạt động đầu tư đa ngành, đa sở hữu của tập đoàn kinh tế Nhà nước?

- Đã 4 năm nay, tôi liên tục đề nghị phải có luật riêng về vấn đề đầu tư, kinh doanh vốn Nhà nước. Hiện nay, thiếu luật này nên không ai quản lý được. Trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam có doanh nghiệp Nhà nước. Khu vực kinh tế Nhà nước của ta chiếm 28%-29% GDP, nước Pháp có thời điểm doanh nghiệp nhà nước của họ chiếm hơn 50% GDP, tại sao ta không học hỏi họ nghiên cứu xây dựng luật mà cứ kéo dài thí điểm? Như vậy không ổn.

. Theo NLĐ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
5 vấn đề lớn về dân sinh   (22/11/2011)
Thầy thuốc không được làm ngoài quá 200 giờ/năm  (21/11/2011)
Đã có báo cáo về đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước  (21/11/2011)
Lợi thế cho doanh nghiệp chậm tuân thủ quy hoạch  (21/11/2011)
Chất vấn Thủ tướng và 5 thành viên Chính phủ  (21/11/2011)
Những vấn đề đặt ra cho các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu  (20/11/2011)
Thông xe hầm Thủ Thiêm  (20/11/2011)
EVN rút hết vốn kinh doanh ngoài ngành vài năm tới  (20/11/2011)
Bộ Y tế phát động chiến dịch rửa tay bằng xà phòng  (20/11/2011)
Sân golf trong sân bay: “Không có gì phải lo lắng”  (19/11/2011)
Đánh giá tổng thể tiềm năng tài nguyên quặng bauxit, quặng sắt laterit  (18/11/2011)
Cần thành lập quỹ bình ổn giá cho mặt hàng thiết yếu  (18/11/2011)
Vn-Index xuống thấp nhất trong hơn 2 năm qua  (18/11/2011)
Việt Nam có lượng khí hydrat đứng thứ 5 châu Á  (18/11/2011)
Xuất khẩu điện thoại tăng gấp đôi… dầu thô!  (18/11/2011)