Năm 2012, ưu tiên hàng đầu cho vay nông nghiệp, nông thôn
14:55', 22/11/ 2011 (GMT+7)

Ngân hàng Nhà nước sẽ quy định tất cả các tổ chức tín dụng ít nhất phải có dư nợ tương ứng với khoảng 20% tổng dư nợ để phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

Lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước năm 2012.

Đó là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí ngày 21.11.­­­­

Theo Thống đốc, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2011, trong thời gian này, Ngân hàng Nhà nước cũng như hệ thống các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục có những hoạt động hết sức tích cực để góp phần vào việc tăng trưởng kinh tế, không chỉ của năm nay mà còn tạo đà cho phát triển kinh tế năm 2012.

 

Đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống khoảng trên 10% so với cuối năm 2010; phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2011 của toàn hệ thống khoảng 12%-13%.

Mới đây, Quốc hội đã thông qua các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội của năm 2012. Theo đó, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng sẽ ở mức từ 15-17%. Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành các Ngân hàng đạt được các mục tiêu đó, vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục kiềm chế lạm phát trong những năm tiếp theo nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo được sự phát triển của nền kinh tế, phục vụ cho việc tăng trưởng kinh tế khoảng từ 6-6,5%.

Trong năm 2012, Thống đốc Nguyễn Văn Bình xác định những lĩnh vực được ưu tiên cho vay hàng đầu bao gồm: Thứ nhất, phát triển nông nghiệp và nông thôn; đặc biệt là khôi phục lại hoạt động sản xuất ở các vùng vừa bị thiên tai, bão lụt thời gian vừa qua; Thứ hai là tập trung cho việc sản xuất hàng xuất khẩu; Thứ ba là phục vụ cho công nghiệp phụ trợ; Thứ tư là cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là đảm bảo nguồn vốn lưu động cho loại hình doanh nghiệp này.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ có quy định cụ thể hơn trong vấn đề cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất và các lĩnh vực không khuyến khích, xem xét lại nhu cầu vốn cho mua nhà ở của những người dân có thu nhập trung bình, thu nhập thấp cũng như vay vốn để xây dựng các nhà an sinh xã hội cho những người có thu nhập trung bình và thấp ở thành thị cũng như ở các khu công nghiệp.

Đó cũng là những lĩnh vực mà Ngân hàng Nhà nước cũng như toàn bộ hệ thống ngân hàng chú trọng quan tâm trong phát triển tín dụng trong năm tới.

Các chính sách cụ thể để giảm lãi suất cho vay nông nghiệp

Để giúp hệ thống ngân hàng có thể giảm lãi suất cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, một mặt các ngân hàng thương mại phải tính toán dành vốn và chi phí nghiệp vụ thoả đáng cho mục tiêu này để hạ dần lãi suất cho vay, một mặt Ngân hàng Nhà nước sẽ có những chính sách phù hợp, ví dụ đối với các ngân hàng hoạt động tích cực, có dư nợ lớn ở lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và các đối tượng cần hỗ trợ, Ngân hàng Nhà nước có thể có ưu tiên về mức dự trữ bắt buộc, hoặc sẽ dành một phần tiền cung ứng cho tái cấp vốn để các tổ chức tín dụng cho vay nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Ngân hàng Nhà nước sẽ lấy Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm trụ cột, đồng thời giao nhiệm vụ cho Ngân hàng này phải có dư nợ tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn của năm 2012 chiếm từ 75-80% tổng dư nợ. Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích tất cả các ngân hàng khác tập trung đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; quy định tất cả các tổ chức tín dụng khác ít nhất phải có dư nợ tương ứng với khoảng 20% tổng dư nợ của mình để phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Những tổ chức tín dụng nào không có điều kiện đầu tư ở lĩnh vực nông nghiệp nông thôn thì có thể chuyển số vốn tương ứng về cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

Kỳ vọng lãi suất tiếp tục giảm

Về điều hành lãi suất, Thống đốc cho rằng: trong năm 2011, nước ta đã có những nỗ lực hết sức to lớn. Về vĩ mô, chúng ta đã kiểm soát được lạm phát. Bắt đầu từ tháng 8 trở lại đây, lạm phát có chiều hướng đi xuống. Đó là những dấu hiệu hết sức tích cực. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, lạm phát của Việt Nam vẫn đang còn ở mức độ khá cao. Từ nay đến cuối năm, nước ta phấn đấu để giữ lạm phát ở khoảng 18-18,5%. Do vậy, trong thời gian từ tháng 8 trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại đã hết sức tích cực để đưa được lãi suất huy động đồng loạt ở mức không quá 14% và lãi suất cho vay ở mức 16-17%, hoặc 18% là phổ biến.

Việc tiếp tục giảm lãi suất là một nhu cầu tất yếu của nền kinh tế, nhưng phải được tiến hành trong bối cảnh kiểm soát được tốc độ tăng lạm phát. Với những dấu hiệu giảm lạm phát trong những tháng vừa qua, Thống đốc hy vọng rằng hai tháng cuối năm 2011, chỉ số giá cả cũng sẽ giữ ở mức thấp, dưới 1%/tháng, sẽ tạo cơ sở vững chắc cho hệ thống ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất vào khoảng cuối năm nay để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh vào đầu năm sau.

 

. Theo Chinhphu.vn

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động lên 6 tháng  (22/11/2011)
Ủy ban Kiểm tra TƯ giữ nguyên kỷ luật 5 trường hợp   (22/11/2011)
Làm rõ việc EVN thua lỗ  (22/11/2011)
5 vấn đề lớn về dân sinh   (22/11/2011)
Thầy thuốc không được làm ngoài quá 200 giờ/năm  (21/11/2011)
Đã có báo cáo về đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước  (21/11/2011)
Lợi thế cho doanh nghiệp chậm tuân thủ quy hoạch  (21/11/2011)
Chất vấn Thủ tướng và 5 thành viên Chính phủ  (21/11/2011)
Những vấn đề đặt ra cho các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu  (20/11/2011)
Thông xe hầm Thủ Thiêm  (20/11/2011)
EVN rút hết vốn kinh doanh ngoài ngành vài năm tới  (20/11/2011)
Bộ Y tế phát động chiến dịch rửa tay bằng xà phòng  (20/11/2011)
Sân golf trong sân bay: “Không có gì phải lo lắng”  (19/11/2011)
Đánh giá tổng thể tiềm năng tài nguyên quặng bauxit, quặng sắt laterit  (18/11/2011)
Cần thành lập quỹ bình ổn giá cho mặt hàng thiết yếu  (18/11/2011)