Đào tạo tại chức không có lỗi
14:49', 24/11/ 2011 (GMT+7)

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận - Ảnh VNN

Trước ý kiến chất vấn về độ vênh giữa chất lượng đào tạo ĐH chính quy và tại chức tại nghị trường sáng nay, 24.11, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, bản thân hình thức tại chức không có lỗi. Lỗi là do công tác quản lý, triển khai, chưa chú ý chất lượng và có tiêu cực.

Được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét là phiên chất vấn “thẳng thắn, phong phú, sôi nổi”, phần đăng đàn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận tại Quốc hội kỳ này chủ yếu xoay quanh nội dung đổi mới giáo dục, đào tạo, nhất là ở bậc đại học, cùng các “vấn nạn” hiện nay về lạm thu, dạy thêm, học thêm tràn lan; các sai phạm trong thi, tuyển sinh các cấp…

Phiên chất vấn được mở đầu bằng câu hỏi của đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên), đi thẳng vào vấn đề chất lượng đào tạo khi đại biểu này nêu nghịch lý: Nhiều trường ĐH trong nước tuyển không đủ chỉ tiêu nhưng số con em đi nước ngoài du học tự túc ngày càng tăng…

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận, so với yêu cầu, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ở bậc đại học còn bất cập và yếu kém. Việc không tuyển sinh đủ chỉ tiêu không chỉ năm vừa qua mới nảy sinh, mà những năm trước cũng đã có.

 

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, với những giải pháp chấn chỉnh, đổi mới thời gian qua, chất lượng giáo dục các cấp đã có sự chuyển biến và tiến bộ nhất định. Bộ trưởng dẫn chứng, hiện đại bộ phận nhân lực của Intel Việt Nam đều được đào tạo tại các trường đại học của Việt Nam và được Intel khẳng định là đảm bảo chất lượng; Diễn đàn kinh tế thế giới về chỉ số cạnh tranh xếp hạng giáo dục của Việt Nam năm 2008 đứng thứ 120/141 quốc gia, đến năm 2011, Việt Nam vươn lên vị trí 69 và trong 10 nguyên nhân gây khó khăn cho kinh doanh tại Việt Nam, nếu năm 2008, Diễn đàn này xếp nguyên nhân do yếu kém về giáo dục ở vị trí thứ 3 thì đến 2011, nguyên nhân này đã xuống hàng thứ 6.

Những câu trả lời của Bộ trưởng dường như chưa làm thỏa mãn các đại biểu. Đại biểu Tường tiếp tục đặt vấn đề: Hình dung các trường ĐH cũng giống như cửa hàng, một bên thì đông đúc và một bên thì ít khách. Vậy làm sao để hút khách?

Về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã và đang thanh, kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường ĐH, CĐ, nhất là những trường mới thành lập 10 năm trở lại đây, qua đó có củng cố, tăng cường chất lượng. Vừa qua, Bộ đã kiểm tra được 5 trường, từ nay đến cuối năm sẽ tiến hành với 20 trường nữa. Bộ trưởng khẳng định, với những biện pháp này, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ không có sự tăng “nóng” như những năm trước nữa và sẽ điều chỉnh để tỷ lệ học sinh/giáo viên giảm dần; điều chỉnh chỉ tiêu phi chính quy để làm cho quy mô đào tạo của các nhà trường tương xứng với điều kiện đảm bảo chất lượng. Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, xây dựng đội ngũ giáo viên đầu đàn làm trụ cột, gắn đào tạo với nhu cầu xã hội...

Bộ trưởng cũng khẳng định, đến thời điểm này, các trường ĐH, CĐ đã được mở đều nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt.

“Nếu theo quy hoạch phát triển, số lượng trường chúng ta chưa đủ nhưng ta thừa các trường chất lượng không cao, thiếu trường chất lượng cao. Chúng tôi sẽ xem xét, cập nhật thực tế để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp tình hình, đồng thời chấn chỉnh, củng cố các trường yếu, những trường không củng cố được thì cho dừng tuyển sinh, thậm chí đóng cửa trường”, Bộ trưởng khẳng định.


Tham gia chất vấn, đại biểu Trần Du Lịch - TP. Hồ Chí Minh nhận xét, có vẻ Bộ trưởng “chưa thừa nhận chất lượng thấp của đầu ra đại học” và nói rằng, nếu chúng ta không nhìn nhận thực trạng này thì không thể giải quyết được.

Bộ trưởng Luận một lần nữa tiếp thu và trần tình: “Những điều tôi dẫn chứng chỉ để giúp chúng ta thấy đã có những chuyển biến, còn đánh chung thì vẫn còn bất cập, khiếm khuyết, cần phải có giải pháp khắc phục”.

Bộ trưởng cho biết, sẽ phải nghiêm túc thực hiện đổi mới chất lượng giáo dục, đào tạo phù hợp với chất lượng tăng trưởng, đổi mới căn bản các lĩnh vực của ngành theo chuẩn hóa và hội nhập quốc tế. Cùng với việc nghiên cứu các mô hình, chính sách thích hợp, Bộ cũng đang tập trung đổi mới nội dung sách giáo khoa, chương trình đào tạo và các yếu tố khác.

Cùng quan tâm đến giáo dục ở bậc ĐH, các đại biểu Bùi Mạnh Hùng – Bình Phước, Nguyễn Sỹ Cương – Ninh Thuận nêu thực trạng, chất lượng đào tạo chính quy và không chính quy, đặc biệt là hệ tại chức, từ xa đang có vấn đề, ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ công chức.

Bộ trưởng chia sẻ, việc một số địa phương từ chối bằng ngoài công lập cũng là tiếng chuông cảnh báo với ngành, để ngành xem xét lại chất lượng đào tạo. Về nguyên tắc, không có sự phân biệt giữa đào tạo tại chức, tập trung và thực tế đã có nhiều người nổi tiếng trưởng thành qua hình thức đào tạo tự học.

“Bản thân hình thức đào tạo tại chức không có lỗi…. Yếu là do công tác quản lý, triển khai, chưa chú ý chất lượng và có tiêu cực… Chúng tôi sẽ chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong quản lý để đảm bảo chất lượng”, Bộ trưởng nói.

Vấn đề chất lượng đào tạo tiếp tục được “làm nóng” khi đại biểu Trần Minh Diệu – Quảng Bình khơi lại kết quả tốt nghiệp PTTH năm qua tăng cao đột biến khiến có những nghi ngờ về việc coi thi, chấm thi và cũng có ý kiến cử tri cho rằng, đề và đáp án thi môn sử có vấn đề.

“Bản thân những người trong ngành chúng tôi cũng đặt câu hỏi về việc này. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ thanh tra, kiểm tra xem có bất thường không. Bộ đã có văn bản yêu cầu các địa phương có kết quả thi tốt nghiệp cao, nhất là trường giáo dục thường xuyên, có báo cáo và Bộ cũng đã phúc tra, thanh tra lại. Theo báo cáo, kết quả thi tốt nghiệp năm 2011 cơ bản phù hợp với bài thi”, Bộ trưởng trả lời.

Bộ trưởng cho biết, những trường có tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100% đều là trường chuẩn, trường điểm của các tỉnh nên tỷ lệ cao cũng là bình thường, thậm chí học sinh các trường này thi ĐH, CĐ cũng đỗ trên 80%.

Về đề thi môn lịch sử, Bộ trưởng khẳng định, cơ bản không có vấn đề gì. Có thể do việc ra đề theo hướng thay đổi phương pháp học tập để giảm dần học thuộc lòng, đẩy mạnh việc nâng cao nhận thức, tình cảm cho học sinh thông qua học các môn xã hội nên việc đổi mới đề thi có thể khiến thày, trò chưa quen.

Về giảm tải nội dung chương trình ở các cấp học phổ thông, Bộ trưởng cho biết, sau khi có chương trình mới, Bộ đã hình thành một bộ phận liên tục theo dõi, đánh giá chương trình và đưa ra những kết luận bước đầu về những nội dung trùng lắp.

“Năm vừa rồi chúng tôi đã có điều chỉnh, giảm tải với một số nội dung, dành khoảng trống cho các trường có thời gian củng cố kiến thức cho học sinh. Còn sẽ giảm tải thế nào tiếp thì sẽ nằm trong chương trình nghiên cứu đổi mới căn cơ chương trình các môn học, bậc học”, Bộ trưởng nói.

Chương trình giáo dục vẫn nặng về tri thức

Cùng tham gia làm rõ thêm các vấn đề về giáo dục, đào tạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, chất lượng giáo dục đào tạo chịu sự chi phối của một hệ thống các yếu tố.

 

Ở bậc giáo dục phổ thông, nhiệm vụ đặt ra là vừa giáo dục tri thức, vừa giáo dục làm người nhưng thực tế, thiết kế chương trình còn nặng về giáo dục tri thức, hạn chế giáo dục về kỹ năng, giáo dục xã hội... Phó Thủ tướng cho rằng, để khắc phục hạn chế này cần có thời gian. Trước mắt, ngành đã hướng dẫn điều chỉnh các môn học phổ thông để bớt tình trạng học thuộc lòng, đồng thời tăng cường dạy kỹ năng, tiếp xúc ngoài xã hội cho học sinh.

Ở bậc giáo dục đại học, trong một thời gian dài, chúng ta chủ yếu đào tạo theo khả năng, chưa làm rõ chuẩn sinh viên tốt nghiệp ra trường phải có năng lực, phẩm chất gì, làm tại vị trí nào… Vì vậy, 2 năm gần đây, Bộ đã yêu cầu các trường công bố chuẩn đầu ra và hiện khoảng 50% số trường đã thực hiện được.

Để hướng tới đào tạo theo nhu cầu xã hội, Phó thủ tướng cho rằng, rất cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa nhà trường với các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng nhân lực.

“Lâu nay ngành giáo dục chủ yếu đào tạo theo khả năng cung và ước tính cầu, còn nhu cầu đặt hàng của các bộ, ngành, lĩnh vực… chưa rõ. Chính vì vậy, liên kết cung-cầu không sát, không có đặt hàng thì vênh là đương nhiên”, Phó Thủ tướng nói.

Phó thủ tướng cũng cho biết, hiện chúng ta đã cơ bản chấm dứt hiện tượng “thày” nhiều hơn “thợ”.

Cũng liên quan đến đổi mới giáo dục, đào tạo, Phó Thủ tướng cho rằng, phải lấy quản lý là khâu đột phá cho cả hệ thống. Theo đó, phải hoàn chỉnh lại quy hoạch giáo dục các cấp học; phân cấp mạnh trong quản lý; hoàn chỉnh quy chế quản lý các cấp học, đẩy mạnh quyền tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, đào tạo; nâng cao chất lượng hiệu trưởng các trường; tạo động lực cho phát triển trong nhà trường thông qua đánh giá đội ngũ giáo viên, hiệu trưởng các bậc học hàng năm...

Chiều nay, Quốc hội sẽ tiếp tục với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.

 

. Theo HNM

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kỷ niệm 71 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa  (24/11/2011)
Cuối tháng 12.2011, trình UBND TP.HCM dự án “buýt” đường sông  (24/11/2011)
Chưa có giải pháp sửa chữa căn cơ   (24/11/2011)
Sang chiết gas trái phép sẽ bị phạt nặng  (23/11/2011)
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đầu tư 1 tỷ USD sang Lào  (23/11/2011)
Học sinh đoạt giải quốc gia được vào thẳng đại học  (23/11/2011)
Mỗi năm cố gắng giảm 5-10% tai nạn giao thông  (23/11/2011)
Sẽ có luật về tiền lương tối thiểu  (23/11/2011)
Bộ trưởng yêu cầu không tăng giá vận tải dịp Tết  (23/11/2011)
Bình ổn hay bất ổn?  (23/11/2011)
Công bố 2 kho dữ liệu thống kê về dân số và nhà ở  (22/11/2011)
Năm 2012, ưu tiên hàng đầu cho vay nông nghiệp, nông thôn  (22/11/2011)
Tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động lên 6 tháng  (22/11/2011)
Ủy ban Kiểm tra TƯ giữ nguyên kỷ luật 5 trường hợp   (22/11/2011)
Làm rõ việc EVN thua lỗ  (22/11/2011)