Ngày 30.11 tại TPHCM, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tổ chức hội nghị chuyên đề về chống sai phạm, tham nhũng trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình chủ trì hội nghị.
|
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (bìa trái) trao đổi với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: HOÀI NAM |
Công tác quản lý, điều hành lỏng lẻo
"Có nhiều chi nhánh báo cáo với hội sở huy động lãi suất 18%, nhưng thực chất cũng không biết chính xác có đúng con số đó không. Ngay trong một chi nhánh ngân hàng, giữa nhân viên tiếp xúc với người gửi tiền, người nói 16%, người nói 17%, cho nên từ đó nó tạo ra một môi trường không lành mạnh cho chính những người làm công tác ngân hàng và những người quản trị ngân hàng. Những vụ việc cán bộ ngân hàng tuồn tiền ra bên ngoài, cấu kết với tín dụng đen để giả mạo chữ ký hồ sơ rút tiền của ngân hàng đều xuất phát từ đây"
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình |
Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, qua khảo sát 30 vụ án xảy ra trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng cho thấy chủ thể tội phạm gồm 2 nhóm: nhóm cán bộ ngân hàng và nhóm đối tượng ngoài ngành ngân hàng. Trong đó, nhóm cán bộ ngân hàng thực hiện bằng nhiều loại hành vi khác nhau như lợi dụng chức vụ, quyền hạn qua việc tạo dựng các hồ sơ, giấy tờ giả như sổ tiết kiệm khống, dùng vàng giả đưa vào thế chấp để chiếm đoạt tiền của ngân hàng; giả mạo chữ ký khách hàng gửi tiền tiết kiệm để tham ô, lừa đảo, không hạch toán vào tài khoản của khách hàng mà hạch toán vào tài khoản của cá nhân thông qua tài khoản chuyển tiền đi ngân hàng khác để rút tiền; sử dụng bút toán giả, thu tiền nợ vay không nhập quỹ; lập hồ sơ vay khống hoặc hồ sơ ghi tăng sổ tiền vay để rút tiền; không thẩm định hoặc cố tình thẩm định sai tài sản thế chấp; tự kê khai trên giấy gửi tiền và ghi vào sổ tiết kiệm đúng số tiền mà khách hàng kê khai… Một số cán bộ ngân hàng đã sử dụng các doanh nghiệp tư nhân “sân sau” để thực hiện các hành vi tham ô, chiếm đoạt tiền của ngân hàng.
Đối với nhóm đối tượng ngoài ngân hàng, hành vi lừa đảo phổ biến là ký các hợp đồng tiền gửi giả mạo, hợp thức hóa đầu tư tài chính của tổ chức qua việc chuyển tiền tài khoản trung gian của chính tổ chức mình đại diện; tạo dựng hồ sơ dự án để thế chấp vay ngân hàng; giả mạo hợp đồng mua bán hàng hóa để thế chấp vay; giả mạo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở; mua chuộc cán bộ ngân hàng…
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho biết, những năm qua trên địa bàn TP đã xảy ra 15 vụ án tại các ngân hàng thương mại, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Tội phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng thường gây thiệt hại lớn về tài sản, việc khắc phục hậu quả rất khó khăn và ảnh hưởng dây chuyền đến hoạt động của toàn hệ thống.
Theo bà Hồng, những yếu kém, sai phạm trên phản ánh một thực tế trong nhiều năm qua là hệ thống ngân hàng của chúng ta chỉ tập trung phát triển về số lượng, không chú trọng nâng cao chất lượng. Nếu không chấn chỉnh kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, xã hội trên địa bàn.
Theo đại diện Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an), nguyên nhân phát sinh loại tội phạm mới này là do nhiều ngân hàng thương mại quản lý, điều hành còn lỏng lẻo, có quy chế, quy trình nhưng không thực hiện; không chấp hành nghiêm khâu thẩm định hồ sơ vay vốn, kiểm tra phương án kinh doanh, trả nợ. Lãnh đạo nhiều ngân hàng còn coi nhẹ về phẩm chất đạo đức, người có tiền án, tiền sự về kinh tế, bất minh về lối sống… vẫn được tuyển dụng vào làm việc trong các ngân hàng và giữ các chức vụ quan trọng.
Quyết liệt chấn chỉnh
Đối với 30 vụ án xảy ra trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng thời gian qua có liên quan đến hoạt động của 15 ngân hàng. Cơ quan điều tra đã khởi tố 117 bị can, trong đó có 81 bị can là cán bộ ngân hàng, số còn lại là đối tượng bên ngoài, đã thông đồng với cán bộ ngành ngân hàng phạm tội. Tổng số tiền thiệt hại là 11.565 tỷ đồng, 8.000 USD và 3.370 lượng vàng.
(Nguồn: Báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng) |
“Vô hiệu hóa thanh tra, giám sát ngân hàng” là nhận định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tại hội nghị. Ông Bình nói: “Hoạt động thanh tra, giám sát chức năng, nhiệm vụ có, khung sườn bộ máy có nhưng nội dung thì không đáp ứng được yêu cầu, không phát huy được hiệu quả. Hoạt động thanh tra, giám sát không kịp thời, không thường xuyên, không trọng tâm, trọng điểm và không đúng biện pháp. Do vậy, hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng là rất yếu kém. Tôi xin nhận trách nhiệm về những tồn tại, yếu kém này và nếu dùng từ chính xác là hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng thời gian qua đã bị vô hiệu hóa”.
Đề cập đến các giải pháp chấn chỉnh những sai phạm về tín dụng, ngân hàng thời gian tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm: Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, giáo dục cán bộ ngân hàng thực hiện tốt các quy định pháp luật, kiên quyết chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực; xây dựng và thực hiện quy chế công khai, minh bạch quy trình, thủ tục giao dịch với khách hàng để ngăn ngừa phát sinh tiêu cực; chủ động phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc đấu tranh với các hành vi phạm tội và kiên quyết xử lý các vụ việc phát sinh.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý lãnh đạo các địa phương cần tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn. Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Tính đến nay, hệ thống ngân hàng của Việt Nam vẫn ổn định và hoạt động hiệu quả, đóng góp quan trọng vào sự ổn định và phát triển của nền kinh tế. Những tồn tại, sai phạm vừa qua phải được tập trung giải quyết bằng các giải pháp quyết liệt, nhằm góp phần lành mạnh hóa hoạt động tài chính, ngân hàng trong môi trường phát triển mới hiện nay.
. Theo SGGP
|