Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định trước thềm Hội nghị nhóm các nhà tài trợ sẽ diễn ra vào ngày 6.12.
Bộ trưởng cũng đồng thời nhấn mạnh, để đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn ODA, cần hài hoà hoá các thủ tục và lợi ích giữa các cơ quan nhà nước và các nhà tài trợ.
Tháng 2/2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP, bao gồm 6 nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát và ổn định tình hình kinh tế vĩ mô. Trong đó quan trọng nhất là 2 nhóm giải pháp về tiền tệ và tài khóa. Việc thực hiện các giải pháp này cho đến nay đã mang lại những kết quả tích cực.
Cụ thể, tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng đã chậm lại kể từ tháng 8/2011 và trong tháng 11 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng của cả nước chỉ tăng 0,39%.
Điều này cho thấy, lạm phát rất có thể sẽ được kiềm chế ở mức 18% vào cuối năm nay và trên cơ sở đó, chúng ta có thể kỳ vọng vào mục tiêu đưa lạm phát về mức một con số trong năm 2012.
Việc giải quyết những vấn đề lớn khác của nền kinh tế, như nhập siêu và sự bất ổn của thị trường tài chính cũng đang đạt được những kết quả rất khả quan. Tính đến cuối tháng 11, tỷ lệ nhập siêu dừng ở mức 10,4%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu 16% được đề ra trong Nghị quyết 11/NQ-CP. Thị trường ngoại hối đã đi vào ổn định cùng với mức dự trữ ngoại tệ quốc gia đang gia tăng.
Những kết quả đó cho thấy, các giải pháp mà Chính phủ đề ra từ đầu năm là đúng hướng và đang phát huy hiệu quả. Tuy vậy, chúng ta cũng không thể chủ quan, bởi lạm phát tuy có giảm, nhưng vẫn ở mức cao. Do vậy, các giải pháp trên vẫn cần phải tiếp tục được thực hiện triệt để và quyết liệt để đảm bảo thực hiện các mục tiêu đề ra.
Đối với nguồn vốn ODA mà các nhà tài trợ cung cấp cho Việt Nam trong những năm qua, hiệu quả sử dụng luôn được đặt lên hàng đầu và được giám sát rất chặt chẽ.
Kể từ khi các nhà tài trợ nối lại viện trợ cho Việt Nam (năm 1993) đến nay, cam kết cung cấp viện trợ cho chúng ta đã không ngừng tăng. Năm ngoái, số vốn cam kết là 7,9 tỷ USD.
Điều đó có nghĩa là, các nhà tài trợ vẫn tin tưởng vào khả năng sử dụng hiệu quả nguồn vốn của Việt Nam trong những năm qua.
Đối với tỷ lệ nợ nước ngoài, Bộ trưởng cho rằng, điều quan trọng là phải giám sát chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn này, đảm bảo hiệu quả đầu tư và khả năng trả nợ của Việt Nam.
Việt Nam đã gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình, nhưng vẫn cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo và đào tạo nguồn nhân lực.
Số vốn ODA giải ngân trong năm nay dự kiến đạt 3,65 tỷ USD. Đây là mức giải ngân khá cao so với những năm vừa qua, nhưng vẫn khá thấp so với mức thống kê trung bình của Ngân hàng Thế giới.
Bộ trưởng thừa nhận, hiện nay tiến độ thực hiện của nhiều dự án ODA vẫn còn rất chậm. Đây là một khó khăn cần phải khắc phục nhanh chóng. Tổng mức đầu tư tại một số dự án ODA đã tăng lên so với dự toán ban đầu khá lớn, do bị trì hoãn quá lâu trong khi chi phí liên tục tăng cao.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm giải ngân này, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là sự chậm trễ trong khâu phê duyệt và chuẩn bị cho dự án.
Quá trình phê duyệt và thành lập các ban quản lý dự án, hoàn thành các thủ tục giữa hai bên mất khá nhiều thời gian, có khi kéo dài 2-4 năm.
“Để khắc phục tình trạng này, theo tôi, cần phải có sự nỗ lực từ hai phía (các cơ quan nhà nước Việt Nam và các nhà tài trợ). Việc hài hòa hóa các thủ tục và lợi ích của cả hai bên là rất quan trọng”- Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
. Theo Đầu tư |