|
Ảnh: HNM |
Phát biểu tại Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam với chủ đề “Thúc đẩy Tái cơ cấu kinh tế và giảm nghèo”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam cam kết sử dụng có hiệu quả sự trợ giúp của cộng đồng tài trợ quốc tế. Trước mắt, chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy giải ngân các dự án ODA nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Thủ tướng cho biết đến hôm nay, kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, lạm phát đã được kiểm soát, giá cả đã giảm liên tục trong 6 tháng qua. Dự báo, cả năm 2011, CPI của Việt Nam tăng khoảng 18% so với tháng 12/2010.
Theo đà này, chúng tôi cho rằng, năm 2012, Việt Nam có khả năng kiểm soát lạm phát ở khoảng 9%. Lãi suất tín dụng của hệ thống ngân hàng cũng có xu hướng giảm cùng với việc giảm CPI. Tỷ giá cơ bản ổn định. Việt Nam sẽ tiếp tục điều hành theo xu hướng này để giữ ổn định đồng tiền Việt Nam và giữ ổn định thị trường tín dụng Việt Nam,” Thủ tướng nói.
Năm 2011, trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn thách thức, Việt Nam đã thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11. Trên cơ sở đó, năm 2012, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả cải cách đồng thời với việc triển khai quyết liệt, hiệu quả tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung vào 3 lĩnh vực trọng tâm.
Thủ tướng nhấn mạnh, một điểm rất đáng khích lệ là xuất khẩu của Việt Nam năm 2011 tăng khá cao, trên 30%, có khả năng 34%. Nhờ tăng mạnh xuất khẩu, năm 2011 Việt Nam đã giảm mạnh nhập siêu (khoảng 10% so với xuất khẩu). “Chúng tôi đưa ra mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu theo đúng cam kết với quốc tế, đảm bảo kiểm soát nhập siêu năm 2012 là 12%,” người đứng đầu chính phủ cho hay.
Bên cạnh đó, một điểm đáng mừng nữa là cán cân thanh toán của Việt Nam sau ba năm liên tục bị thâm hụt đã bội thu vào năm 2011 và dự trữ ngoại tệ cũng đã tăng lên so với năm 2010.
Mặt khác, Việt Nam cũng đà thành công trong việc bảo đảm được cân đối thu chi ngân sách quốc gia, nợ công trong giới hạn an toàn; bội chi giảm so với kế hoạch (chỉ ở mức 4,9%, so với kế hoạch 5,3%). Chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục kiểm soát giảm bội chi ngân sách năm 2012 dưới 4,8%. Ngoài ra, các cân đối khác của nền kinh tế về năng lượng, lương thực-thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu cũng đã được bảo đảm…
Năm 2011, sản xuất kinh doanh tiếp tục được duy trì và có mức tăng trưởng cả về công nghiệp-nông nghiệp và dịch vụ. Nhờ đó, tăng trường GDP năm 2011 duy trì ở mức 5,8-6%. Việt Nam đưa ra mục tiêu tiếp tục duy trì tăng trưởng GDP ở mức khoảng 6% trong năm 2012, để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và an toàn an sinh xã hội.
Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm tiếp được 2%, giải quyết 1,6 triệu việc làm; thất nghiệp ở thành thị dưới 4%. Các đảm bảo về y tế , giáo dục tuy chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân và mong muốn của Chính phủ, nhưng vẫn tiếp tục được duy trì…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. “Dù đã bước vào ngưỡng các nước đang phát triển có thu nhập trung bình, nhưng GDP trên đầu người của Việt Nam mới ở khoảng 1.200 USD/người. Trong khi đó, hậu quả của chiến tranh để lại cho Việt Nam rất nặng nề. Bình quân mỗi năm, hơn 1.300 người chết do bom mìn còn sót lại, chưa kể những di chứng của chiến tranh… Chưa kể, Việt Nam cũng là một nước mà theo nhiều dự báo, sẽ bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng…,” Thủ tướng cho hay.
Trên cơ sở nhận diện những khó khăn và thách thức trong năm 2012, Thủ tướng cho biết chính phủ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt và hiệu quả công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế, bao gồm tái cơ cấu đầu tư công (nâng cao hiệu quả đầu tư công để ổn định kinh tế vĩ mô), tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (đẩy mạnh cổ phần hóa hầu hết doanh nghiệp Nhà nước trong năm 2011 và những năm tới); tái cơ cấu ngân hàng (các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính).
Tái khẳng định với cộng đồng các nhà tài trợ, Thủ tướng cho biết Chính phủ Việt Nam luôn thực hiện hài hòa giữa duy trì ổn định kinh tế với giải quyết các vấn đề môi trường.
Trong năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, trong đó đặc biệt hoàn thiện đầy đủ hơn thể chế kinh tế thị trường; hội nhập sau hơn với nền kinh tế thế giới; để các hoạt động kinh tế công khai minh bạch hơn và đẩy mạnh phòng chống tham nhũng.
Thủ tướng nhấn mạnh, bên cạnh những nỗ lực huy động các nguồn lực trong nước, Việt Nam đánh giá cao và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ quý báu từ cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế. Về phần mình, Việt Nam cam kết sử dụng có hiệu quả sự trợ giúp của cộng đồng tài trợ quốc tế. Trước mắt, chính phủ sẽ thúc đẩy việc giải ngân các dự án ODA nhanh hơn, hiệu quả hơn.
“Chính phủ Việt Nam trân trọng tiếp thu những kiến xây dựng, có trách nhiệm của các nhà tài trợ quốc tế đóng góp cho chương trình xây dựng kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới,” Thủ tướng bày tỏ.
Cùng với đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh Việt Nam là một nhà nước pháp quyền. Nhà nước Việt Nam khẳng định tự do dân chủ của người dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, mọi công dân thực hiện quyền tự do, dân chủ phải trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng mong các nhà tài trợ và cộng đồng quốc tế tôn trọng và chia sẻ các nguyên tắc này của Việt Nam cũng giống như các nước trên thế giới theo thông lệ quốc tế đồng thời hy vọng nhận được sự đối thoại thẳng thắn giữa chính phủ và các nhà tài trợ để cùng hiểu biết nhau hơn, tăng cường hợp tác.
. Theo Vietnam+
Nhật tài trợ Việt Nam 1,9 tỷ USD trong tài khóa 2012
Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) sáng nay (6.12), Đại sứ Nhật Bản Yasuaki Tanizaki cho biết, con số tài trợ cụ thể cho Việt Nam trong 2012 có thể lớn hơn dự kiến là 148,5 tỷ yen (khoảng 1,9 tỷ USD).
Yasuaki Tanizaki nhấn mạnh mặc dù ảnh hưởng của động đất và sóng thần nên một số dự án theo nguồn vốn cam kết ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam đã buộc phải đình hoãn trong năm tài khóa 2011.
Tuy nhiên, trong năm tài khóa này, các chương trình bị đình hoãn đã được Chính phủ Nhật Bản thông qua với tổng số 61,9 tỷ yen (xấp xỉ 794 triệu USD).
Bên cạnh đó, hồi tháng 10 vừa qua, Nhật Bản cũng đã cam kết cung cấp khoản vay mới trị giá 80,3 tỷ yen (xấp xỉ 1,03 tỷ USD).
Như vậy, trong năm tài khóa 2012, con số tài trợ cụ thể của Nhật Bản có thể lớn hơn dự kiến là 148,5 tỷ yen ( khoảng 1,9 tỷ USD).
Nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay của Việt Nam, Đại sứ Nhật Bản cho rằng tăng giá lương thực là yếu tố cơ bản nhất gây ra lạm phát bên cạnh hoạt động cung tiền. Do vậy, Việt Nam sẽ phải lưu ý đến yếu tố này trong cải cách.
Ông Yasuaki cũng đưa ra khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam cần phải đẩy nhanh hơn nữa cải cách khu vực tài chính phù hợp với luật định đồng thời điều chỉnh tỉ giá phải phù hợp với tình hình chung, gắn với xuất khẩu bền vững.
Đại sứ Nhật Bản cũng khẳng định chính phủ nước này sẽ luôn đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình cải cách kinh tế.
Theo nguồn tin riêng của Vietnam+, cùng với Nhật Bản, một số nhà tài trợ lớn cũng sẽ cam kết các con số đầy khả quan cho Việt Nam. Cụ thể, WB dự kiến cam kết tài trợ 1,9 tỷ USD trong năm 2012, ADB khoảng trên 1,4 tỷ USD… Tổng số cam kết của các nhà tài trợ quốc tế song phương và đa phương sẽ được công bố vào phiên bế mạc chiều nay.
. Theo Vietnam+ | |