Cam kết ODA cho năm 2012 đạt gần 7,4 tỷ USD
9:34', 7/12/ 2011 (GMT+7)

Nút giao thông Ngã Tư Vọng, công trình được xây dựng từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản.

Tại hội nghị tư vấn các nhà tài trợ vào ngày 6.12, mức cam kết viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam trong năm 2012 đạt tới 7,386 tỷ USD.

Nguồn vốn này sẽ giúp Việt Nam bổ sung cùng các nguồn lực trong nước tiếp tục công cuộc phát triển kinh tế bền vững trong giai đoạn tới, tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công, cải cách doanh nghiệp nhà nước và khu vực tài chính-ngân hàng cũng như xóa đói giảm nghèo.

Như thường lệ, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Nhật Bản vẫn là những nhà tài trợ lớn nhất của Việt Nam với những con số cam kết khá ấn tượng. Cụ thể, trong năm tài khóa 2012, WB cam kết tài trợ cho Việt Nam 2 tỷ USD, ADB là 1,4 tỷ USD và Nhật Bản là 1,9 tỷ USD.

 

Sáng qua, phát biểu tại Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam với chủ đề “Thúc đẩy Tái cơ cấu kinh tế và giảm nghèo," Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam cam kết sử dụng có hiệu quả sự trợ giúp của cộng đồng tài trợ quốc tế. Trước mắt, chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy giải ngân các dự án ODA nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Tái khẳng định với cộng đồng các nhà tài trợ, Thủ tướng cho biết Chính phủ Việt Nam luôn thực hiện hài hòa giữa duy trì ổn định kinh tế với giải quyết các vấn đề môi trường.

Mức cam kết tài trợ ODA năm 2011 cho Việt Nam là 7,88 tỷ USD.

Những cam kết về mức tài trợ vốn vay ODA được đưa ra sau những phiên thảo luận tại hội nghị. Với chủ đề "Thúc đẩy cải cách kinh tế và giảm nghèo", hội nghị đã tập trung thảo luận các vấn đề: tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam và chương trình tái cơ cấu; tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2011 và định hướng 2012; một số định hướng về chương trình tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu khu vực tài chính-ngân hàng; vấn đề bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo; đô thị hóa, nhập cư và chính sách ứng phó; báo cáo kết quả của Diễn đàn cấp cao Busan; đối thoại chống tham nhũng; diễn đàn doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đồng Chủ tịch hội nghị CG năm nay cho biết, hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có rất nhiều khó khăn và điều này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2012.

Tuy nhiên, Bà Victoria Kwakwa cũng đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đã nhận diện được những rủi ro đối với nền kinh tế và đã thực thi một chương trình toàn diện là Nghị quyết 11 đạt được những kết quả ban đầu rất tích cực. Theo bà Victoria Kwakwa, để đảm bảo phát triển kinh tế vĩ mô một cách bền vững, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các chính sách cải cách kinh tế một cách mạnh mẽ hơn.

Bà Victoria Kwakwa cũng khẳng định, WB cùng cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế sẽ luôn song hành cùng chính phủ và nhân dân Việt Nam, sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ thúc đẩy quá trình cải cách này.

 

Phát biểu của đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng đánh giá cao việc Chính phủ quyết định thiết lập một mô hình tăng trưởng kinh tế mới và điều chỉnh các mục tiêu tăng trưởng cho phù hợp với thực tiễn.

Đồng quan điểm này, Đại sứ Nhật Bản ông Yasuaki Tanizaki hoan nghênh chương trình cải cách của chính phủ và khuyến cáo Việt Nam cần tiếp tục mục tiêu tiên kiềm chế lạm phát, đẩy nhanh cải cách khu vực tài chính, cải thiện cán cân vãng lai, đẩy mạnh xuất cũng như thu hút các nguồn vốn để đảm bảo thặng dư cán cân vốn… Bên cạnh đó, Việt Nam cần thực thi kỷ luật về tài khóa, giảm bội chi ngân sách; đẩy nhanh cải cách hành chính để giảm chi tiêu.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế xã hội Việt Nam 2011 và những định hướng chính trong năm 2012. Theo đó, năm 2012, Việt Nam sẽ tập trung đẩy mạnh nền kinh tế, trước mắt tập trung vào ba lĩnh vực là tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư công, tái cơ cấu lại thị trường tài chính trọng tâm là các ngân hàng thương mại.

Cả ba nội dung này phải được thực hiện đồng bộ cùng với các chính sách tài khóa đúng đắn, cùng với việc thực hiện ba khâu đột phá là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, bền vững xã hội chủ nghĩa với trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; phát triển thêm nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại tập trung vào các công trình giao thông và đô thị lớn.

Trong tháng 1/2012, ba đề án tái cấu trúc nền kinh tế nêu trên và các đề án đột phá sẽ được Chính phủ Việt Nam thông qua đồng thời Chính phủ sẽ trình Quốc hội đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng vào tháng 6/2012.

 

. Theo Vietnam+

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cấm kiểm lâm tùy tiện dừng phương tiện kiểm tra  (07/12/2011)
Đảm bảo an toàn tiền gửi cho người dân là số một  (07/12/2011)
Đề nghị cấm sản xuất xăng A83  (06/12/2011)
Phong quân hàm Thượng tướng và Đô đốc cho cán bộ cấp cao Quân đội và Công an  (06/12/2011)
Thu nhập bình quân của người Việt Nam năm 2011 đạt 1.300 USD  (06/12/2011)
“Việt Nam cam kết sử dụng nguồn ODA hiệu quả”  (06/12/2011)
Chính thức “khai tử” hai hãng hàng không trong nước  (06/12/2011)
Từ 1.1.2012, EVN Telecom sáp nhập vào Viettel  (06/12/2011)
Bắn pháo hoa trong Chương trình "Chào đón năm mới 2012"  (06/12/2011)
6,7 triệu euro xây nhà máy sản xuất phân bón từ rác  (06/12/2011)
Huy động mọi nguồn lực khắc phục hậu quả bom mìn  (05/12/2011)
Đà Nẵng đề xuất chính quyền đô thị: Chủ tịch thành thị trưởng  (05/12/2011)
Các nhà tài trợ vẫn tin tưởng Việt Nam  (05/12/2011)
Sữa lại tăng giá  (05/12/2011)
Hàng tết đã sẵn sàng  (05/12/2011)