Sáng nay, 8.12, tại Hà Nội, Chính phủ đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2001-2010 và phương hướng nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2015.
Chỉ còn 20% doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ và hòa vốn
Báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, 10 năm qua cả nước sắp xếp được 4.757 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 3.388 doanh nghiệp (nếu tính cả thời gian trước đó là 5.374 doanh nghiệp, trong đó cổ phẩn hóa 3.976 doanh nghiệp).
Trong số này có 14 tổng công ty được sắp xếp theo các hình thức: giải thể cơ quan văn phòng 5 tổng công ty, sáp nhập hợp nhất 8 tổng công ty, chia tách 1 tổng công ty. Đã tổ chức lại 8 tổng công ty 91 và 12 tổng công ty 90 để hình thành 11 tập đoàn kinh tế. Đã thành lập mới 128 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.
Đến tháng 10-2011, cả nước còn 1.309 doanh nghiệp, trong đó 452 doanh nghiệp an ninh quốc phòng, tham gia hoạt động công ích; 857 doanh nghiệp kinh doanh, tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng mà Nhà nước cần nắm giữ hoặc lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần khác ít hoặc chưa tham gia; quy mô doanh nghiệp Nhà nước được nâng lên, chủ yếu là vừa và lớn.
Theo cơ cấu sở hữu, các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay có 701 doanh nghiệp do địa phương quản lý, 355 doanh nghiệp thuộc các bộ ngành, 253 doanh nghiệp thuộc các tập đoàn, tổng công ty 91.
Tổng số vốn chủ sở hữu cuối năm 2010 của các doanh nghiệp Nhà nước là trên 700.000 tỷ đồng, trong đó của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là 653.000 tỷ đồng. Vẫn còn 102 doanh nghiệp có số vốn dưới 5 tỷ đồng, 8 doanh nghiệp có số vốn dưới 1 tỷ đồng (đây là những doanh nghiệp chủ yếu làm công ích, nông lâm trường ở vùng sâu vùng xa).
Báo cáo này cũng cho hay, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có cơ cấu đa sở hưu, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, đã được kiện toàn về mô hình tổ chức quản lý. Hiện nay cả nước có 101 tập đoàn, tổng công ty và 2 ngân hàng thương mại do Nhà nước giữ 100% vốn. Các tổng công ty Nhà nước được tổ chức lại, hoạt động theo mô hình công ty mẹ-con.
Hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Nhà nước cũng được nâng lên, cơ bản đáp ứng được nhu cầu thiết yếu cho quốc phòng, an ninh, là một trong những công cụ quan trọng để Nhà nước điều tiết vĩ mô. Về cơ bản, vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp Nhà nước được bảo toàn và phát triển; tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của đa số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trong giới hạn cho phép. Phần lớn doanh nghiệp Nhà nước hoạt động có lãi, số doanh nghiệp thua lỗ đã giảm nhiều, có doanh nghiệp trước đây lỗ nhưng giờ đã có lãi. Năm 2001 số doanh nghiệp thua lỗ và hòa vốn chiếm khoảng 60% thì đến năm 2010 chỉ còn 20%.
Trong 10 năm qua đã cổ phần hóa được 4.000 doanh nghiệp, cơ bản đạt mục tiêu đề ra.
Chấm dứt tình trạng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước đầu tư ngoài ngành
Tuy nhiên, báo cáo này cũng chỉ ra những tồn tại như còn nhiều doanh nghiệp kinh doanh thuần túy mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn. Chưa thực hiện được việc sắp sếp doanh nghiệp Nhà nước theo ngành, lĩnh vực kinh doanh không phân biệt cấp, cơ quan quản lý. Quy mô vốn doanh nghiệp Nhà nước nói chung được tăng nhanh nhưng vẫn còn gần 10% có vốn dưới 5 tỷ đồng, 1 tỷ đồng.
Báo cáo cũng đã đưa các nguyên nhân của những tồn tại này, trong đó nhấn mạnh chưa có chế tài xử lý đối với những trường hợp không hoàn thành kế hoạch đề ra; các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước được phân công, phân cấp chưa đủ rõ; chức năng quản lý hành chính Nhà nước, chức năng quản lý của chủ sở hữu Nhà nước đối với các doanh nghiệp Nhà nước còn lẫn lộn; việc phân công, phân cấp kiểm tra giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại các doanh nghiệp Nhà nước còn phân tán, chống chéo, chưa có đầu mối chịu trách nhiệm chính dẫn đến lúng túng trong thực hiện, trách nhiệm chưa rõ ràng.
Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả quản lý, điều hành của cán bộ quản lý doanh nghiệp còn yếu kém; chế tài xử lý đối với cán bộ quản lý doanh nghiệp Nhà nước có sai phạm chưa cụ thể và chưa đủ nghiêm..
Từ thực tế này, Chính phủ chỉ rõ phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước trong những năm tới. Theo đó, trọng tâm là tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Mục tiêu vẫn là là doanh nghiệp Nhà nước phải là lực lượng nòng cốt để kinh tế Nhà nước giữ được va trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, góp phần ổn định vĩ mô.
Doanh nghiệp Nhà nước phải có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có sức cạnh tranh, hầu hết đa sở hữu, tập trung vào những ngành, lĩnh vực có ý nghĩa then chốt của nền kinh tế liên quan đến an ninh quốc phòng, dịch vụ công, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội. Các sản phẩm, dịch vụ công ích thực hiện thông qua đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch. Chấm dứt tình trạng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước đầu tư ngoài ngành.
Nhiệm vụ cụ thể được chỉ ra là đến năm 2015, phân loại và thực hiện cơ cấu lại 1.309 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước hiện có. Theo đó, có 692 doanh nghiệp tiếp tục duy trì 100% vốn Nhà nước (284 doanh nghiệp công ích, an ninh quốc phòng và 408 doanh nghiệp kinh doanh) trong những lĩnh vực độc quyền Nhà nước, quốc phòng, an ninh, thủy nông, thủy lợi...
Đồng thời, thực hiện cổ phẩn hóa 573 doanh nghiệp. Khi cổ phần hóa, Nhà nước giữ cổ phần chi phối ở 392 doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ quan trọng; không chi phối ở 181 doanh nghiệp. Thực hiện giải thể, phá sản 13 doanh nghiệp; 31 doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu bằng các phương thức thị trường (mua bán doanh nghiệp, tái cơ cấu lại nợ để chuyển thành công ty cổ phần; bán cho tập thể người lao động.. ).
Bên cạnh đó, thực hiện thoái vốn ở các doanh nghiệp đã cổ phần hóa mà Nhà nước, tập đoàn, tổng công ty không cần nắm giữ cổ phần chi phối. Hạn chế việc Nhà nước nắm giữ cổ phần không chi phối. Việc thoái vốn sẽ thực hiện công khai, minh bạch, theo nguyên tắc thị trường.
Chính phủ cũng nhấn mạnh, nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện để từ năm 2015-2020 cổ phần hóa 27 tập đoàn, tổng công ty, Nhà nước giữ cổ phần chi phối trên 65% hoặc 75% vốn điều lệ tại 11 đơm vị như tập đoàn dầu khí, điện lực, Than-khoáng sản, công nghiệp cao su, bưu chính viễn thông, công nghiệp hóa chất, tàu thủy… Thực hiện phương án này thì sau năm 2015 cả nước sẽ còn 692 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, được tổ chức thành 44 tập đoàn, tổng công ty. Khi đó, có 48 tỉnh thành sẽ chỉ còn doanh nghiệp hoạt động công ích, xổ số kiến thiết, môi trường đô thị, nông lâm nghiệp. Đến năm 2020, cả nước chỉ còn 17 tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền Nhà nước, an ninh quốc phòng và công ích.
Chính phủ cũng cho biết sẽ thực hiện mạnh mẽ, có hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước theo ngành, lĩnh vực kinh doanh, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý. Chuyển các doanh nghiệp không đủ điều kiện hạch toán kinh doanh thành các đơn vị sự nghiệp. Sẽ thực hiện tái cơ cấu từng doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước với các giải pháp cụ thể..
. Theo SGGP |