|
Cơ quan chức năng bắt giữ một xe chở gà lậu từ Lạng Sơn về Hà Nội. |
Trước tình trạng rau củ quả nội lẫn ngoại bán trên thị trường không rõ nguồn gốc, nhiều lô thịt và nội tạng động vật thối tràn vào nội địa đội lốt hàng tạm nhập tái xuất, đe dọa sức khỏe người dân, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát vừa chỉ đạo các cơ quan chức năng phải khẩn trương lập mạng lưới kiểm soát mua bán, ngăn chặn thực phẩm bẩn tràn lan trong dịp cuối năm, không để người dân lo ngại và bức xúc.
Xem lại thịt bẩn tạm nhập tái xuất
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa đến Tết Nhâm Thìn 2012 nên trên thị trường rộ lên tình trạng rau củ quả, thịt bẩn từ khắp nơi đổ xô về các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM… Đặc biệt gần đây, cơ quan chức năng còn liên tục bắt quả tang các vụ vận chuyển thịt bẩn, nội tạng động vật đã bị ôi hỏng vận chuyển từ miền Bắc vào TPHCM để tiêu thụ.
Tại cuộc họp nóng vừa tổ chức ở Hà Nội về tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Nhâm Thìn, Cục Chăn nuôi cho biết việc nhập khẩu thịt ngoại trong năm 2011 diễn ra với nhu cầu lớn, song các cơ quan chức năng chỉ cho phép nhập các lô thịt thực phẩm có thể tiêu dùng nội địa, đảm bảo an toàn vệ sinh như đùi và cánh gà. Còn các loại nội tạng động vật và phụ phẩm thì chỉ cho phép tạm nhập vào cảng Hải Phòng rồi tái xuất sang nước thứ 3. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn lo ngại rằng, trong thời gian qua, các lô nội tạng động vật hoặc chân gà sau khi tái xuất sang Trung Quốc để sơ chế rồi vẫn tuồn ngược trở lại nước ta để tiêu thụ.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, các lô nội tạng động vật bị các cơ quan chức năng phát hiện thời gian gần đây là do nhập lậu, bằng mọi con đường để vào Việt Nam, có thể trà trộn trong hàng tạm nhập tái xuất. Do đó, Bộ NN-PTNT yêu cầu các đơn vị tìm hiểu lại hình thức tạm nhập tái xuất, trao đổi lại với Bộ Công thương để có hình thức siết chặt, không để hàng nội tạng động vật không đảm bảo an toàn vệ sinh thoải mái vận chuyển, mua bán trên thị trường, nhất là dịp Tết Nhâm Thìn.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, mặc dù hiện nay dịch bệnh đã tạm lắng nhưng không thể để tồn tại tình trạng các cơ sở giết mổ loạn như hiện nay, việc kiểm soát bị buông lỏng. Đặc biệt, tình trạng công khai bán giấy kiểm dịch động vật, công khai bán kẹp chì… tạo điều kiện cho cả gia cầm lậu, heo lậu có thể tuồn vào nội địa rồi được hợp thức hóa, không chỉ đe dọa chăn nuôi trong nước mà còn tiềm ẩn các mối lo về lây nhiễm dịch bệnh, việc kiểm soát dịch càng khó khăn hơn.
Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu, từ nay tới Tết chính quyền các địa phương và lực lượng thú y, cán bộ kiểm dịch thực vật trong cả nước cần tổng kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm theo quy định của Thông tư 13 và Thông tư 14 vừa có hiệu lực. Cơ sở nào có vi phạm có thể cho ngừng hoạt động, hoặc cho lộ trình để đóng cửa.
Truy xuất tận gốc rau quả nhập khẩu
Chất lượng và độ an toàn của rau quả nhập khẩu hiện nay vẫn tiềm ẩn sự bất an. Để siết chặt kiểm soát, Bộ NN-PTNT đã có chủ trương đăng ký nguồn gốc nông sản để truy xuất khi có sự cố xảy ra. Theo ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản thủy sản, đến thời điểm này, đã có 8 nước chính thức gửi hồ sơ và hoàn thiện thủ tục theo quy định của Việt Nam về thực hiện kiểm tra, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm thực vật nhập khẩu là Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Australia, New Zealand và Chile.
“Ngoài ra, 3 nước chưa có hồ sơ nhưng cũng được tạm cấp phép cho nhập khẩu đến 31.12 là Trung Quốc, Lào, Campuchia. Riêng Trung Quốc, chúng tôi đã yêu cầu họ phải hoàn thiện hồ sơ cuối tháng 11, nhưng họ hứa sẽ hoàn tất thủ tục trong tháng 12.2011” - ông Hào cho biết.
Cũng theo ông Hào, đối với các lô hàng thực vật nhập khẩu, nếu phát hiện chất lượng không đảm bảo, Việt Nam hoàn toàn có quyền thành lập các đoàn công tác sang tận nơi sản xuất, kinh doanh của nước đó để kiểm tra thực tế. Tới đây, Bộ NN-PTNT sẽ đi kiểm tra một số vùng sản xuất rau quả chủ lực xuất khẩu vào Việt Nam ở 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam của Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định, về lâu dài, để kiểm soát nông sản nhập khẩu, chúng ta sẽ cử người đến tận nơi để kiểm soát ở cơ sở sản xuất, kinh doanh của nước sở tại.
. Theo SGGP |