Đây là một trong nhiều nội dung trong Chỉ thị về việc bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn và quý I/2012 của Bộ Tài chính.
Chỉ thị nêu rõ, Giám đốc Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành của địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu và tình hình giá cả thị trường nhất là những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như; lương thực, thực phẩm, đường, thuốc phòng và chữa bệnh cho người, xăng dầu, gas, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ đi lại, y tế…; chủ động đánh giá hiệu quả của các biện pháp và Chương trình bình ổn giá đã và đang thực hiện để tham mưu, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hoá, dịch vụ, bình ổn giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đầu cơ, găm hàng gây tăng giá đột biến bất hợp lý tại địa phương.
Kiểm soát chặt chẽ đối với giá hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước; hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng giao kế hoạch; hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách địa phương; hàng hóa, dịch vụ còn được trợ cước, trợ giá theo thẩm quyền. Thực hiện các biện pháp quyết liệt để ổn định thị trường giá cả, các biện pháp hỗ trợ phù hợp để các doanh nghiệp giãn thời gian điều chỉnh tăng giá hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá nhất là trong tháng cuối năm và dịp trước, trong và sau Tết Nguyên Đán Nhâm Thìn 2012.
Phối hợp với Sở Công Thương và các ngành có liên quan tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện cam kết của các đơn vị tham gia chương trình bình ổn giá (đối với các địa phương có Chương trình bình ổn giá), mở rộng mạng lưới bán hàng và kịp thời đưa hàng bình ổn đến phục vụ người dân nhất là đồng bào nghèo ở vùng sâu, vùng xa; công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất; người lao động có thu nhập thấp.
Theo đó, từ ngày 1.1.2012, trong các báo cáo thường kỳ (tuần, tháng) của Sở Tài chính các tỉnh gửi về Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) theo quy định hiện hành phải bổ sung nội dung về tình hình chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, đánh giá nhu cầu, khả năng cung ứng hàng hóa dịch vụ và việc thực hiện bình ổn giá tại địa phương, trước hết là đối với các vật tư, nguyên liệu quan trọng; các loại thịt (lợn, gà, bò); cá; rau; củ; quả; gạo (nếp, tẻ); thực phẩm chế biến; bánh mứt kẹo; đường, sữa; hoa quả; thuốc phòng và chữa bệnh cho người; giá cước vận chuyển hành khách; phí tham quan, trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô...
. Theo VOV |