Xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn - Kiểm soát từ gốc
15:39', 20/12/ 2011 (GMT+7)

Khoảng 80% thủy hải sản tại chợ đầu mối Bình Điền (TPHCM) từ các tỉnh chuyển về.

Với gần 80% rau củ quả, thịt, cá các loại được cung ứng từ nhiều tỉnh, TPHCM luôn dè chừng thực phẩm mất an toàn vệ sinh. Do đó, việc kiểm soát thực phẩm từ nơi trồng trọt, sản xuất được xem như một giải pháp toàn diện mà UBND TPHCM vừa chủ trương triển khai theo đề án chuỗi thực phẩm an toàn. Đề án này có làm người dân TPHCM an tâm mỗi khi xách giỏ đi chợ?

Rau sạch chưa hẳn an toàn

Qua thống kê của Chi cục Thú y TPHCM, từ đầu năm đến nay đơn vị này xử phạt tới 4.198 trường hợp (tăng 1.601 trường hợp so với năm 2010) vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không dấu kiểm soát giết mổ…

Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM, cho biết: “Hình thức vận chuyển thịt bẩn ngày càng tinh vi. Việc trốn tránh kiểm dịch tại các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông ngày càng tăng”. Đó là chưa kể, các loại thịt bẩn hiện được vận chuyển trên xe du lịch, xe khách chất lượng cao nên khó phát hiện. Bên cạnh đó, lượng thịt nhập khẩu cũng khá đáng kể.

Tính từ đầu năm đến nay, Cơ quan Thú y vùng VI (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cho nhập 851 lô hàng với hơn 36.500 tấn thịt gồm thịt gà, thịt trâu - bò, thịt heo và phụ phẩm như tim, gan, chân gà… “Một số công ty không nhập thịt thẳng về TPHCM mà đưa về các tỉnh, sau đó tuồn vào TPHCM vì năng lực kiểm soát của các tỉnh còn hạn chế”, ông Thảo cho biết.

Trong khi đó, TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cũng cảnh báo không loại trừ nhiều trường hợp nhập khẩu các phụ phẩm động vật về làm thức ăn chăn nuôi nhưng lại sử dụng cho người. Bằng chứng là thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển, tiêu thụ lòng heo, chân gà thối.

Bên cạnh đó, lượng nông sản, thủy hải sản đưa về TPHCM tiêu thụ cũng không ít. Riêng tại 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn, mỗi ngày tiêu thụ hàng trăm tấn rau củ các loại. Tuy nhiên, việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không dễ. “Khi rau về chợ đầu mối, cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm tra nhưng đến khi có kết quả phát hiện rau bẩn thì chủ hàng đã phân phối hết rồi”, một cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật TPHCM cho biết. Thậm chí rau đã vô siêu thị nhưng vẫn chưa chắc an toàn. Cụ thể như Chi cục Bảo vệ thực vật đã xử phạt Công ty TNHH Sài Gòn Co.op Phú Nhuận vi phạm quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong mua bán rau cải ngọt…

Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm TPHCM, hàng hóa nông sản từ các tỉnh và nhập khẩu về TPHCM tiêu thụ khoảng 80%, do đó gặp không ít khó khăn truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Việc kiểm tra nhanh và lấy mẫu ngẫu nhiên chưa mang tính khả thi để kiểm soát được 100% chất lượng nông sản thực phẩm.

Sẽ truy xuất tận nguồn

Vụ hàng loạt công nhân ngộ độc cá ngừ năm 2010 là một trong những bằng chứng cho thấy nguồn gốc xuất xứ thực phẩm chưa được kiểm soát. Khi xảy ra ngộ độc, cơ quan chức năng thật khó để truy xuất xem cá ngừ được cung cấp từ đâu vì không biết địa chỉ, ngoại trừ chỉ biết cá được bán tại chợ đầu mối Bình Điền.

Theo lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, có 600 - 700 tấn thủy sản từ các tỉnh đổ về TPHCM mỗi ngày nhưng không có giấy kiểm dịch, kiểm định nên khi xảy ra ngộ độc, muốn truy xuất nguồn đành bó tay…

Từ thực tế trên, mới đây, UBND TPHCM đã chủ trương triển khai đề án chuỗi thực phẩm an toàn nhằm kiểm soát chất lượng vệ sinh thực phẩm từ gốc. Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Sở Y tế TPHCM đã làm việc với tỉnh Lâm Đồng xây dựng chuỗi rau an toàn; tỉnh Đồng Nai xây dựng chuỗi thịt gia súc, gia cầm và chuỗi trứng an toàn; tỉnh Trà Vinh về chuỗi thủy hải sản. “Sở Y tế TPHCM đã phối hợp tư vấn, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi, trồng trọt, sơ chế theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm”, ông Hòa nói.

Theo Sở Y tế TPHCM, đến nay đã công nhận được 1 chuỗi trứng gà năng suất 800.000 quả/ngày; 2 chuỗi rau củ quả năng suất 2 tấn/ngày và 1 chuỗi heo khoảng 2 tấn/ngày; đồng thời đang thẩm định thêm các chuỗi trứng gà, rau quả, cá tra, cá basa, chăn nuôi heo khác trên địa bàn TPHCM lẫn ở các tỉnh Lâm Đồng, Trà Vinh… Đánh giá cao việc thực hiện chuỗi thực phẩm an toàn, UBND TPHCM cho xây dựng mô hình điểm quản lý chuỗi thực phẩm an toàn giai đoạn 2011 - 2015. Theo đó, UBND TPHCM sẽ cấp kinh phí khoảng 60 tỷ đồng để thực hiện với mục tiêu đến cuối năm 2012 tổng sản lượng chuỗi thực phẩm an toàn đạt trên 15% tổng sản lượng thực phẩm tiêu thụ tại TPHCM và đến năm 2015 sẽ đạt trên 50%.

Cho rằng việc triển khai chuỗi thực phẩm an toàn là biện pháp căn cơ và toàn diện, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị UBND TPHCM triển khai sớm và mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng hơn; đồng thời phải có chương trình quảng bá cho người dân sử dụng chuỗi thực phẩm an toàn. Ngoài ra, phải khuyến khích các cơ sở sản xuất thực phẩm sử dụng nguyên liệu thực phẩm thuộc chuỗi để chế biến các loại thực phẩm khác như xúc xích, giò lụa, lạp xưởng, chà bông, mì gói…

. Theo SGGP

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
EVN: Đầu tư lớn, lỗ dài, lương “khủng”  (20/12/2011)
Doanh nghiệp xăng dầu không lỗ, thậm chí lãi lớn  (20/12/2011)
Hải quân Việt Nam có những bước phát triển mới  (20/12/2011)
Phát hiện gấu ngựa yếm trắng quý hiếm ở Quảng Ngãi  (20/12/2011)
Điều chỉnh thuế nhiều mặt hàng từ ngày 1.1.2012  (20/12/2011)
Kiến nghị EVN tăng nộp thuế khoảng 126 tỷ đồng  (20/12/2011)
Đến năm 2015, phấn đấu hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi  (19/12/2011)
Xử lý nghiêm học sinh, sinh viên vi phạm luật giao thông  (19/12/2011)
Từ ngày mai (20.12), giá điện tăng 5%  (19/12/2011)
Ngày toàn quốc kháng chiến  (19/12/2011)
Xây cầu dài nhất vượt sông Hồng  (19/12/2011)
Yêu cầu chấn chỉnh hoạt động lực lượng kiểm lâm  (19/12/2011)
Tôn vinh 21 anh hùng, điển hình “Vinh quang Việt Nam” - Những con người bình dị làm nên việc lớn  (19/12/2011)
Doanh nhân vừa làm giàu vừa chăm lo xã hội  (18/12/2011)
Giảm lãi suất cho vay từ đầu năm 2012  (18/12/2011)