Nợ xấu không đẹp như công bố
11:13', 22/12/ 2011 (GMT+7)

Lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức thừa nhận con số nợ xấu công bố chưa phản ánh đúng thực chất chất lượng tín dụng, hoạt động của các ngân hàng.

Rủi ro phân loại nợ

Theo con số do Thanh tra NHNN công bố, đến nay hệ thống NH đã cho vay các tổ chức kinh tế và dân cư khoảng 2,5 triệu tỉ đồng, trong đó nợ xấu chiếm 3,39%, tương đương 85.300 tỉ đồng. So với mức 2,19% năm ngoái, nợ xấu đã tăng 1,2% tương đương 35.000 tỉ đồng - mức tăng được coi là đột biến.

 

Phải yêu cầu tất cả các ngân hàng thực hiện theo tiêu chuẩn mới về nợ xấu - Ảnh: A.V

 

So với thông lệ quốc tế, nợ được coi là vẫn an toàn khi nằm ngưỡng không quá 5% tổng dư nợ xấu, thế nhưng nợ của các NH hiện nay lại tiềm ẩn đầy rủi ro. Tại hội nghị ngành NH cuối tuần trước, ông Trần Minh Tuấn - Phó thống đốc NHNN - thừa nhận con số trên phản ánh chưa đúng thực chất rủi ro tín dụng của các NH do tiêu chuẩn phân loại nợ hiện nay còn bất cập và các tổ chức tín dụng thường không phân loại đúng theo quy định.

Cụ thể, kể từ năm 2008, NHNN yêu cầu tất cả các NH thương mại phải phân loại và trích lập dự phòng theo chuẩn mới. Theo đó, NH phải phân loại nợ của DN theo hơn 50 tiêu chí, phản ánh đầy đủ và toàn diện về thời gian, khả năng trả nợ. Nếu áp dụng quy định này, nợ xấu của NH chắc chắn sẽ tăng lên gấp vài ba lần, kéo theo khoản trích lập dự phòng rủi ro không nhỏ. Đó là lý do, dù NHNN đã ra lệnh từ 2008, nhưng tới nay mới chỉ có BIDV, Vietcombank, Techcombank thực hiện, số còn lại vẫn dùng chuẩn cũ mà thế giới đã bỏ hàng chục năm nay.

TGĐ một NH thương mại cho rằng việc áp chuẩn cũ khiến nợ xấu bề ngoài nhìn thì đẹp nhưng bên trong rất nhiều “mùi”. Nếu chỉ căn cứ vào thời hạn trả nợ thì đến hạn khách hàng vay nóng, xoay xở chỗ này, chỗ kia để trả, một khi hết cửa xoay sẽ dẫn tới mất khả năng trả, NH trắng vốn. Việc này dẫn tới tình trạng nhiều NH còn tư vấn, hỗ trợ cho khách hàng vay thêm tiền để đáo hạn, tránh nợ xấu tăng. Nói thêm về việc tại sao các NH cứ chây ì từ năm này qua năm khác không chịu phân nợ theo chuẩn mới, TGĐ trên cho biết, lý do đơn giản là nếu áp dụng chuẩn mới, chắc chắn nợ xấu phải tăng lên ít nhất 2-3 lần so với con số công bố. Khi đó số tiền trích lập dự phòng rủi ro lẽ ra 1.000 tỉ, phải tăng lên 2.000-3.000 tỉ đồng. “Trích lớn như vậy thì chắc chắn lợi nhuận của NH sẽ bị giảm mạnh, thậm chí âm chứ không thể lãi khủng như hàng loạt NH vừa công bố thời gian qua”, TGĐ này nói.

Cần một chuẩn mực chung

Kể từ 2008 đến nay, quy định đã có nhưng trong cả trăm tổ chức tín dụng, chỉ có 3 NH thực hiện. Lạ lùng hơn, dù biết rất rõ nhưng cơ quan quản lý cũng không nhắc nhở hay có chế tài bất cứ NH nào. Sự thờ ơ này khiến một số NH mải mê làm đẹp nợ xấu, dẫn tới mất thanh khoản, phải hợp nhất, sáp nhập.

Tới đây, theo ông Trần Minh Tuấn, nợ xấu vẫn đang tiếp tục gia tăng do doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kinh doanh giảm sút. Ngoài ra, một số NH có chất lượng công tác thẩm định chưa cao, tài sản thế chấp không đảm bảo tính pháp lý, giá trị phát mại chuyển nhượng thấp, đạo đức, kinh nghiệm của cán bộ tín dụng suy giảm. Ông Tuấn cho biết, năm 2012 Thanh tra NHNN sẽ thường xuyên đến các NH bị xếp vào nhóm hoạt động kém an toàn, đối tượng 2 năm trở lên chưa được thanh tra, các đối tượng có diễn biến bất thường trong tổ chức và hoạt động, các đối tượng mới được cấp phép và đi vào hoạt động.

Suốt từ năm 2008 đến nay, Chính phủ nơm nớp lo một số ngân hàng hoạt động yếu kém, thanh khoản thấp bị đổ vỡ. Thời gian tới phải giải quyết dứt điểm, không được để tình trạng này tồn tại

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Thế nhưng, ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, cho rằng việc xác định, kiểm soát nợ xấu chỉ thông qua vài cuộc thanh, kiểm tra sẽ không giải quyết được triệt để, bởi thực tế, hiện nay không có một chuẩn mực chung cho hệ thống, mỗi NH làm một kiểu.

Cũng theo ông Hà, nếu phân theo chuẩn mới, nợ của NH chắc chắn sẽ cao hơn. Trước kia, BIDV đi tiên phong, nợ lên tới hơn 30%, nhưng đến năm 2011 giảm xuống chỉ còn 2,8% tổng dư nợ. Ông Hà kiến nghị việc quan trọng nhất là phải đưa tiêu chuẩn nợ xấu về mặt bằng chung, có tiêu chí rõ ràng và kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu tất cả các NH phải thực hiện theo chuẩn chung đó.

NHNN chưa khẳng định rõ lộ trình yêu cầu các NH phân loại theo chuẩn nợ mới, thế nhưng vấn đề này cũng được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không dưới 2 lần nhắc lại phải chấn chỉnh, xử lý dứt điểm nợ xấu và các NH yếu kém. “Suốt từ năm 2008 đến nay, Chính phủ nơm nớp lo một số NH hoạt động yếu kém, thanh khoản thấp bị đổ vỡ. Thời gian tới phải giải quyết dứt điểm, không được để tình trạng này tồn tại” - Thủ tướng chỉ đạo.

. Theo TNO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phát triển hơn nữa quan hệ Việt Nam -Trung Quốc  (22/12/2011)
Sức mạnh phòng không - không quân Việt Nam 2011  (21/12/2011)
Những hình ảnh về hải quân Việt Nam  (21/12/2011)
Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đang được chăm lo toàn diện  (21/12/2011)
Lạm phát quay trở lại trong tháng cuối năm  (21/12/2011)
Đề xuất phương án mới cho cải cách tiền lương  (21/12/2011)
WB sẽ tài trợ 4,2 tỷ USD cho Việt Nam trong 5 năm tới  (21/12/2011)
Giá vàng có thể giảm sâu đầu năm 2012  (21/12/2011)
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN gửi thư chúc mừng lễ Giáng sinh 2011  (21/12/2011)
Xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn - Kiểm soát từ gốc  (20/12/2011)
EVN: Đầu tư lớn, lỗ dài, lương “khủng”  (20/12/2011)
Doanh nghiệp xăng dầu không lỗ, thậm chí lãi lớn  (20/12/2011)
Hải quân Việt Nam có những bước phát triển mới  (20/12/2011)
Phát hiện gấu ngựa yếm trắng quý hiếm ở Quảng Ngãi  (20/12/2011)
Điều chỉnh thuế nhiều mặt hàng từ ngày 1.1.2012  (20/12/2011)