|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh:Chinhphu.vn |
Sáng nay, 23.12, hội nghị Chính phủ họp với các địa phương triển khai nhiệm vụ năm 2012 tiếp tục ngày làm việc thứ 2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng Chính phủ.
Không thể tăng trưởng một cách “thoải mái”
Phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, năm 2012 sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, giảm nhập siêu, tăng sử dụng máy móc, hàng hóa Việt. Đồng thời, tăng cường hoạt động quản lý thị trường để bảo vệ sản xuất trong nước, sức khỏe người tiêu dùng. Phấn đấu cung ứng đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng. Năm 2012 phấn đấu không để xảy ra cắt điện, nếu có chỉ là tiết giảm cục bộ.
Bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị các địa phương phối hợp với Bộ Công thương và ngành điện để giải quyết tốt vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng đối với các dự án điện. Bên cạnh đó cần làm tốt cuộc vận động sử dụng tiết kiệm điện. Ngoài ra, các tỉnh thành cũng cần phối hợp với Bộ Công thương trong việc bình ổn giá, quản lý thị trường; tổ chức tốt cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt để thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nước và giảm nhập siêu.
Giải trình thêm với các địa phương về tình trạng nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng do lãi suất cao, dẫn đến phá sản, đình chỉ hoạt động, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho hay, thực hiện Nghị quyết 11 với những tiêu chí rất rõ ràng: tín dụng ngân hàng tăng không quá 20%.
“Trong 10 năm qua tăng trưởng tín dụng trung bình là 29%/năm; 5 năm gần đây là 33%/năm. Khi tăng trưởng tín dụng ngân hàng xuống 20% thì đương nhiên ít nhất 10% doanh nghiệp không tiếp cận được tín dụng ngân hàng. Năm 2011, tăng trưởng tín dụng ngân hàng chỉ là 12%, vì vậy các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng là dễ hiểu. Chúng ta làm chặt vậy mà lạm phát vẫn là 18%; nếu tăng trưởng tín dụng ngân hàng 20% thì lạm phát phải lên tới 23%; nếu tăng như các năm trước thì lạm phát phải 30%, lúc đó Việt Nam sẽ lạm phát cao nhất thế giới”, ông Bình nhận định.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, năm 2011 chúng ta đã đạt được mục tiêu đề ra, đó là kiềm chế tăng trưởng tín dụng ngân hàng, vì vậy góp phần quan trọng vào việc kiềm chế lạm phát ở mức 18%. Theo ông Bình, chính sách nào cũng có hai mặt, có những hệ lụy. Việc một số doanh nghiệp khó tiếp xúc vốn ngân hàng là có thực, nhưng doanh nghiệp phải chia sẻ với tình hình khó khăn chung. Bất cứ một chính sách nào đưa ra cũng sẽ có một bộ phận doanh nghiệp hoặc người dân chịu hệ quả. Đầu 2012, sẽ có những chính sách phù hợp như giãn, hoãn, khoanh nợ cho một số đối tượng để giảm bớt khó khăn.
Về vấn đề lãi suất, một số địa phương cho rằng cần nâng cao lãi suất huy động, đồng thời nên áp dụng trần cho vay thay vì trần huy động như hiện nay. Về điều này, ông Bình nói: Bản thân tôi cũng muốn việc vay thì thấp và gửi thì cao. Nhưng điều này phải hài hòa, phải bảo đảm cả lợi ích người vay và cho vay. Vừa qua khi áp dụng trần lãi suất huy động, do làm không nghiêm dẫn đến tình trạng các ngân hàng đua nhau lãi suất huy động, cho vay. Đến khi ngân hàng kiên quyết làm trần lãi suất huy động là 14%/năm thì mới phần nào lập lại trật tự mặt bằng lãi suất cả cho vay và huy động.
Ông Bình cam kết: Khi giảm được lạm phát thì sẽ có điều kiện để giảm lãi suất.
Về vấn đề tín dụng đen đang có chiều hướng bùng phát hiện nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng khi khó tiếp cận vốn ngân hàng thì tín dụng đen sẽ phát triển. “Vừa qua, có một số cán bộ ngân hàng thương mại cấu kết với đối tượng bên ngoài để làm tín dụng đen, điều này sẽ phải xử lý nghiêm. Không thể để tín dụng đen phát triển nhất là trong bối cảnh kiềm chế lạm phát. Tới đây sẽ rà soát chặt chẽ để giảm tín dụng đen”, ông Bình cam kết.
Tại hội nghị lần này, không ít địa phương nêu quan điểm trong bối cảnh thế giới khó khăn hiện nay, Việt Nam nên nhân cơ hội này để vươn lên. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng: “Chỉ khi ổn định được vĩ mô thì mới có thể đứng vững. Độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất cao, nên rất dễ tác động từ bên ngoài. Trong khi đó, các chỉ số về vĩ mô của chúng ta là rất đáng lo ngại. Chúng ta phải nhất quán chính sách để các nhà đầu tư yên tâm vào môi trường đầu tư ở Việt Nam”.
Cũng theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, các nhà đầu tư cam kết tài trợ 7,4 tỷ USD cho Việt Nam trong năm 2012 là một kết quả rất mĩ mãn, điều đó cho thấy kinh tế vĩ mô có tác động rất lớn đến các nhà đầu tư. Nếu làm tốt ổn định kinh tế vĩ mô, chắc chắn sẽ có thêm các nhà tài trợ mới. “Chúng ta phải chấn chỉnh các yếu kém để tạo đà cho phát triển trong tương lai, chứ không phải là tăng trưởng một cách thoải mái”, ông Bình phát biểu.
Mục tiêu GDP 2012 khoảng 6% là hết sức khó khăn
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết các bộ ngành phải có giải pháp cụ thể để thực hiện nhiệm vụ 2012. Các địa phương trên cơ sở dự thảo Nghị quyết của Chính phủ để có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để có các giải pháp hoàn thành nhiệm vụ đề ra.
Năm 2012, khó khăn rất lớn, không được chủ quan, thỏa mãn. Năm 2011 tuy đã đạt nhiều thành tựu quan trọng nhưng yếu kém, thách thức còn nhiều. Phải chuẩn bị tinh thần ứng phó với thách thức lớn trong năm 2012.
Theo Thủ tướng, thách thức lớn là lạm phát còn cao, tuy lạm phát đã giảm nhưng chưa vững chắc, nếu không quyết liệt, nghiêm túc, kiên trì thì lạm phát cao còn có thể quay trở lại, lúc đó ổn định kinh tế vĩ mô sẽ bị đe dọa, đảo lộn hết các mục tiêu mà chúng ta đã đề ra. GDP năm 2011 tuy đạt khá (5,9%) nhưng đó là nhờ rất lớn kết quả kích cầu từ 2010. Sản xuất kinh doanh vẫn khó khăn. Mục tiêu GDP 2012 khoảng 6% là hết sức khó khăn.
Thủ tướng cũng cho rằng, đầu tư công năm 2012 sẽ hết sức khó khăn (chỉ có 180.000 tỷ đồng vốn ngân sách và 45.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ) trong khi nhu cầu là rất lớn (chỉ tính riêng các dự án đang triển khai đã gấp đôi số vốn). Đời sống nhân dân vẫn còn nhiếu khó khăn, nhất là số hộ bị thu hồi đất, công nhân khu công nghiệp, người nghèo, thu nhập thấp, người lao động ở nông thôn. Bên cạnh đó, vẫn tiềm ẩn những nguy cơ về an ninh trật tự, an toàn xã hội, chủ quyền quốc gia…
“Tất cả điều này là khó khăn đối với trong nước. Trong khi đó, tình hình kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó dự báo, dự kiến tăng trưởng chậm.. sẽ tác động lớn đến kinh tế Việt Nam”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu phải theo sát tình hình, những dự báo mới, cập nhật kịp thời các phát sinh mới để có các giải pháp thích hợp. Phát huy những lợi thế, tiềm năng của nội lực chúng ta để hạn chế tối đa những khó khăn, thách thức. Phải giữ ổn định xã hội, vận động các nguồn đầu tư ngoài nước, tranh thủ lợi thế để thu hút các nguồn lực (ví dụ đẩy mạnh tăng trưởng du lịch, phát huy thế mạnh về nông nghiệp, thu hút kiều hối, phát triển thị trường nội địa với 90 triệu dân.. ). “Chúng ta phải thấy rõ những khó khăn, thách thức nhưng từng ngành, từng địa phương phải thẩy hết lợi thế, tiềm năng của mình để vượt qua khó khăn, đạt kết quả cao nhất”, Thủ tướng yêu cầu.
Về nhiệm vụ 2012, Thủ tướng nêu rõ thứ nhất là vẫn tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đặt mục tiêu hạ lạm phát xuống 9%, đó là nhiệm vụ khó khăn nhưng phải kiên trì thực hiện.
Phải tập trung chỉ đạo để đạt tới mục tiêu này, trong đó giải pháp hàng đầu là điều hành tiền tệ phải chặt chẽ nhưng linh động. Điều hành tiền tệ phải bám sát mục tiêu kiềm chế lạm phát. Đồng thời, phải tăng cường quản lý giá, bình ổn thị trường, trước mắt là trong dịp Tết này phải kiểm soát hàng hóa, không để tăng giá ảnh hưởng đển chỉ tiêu lạm phát 2012.
Thủ tưởng chỉ rõ địa chỉ: Ngân hàng kiểm soát tiền tệ, Bộ Tài chính bảo đảm giảm bội chi ngân sách xuống 4,8%; Bộ Công thương kiểm soát hàng hóa, ổn định giá cả, kiểm soát nhập siêu ở mức khoảng 10%. Muốn kiểm soát nhập siêu theo Thủ tướng phải đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập những mặt hàng xa xỉ, không thiết yếu, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa nội địa có chất lượng, cạnh tranh về giá để nâng cao tỷ lệ sử dụng hàng Việt. “Kinh nghiệm 2011 chúng ta ổn định được vĩ mô là nhờ nhiều vào giảm được nhập siêu, tăng xuất khẩu, cộng với kiều hối”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng yêu cầu giữ ổn định tỷ giá, giảm lãi suất phù hợp với lạm phát để tháo gỡ khó khăn cơ bản cho doanh nghiệp.
Thứ hai, bên cạnh ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát, Thủ tướng cũng yêu cầu các ngành, địa phương quan tâm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong đó cần ưu tiên vốn cho lĩnh vực nông nghiệp. Các địa phương phải xông vào cùng với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn. Mục tiêu là để duy trì GDP 2012 từ 6 - 6,5%.
Thứ ba, về tái cơ cấu kinh tế, Thủ tướng yêu cầu phải giảm đầu tư công. Đầu tư công tăng thì dẫn đến nợ công tăng. Nâng cao hiệu quả chất lượng đầu tư công, tập trung cho các công trình quan trọng, cấp bách cả kinh tế và xã hội và đã hoàn thành mà chưa thanh toán; các công trình sẽ hoàn thành trong 2012. Đề nghị các địa phương phải rà soát lại chất lượng các công trình vì thực tế hiện nay chi phí cao mà chất lượng thấp.
Thứ tư, cần quan tâm an sinh xã hội, đặc biệt là giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, không để giảm sút về giáo dục, y tế. Bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giảm 5-10% số vụ tai nạn giao thông, ngăn chặn sự phát triển tội phạm.
Thủ tướng lưu ý, các bộ ngành, địa phương phải hết sức chăm lo Tết cho nhân dân.
. Theo SGGP |