Đúng như dự đoán của các chuyên gia kinh tế, mặc dù các giải pháp quyết liệt đã được triển khai đồng bộ trong suốt một năm qua nhưng với các tác động phức hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2011 vẫn “vọt” qua chỉ tiêu kế hoạch 18% và đạt mức 18,13%. Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố ngày 23.12 cho thấy CPI tháng 12 đã tăng 0,53% so với tháng 11, tăng 18,13% so với tháng 12.2010, đưa CPI bình quân 12 tháng qua đã tăng 18,58% so với bình quân cùng kỳ 2010.
CPI tháng 12 tăng ở 10/11 nhóm trong Rổ hàng hóa chung với mức tăng đều dưới 1%. Dẫn đầu về mức tăng cao nhất là nhóm May mặc giày dép với mức tăng 0,86%. Tiếp đến là các nhóm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,69%, Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,68%, hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,6%. Riêng nhóm Bưu chính giảm 0,09%.
Theo Vụ trưởng Vụ Giá - Tổng cục Thống kê, Nguyễn Đức Thắng, CPI tháng 12 có mức tăng khá cao do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh chuẩn bị cho lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán Nhâm Thìn. Cụ thể, với nhu cầu mua sắm cuối năm tăng, giá một số mặt hàng may mặc, dịch vụ may mặc, đồ dùng gia, các dịch vụ xây dựng, nhà ở tăng cao. Đặc biệt, tỷ giá USD/VND trong những tháng gần đây liên tục tăng đã ảnh hưởng đến giá nguyên liệu nhập khẩu khiến giá chi phí đầu vào của một số mặt hàng đồ dùng gia đình và mặt hàng có nguồn gốc nhập khẩu tăng giá mạnh.
Ngoài ra, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung và miền Nam đã khiến giá của một số mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng giá cục bộ. Giá lương thực tháng 12 đã tăng 1,4% so với tháng 11. Tuy nhiên tình hình thị trường xuất khẩu gạo không thuận lợi do cạnh tranh về giá với thị trường gạo của Ấn Độ, Pakistan nên giá gạo bán lẻ sẽ không thể tăng cao tiếp tục.
Cùng với lương thực, sau hai tháng hạ nhiệt, giá thực phẩm đã tăng trở lại với mức tăng 0,49%; trong đó, thịt lợn tăng 0,32% do nhu cầu chế biến thực phẩm cuối năm tăng trong khi các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ găm hàng lại chờ bán vào dịp Tết Nguyên Đán. Thủy hải sản tăng 1,17% do nhu cầu chế biến cuối năm tăng cùng với chi phí vận chuyển tăng. Do chi phí đầu vào tăng và ảnh hưởng từ các ngày lễ tết nên giá một số mặt hàng như bánh kẹo, đường mật, bơ sữa tăng giá từ 0,5-1.5%.
Dự báo về mức tăng giá tiêu dùng tháng 1.2012, ông Thắng cho biết do tháng 1.2012 là tháng đặc biệt với Tết Dương lịch trùng với Tết Âm lịch và có số ngày nghỉ lên tới 9 ngày nên chắc chắn nhu cầu tiêu dùng, nghỉ ngơi, văn hóa giải trí, đi lại trong nhân dân sẽ tăng cao.
Đây sẽ là những yếu tố khiến giá tiêu dùng tháng 1.2012 sẽ tăng cao hơn hẳn so với mức tăng của tháng 12.2011.
Vì vậy, để đảm bảo hạn chế thấp nhất những tác động không mong muốn của tăng giá tiêu dùng, theo ông Thắng, bên cạnh việc tiếp tục triển khai quyết liệt 6 nhóm giải pháp lớn của Chính phủ đã đề ra, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai các giải pháp đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu với dự báo nhu cầu hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán 2012 sẽ tăng trên 20%. Đặc biệt, hai đầu tàu kinh tế của cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần đảm bảo nguồn cung hàng thiết yếu, đẩy mạnh dự trữ sẵn sàng tung ra bình ổn thị trường.
Cùng với việc chuẩn bị đủ nguồn hàng cho dịp Tết Nguyên đán 2012, lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, tập trung xử lý các hành vi buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cũng tập trung thanh tra, kiểm tra các mặt hàng bình ổn giá và xử lý kịp thời các trường hợp lợi dụng đầu cơ, ép giá, găm hàng, đưa tin thất thiệt nhằm đẩy giá bán lên cao, gây bất ổn thị trường.
. Theo TTXVN/Vietnam+ |