|
Nhiều tỉnh ở ĐBSCL đẩy mạnh phát triển mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, tạo điều kiện để nông dân làm giàu. |
Ngày 25.12, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã chủ trì hội nghị đánh giá 3 năm triển khai phong trào nông thôn mới ở 11 xã điểm và 1 năm triển khai rộng rãi trong cả nước.
Nhiều xã đạt 18/19 tiêu chí
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Đăng Khoa, Phó ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới, từ khi khởi xướng phong trào theo bộ 19 tiêu chí xã nông thôn mới, diện mạo của 11 xã nông thôn đã được chọn điểm theo chỉ đạo của Ban Bí thư đạt được những bước thay đổi rõ rệt. Đó là những xã mà ban đầu chỉ có khoảng 2 - 8 tiêu chí, nhưng sau 3 năm dốc sức thi đua bằng chính sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, sự quan tâm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, đồng lòng chung sức, đến nay các xã đều đã đạt tới 13 - 14 tiêu chí trở lên. Đã có 4 xã gồm Tân Thịnh (Bắc Giang), Gia Phố (Hà Tĩnh), Tân Hội (Lâm Đồng), Tân Lập (Bình Phước) đạt được 16 tiêu chí. Bốn xã khác là Thụy Hương (Hà Nội), Tam Phước (Quảng Nam), Tân Thông Hội (TPHCM) và Mỹ Long Nam (Trà Vinh) đạt tới 18 tiêu chí. “Những tiêu chí mà các xã còn chưa đạt được thì hiện cũng đã triển khai được tới 50% - 80% yêu cầu. Do vậy, các xã điểm đang phấn đấu đến cuối năm 2012 sẽ hoàn thành đủ 19 tiêu chí và có thể năm 2013, ban chỉ đạo sẽ công nhận cho các xã đạt chuẩn nông thôn mới” - ông Khoa nói.
Từ thành công của của 11 xã kể trên, phong trào đã được nhân rộng ra quy mô cả nước với hàng ngàn xã hiện đang hồ hởi thi đua để xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, mới qua 1 năm triển khai thực hiện nên kết quả đạt được vẫn chưa nhiều.
Ông Khoa cho biết, theo đánh giá sơ bộ từ 63 tỉnh, thành thì hiện mới có 1,2% xã đạt 15 - 16 tiêu chí, khoảng 3,3% xã đạt 11 - 14 tiêu chí, 13% số xã đạt từ 7 - 10 tiêu chí. Còn lại 82,5% số xã vẫn đạt dưới 7 tiêu chí, thậm chí có trên 28% số xã chỉ đạt có 2 tiêu chí.
Sở dĩ chậm là do khâu hướng dẫn của các cơ quan liên quan cũng như nguồn lực đầu tư của các địa phương cho chương trình còn gặp khó khăn. Một trong những yêu cầu để bắt tay xây dựng nông thôn mới là phải hoàn thành công tác quy hoạch xã nông thôn mới. Song cho đến nay, mới chỉ có 1.040 xã (chiếm 11,67%) được phê duyệt quy hoạch chung. Ngoài ra, 1.083 xã (chiếm 12,15%) đã hoàn thành đồ án quy hoạch chung còn chờ thẩm định và 2.732 xã (30,66%) đang lập đồ án quy hoạch. “Như vậy, nhiệm vụ đề ra là đến cuối năm 2011 cơ bản làm xong công tác quy hoạch, trong đó có 30% xã xong quy hoạch chi tiết là không thể thực hiện được” - ông Khoa đánh giá.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đánh giá, hiện nay ở nhiều địa phương, các đề án xây dựng nông thôn mới vẫn còn nặng về phát triển cơ sở hạ tầng mà chưa chú trọng phát triển sản xuất để tăng thu nhập cho người dân. Việc tổ chức thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới theo đề án đã phê duyệt còn chậm, lúng túng và bị động do thiếu nguồn lực. Tình trạng chung là còn ỷ lại, trông chờ nguồn hỗ trợ từ Nhà nước.
Cần đa dạng nguồn đầu tư
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, để đảm bảo vốn cho chương trình xây dựng nông thôn mới, cần điều chỉnh lại chính sách và cơ chế đầu tư, phân bổ vốn. Cần hỗ trợ nhiều hơn cho các xã làm tốt phong trào để tạo “cú hích” thi đua xây dựng nông thôn mới. Đối với các tỉnh tự cân đối được ngân sách để đầu tư cho nông thôn mới thì cần giảm điều tiết về Trung ương, để địa phương có thêm nguồn lực cho nông thôn mới. Đồng thời cũng cần xác định ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ 100% kinh phí cho 3 loại dự án là xây dựng trụ sở xã, lập quy hoạch nông thôn mới và đào tạo cán bộ. Còn với 4 loại công trình là xây dựng đường giao thông chính đến trung tâm xã, trạm y tế, nhà văn hóa xã, trường học nay chỉ hỗ trợ một phần (khoảng 70%).
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đánh giá cao những thành công sau 3 năm triển khai phong trào trên diện rộng. Phó Thủ tướng chỉ đạo, để thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, trong năm 2012 cần đặt ra mục tiêu có 90% xã hoàn thành xong quy hoạch về nông thôn mới, 90% xã xong đề án xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu xóa cơ bản nhà tạm, nhà dột nát ở các xã nông thôn mới. Ngân sách Nhà nước sẽ ưu tiên hỗ trợ cho 20% số xã đã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015 để sớm về đích. Đặc biệt, cùng với cải thiện bộ mặt làng quê, hiện đại cơ sở hạ tầng nông thôn thì sẽ đẩy mạnh một bước phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân, đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, xây dựng nông thôn mới là mục tiêu lâu dài, không thể nóng vội, có những chỉ tiêu cần phải phù hợp với những mục tiêu, quy hoạch dài hạn. Mặc dù Chính phủ yêu cầu tăng thêm nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp nông thôn, trong đó có phong trào nông thôn mới lên 2,5 - 2,7 lần so với hiện nay, song chắc chắn vẫn không đủ để đáp ứng cho nhu cầu của các địa phương. Vì vậy, để phong trào xây dựng nông thôn mới thành công, thực sự mang lại hiệu quả thì phải huy động nguồn lực tổng hợp của toàn xã hội.
. Theo SGGP |