Tái cơ cấu, nâng cao giá trị đồng vốn, ngày công trong lao động nông nghiệp
16:41', 28/12/ 2011 (GMT+7)

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp sẽ rà soát và tập trung vào các ngành hàng mang giá trị cao hơn

“Bỏ ra 1 đồng vốn, 1 ngày công để đem lại thu nhập cao hơn cho nông dân” là hình ảnh mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đưa ra khi nói về mục đích của việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2011, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nông nghiệp tăng 4,78%, lâm nghiệp tăng 5,74%, thủy sản tăng 6,39%. Tốc độ tăng trưởng của ngành (GDP nông nghiệp) tăng 2,3%.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, dù đạt được những kết quả khá ấn tượng, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP của ngành đang chậm lại.

“Chúng ta làm số lượng ngày càng nhiều, nhưng giá trị gia tăng chưa cao, nghĩa là làm nhiều nhưng được ít tiền. Đây là thách thức của ngành trong thời gian tới. Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp sẽ rà soát và tập trung vào các ngành hàng mang giá trị cao hơn. Bỏ ra 1 đồng vốn, 1 ngày công sẽ phải đem lại thu nhập cao hơn cho nông dân”, Bộ trưởng nói.

Chọn khâu trọng yếu để phát triển

Trong 2012, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung cao độ để phát triển ngành thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt. Ngay trong các ngành này cũng chọn ra các khâu xung yếu để tập trung phát triển, đem lại giá trị cao hơn cho toàn chuỗi sản xuất.

Bộ trưởng lấy ví dụ ngành sữa, sữa vắt và thanh trùng, tiệt trùng giá trị chưa cao so với chế biến các sản phẩm khác, nên cần tập trung vào khâu chế biến.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, để thực hiện tái cơ cấu ngành, đầu tiên cần những hành động thiết thực như rà soát để tìm được trên mỗi cánh đồng trồng cây gì thích hợp, trong mỗi địa phương trồng con gì phù hợp. Cùng với đó cũng phải tìm ra với những cây trồng, vật nuôi đó làm kỹ thuật nào, khâu nào để có giá trị gia tăng cao hơn.

Thứ hai là thay đổi cơ cấu đầu tư để hỗ trợ cho những cây, con, những khâu trong quá trình nuôi trồng… mà chúng ta mong muốn phát triển. Đơn cử như thủy lợi, từ trước đến nay đầu tư thủy lợi vẫn chủ yếu do người dân đóng góp công sức, tiền của nhưng trong năm tới, ngành nông nghiệp sẽ có hướng tăng cường đầu tư cho thủy lợi để phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Tiếp đến, việc tái cơ cấu sẽ được thể hiện qua việc hỗ trợ để thay đổi các hình thức sản xuất, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước, phát triển các hình thức kinh tế gia trại, trang trại, kinh tế hợp tác kiểu mới… cùng với hỗ trợ xây dựng bộ máy quản lý để hỗ trợ nông dân thực hiện những chủ trương trong việc tái cơ cấu tích cực hơn.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng chia sẻ, tái cơ cấu là một quá trình. “Chúng ta làm gì cũng phải bám sát diễn biến thị trường, chúng tôi mong đợi quá trình đó diễn biến nhanh và sẽ có chuyển biến rõ rệt trong 5 năm tới”, Bộ trưởng nói.

Tái cơ cấu để không lãng phí tài nguyên của đất nước

Nói về việc phát triển nguyên liệu, một khâu then chốt để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: “Đối với một nền nông nghiệp muốn phát triển bền vững trong nền kinh tế thị trường thì phải tập trung vào những lĩnh vực mà chúng ta có lợi thế, không thể và cũng không nên làm tất cả mọi thứ”.

Ví dụ, lúa mì nhập khẩu ngày càng tăng nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam cũng sẽ trồng lúa mì mà chúng ta là nước sản xuất lúa gạo tốt trên thế giới thì chúng ta hãy làm tốt việc sản xuất lúa gạo và tiếp tục mua lúa mì khi cần thiết.

Về vấn đề này, trước đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo cụ thể Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cần kết hợp đầu tư công và thu hút đầu tư khu vực tư nhân vào lĩnh vực phát triển của ngành; xây dựng kế hoạch, phương hướng phát triển trên cơ sở có tính toán đến tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần thống kê những chỉ tiêu về năng suất, hiệu quả cụ thể của từng cây, con trong từng vùng và thu nhập của người dân tại địa phương đó, để có đánh giá, tìm ra cách làm mang lại hiệu quả cao nhất.

. Theo Chinhphu.vn

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thủ tướng gửi thông điệp “Năm An toàn Giao thông Quốc gia 2012” qua VOV  (28/12/2011)
Hai ngân hàng thương mại lớn thay Tổng giám đốc  (28/12/2011)
Xây trung tâm thông tin, chỉ huy điều hành PCCC  (28/12/2011)
Phát hiện vệt dầu loang bất thường nơi tàu Vinalines mất dấu  (28/12/2011)
Tết Nguyên đán Nhâm Thìn nghỉ 9 ngày  (28/12/2011)
Tàu Vinalines Queen mất liên lạc đã hơn 48 tiếng  (27/12/2011)
Những người giàu nhất thị trường chứng khoán: “Bốc hơi” hơn 13.000 tỷ đồng năm 2011  (27/12/2011)
Giữ nguyên giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu  (27/12/2011)
Vận hành trạm biến áp 500kV lớn nhất Việt Nam  (27/12/2011)
Miền Bắc liên tiếp đón không khí lạnh từ nay đến Tết Nguyên đán   (27/12/2011)
Sập cầu Bà Dầu ở Quảng Ngãi, 2 người mất tích  (27/12/2011)
Đừng để việc tăng lương lặp lại những sai lầm trước đây  (27/12/2011)
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam trong năm 2011  (26/12/2011)
Hắt hiu sàn BĐS đóng cửa nghỉ Tết sớm  (26/12/2011)
Cấm doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào ngân hàng  (26/12/2011)