Năm 2011, thu nhập bình quân của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) lên tới 16,2 triệu đồng mỗi tháng, cao nhất trong số 17 tổng công ty và các tập đoàn lớn trong cả nước.
Bộ Công Thương vừa công khai thu nhập bình quân hằng tháng của 17 tập đoàn, tổng công ty lớn trong 2011. Theo đó, hạng Top thuộc về các Tập đoàn Điện lực, Dầu khí, Than khoáng sản... Cụ thể Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thu nhập bình quân trong năm 2011 là 8,6 triệu đồng, năm 2010 là 8,3 triệu. Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản có thu nhập 7,7 triệu đồng, cao hơn 0,2 triệu so với năm 2010. Tổng công ty Bia- Rượu- NGK Sài Gòn cũng lên tới 9,7 triệu đồng.
Mức cao nhất thuộc về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) với thu nhập 16,2 triệu đồng mỗi tháng trong năm 2011 và 15,1 triệu đồng vào năm 2010.
Xếp hạng Top 2 thuộc về một số tổng công ty như Thép, Hóa chất, Công nghiệp Dầu thực vật với mức thu nhập dao động từ 6,9 đến 7,6 triệu đồng.
Tổng Công ty máy và thiết bị công nghiệp, Tổng Công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam, Tổng Công ty Giấy, Công ty nhựa Việt Nam có thu nhập bình quân thấp nhất, dao động quanh mức 4,2 triệu đồng đến 4,8 triệu đồng mỗi tháng. Trong đó, xếp bảng đội sổ thuộc Tập đoàn Dệt may với 3,9 triệu đồng.
Cuối tháng 11-2011, tuyên bố bất ngờ của Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Phạm Lê Thanh về mức lương bình quân năm 2009 của ngành điện là 7,3 triệu đồng một tháng 11 khiến dư luận xôn xao. Lãnh đạo nhà đèn chia sẻ, bản thân ông rất đau lòng khi lương cán bộ tập đoàn chỉ có ngần đó vì "đây là mức tương đối thấp, nếu ở nông thôn thì có thể được, còn ở thành thị thì không thể", ông Thanh nói.
Phát ngôn của lãnh đạo nhà đèn khiến phần đông bạn đọc thuộc các ngành nghề khác nhau như kỹ sư, bác sĩ, giáo viên... "choáng" vì mức lương trung bình của ngành điện vào năm 2009 đã gấp 3-4 lần nhiều lĩnh vực khác. Thậm chí nhiều bạn đọc còn nộp đơn "xin vô ngành điện" và sẵn sàng chấp nhận chịu thiệt, chỉ xin lương 6 triệu một tháng, thấp hơn 1,3 triệu đồng mức lương của nhà đèn cách đây 2 năm. Không ít độc giả tủi thân phải thốt lên: "Sau khi nghe phát biểu của sếp EVN, các quan chức cấp cao ngành khác có thấy thương cho đơn vị mình không"? Chỉ số ít người cho rằng, không nên quá khắt khe bởi phát ngôn của ông Thanh đứng trên góc độ một người lãnh đạo của ngành.
. Theo VNE |