Áp dụng mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn riêng biệt; người dân bầu trực tiếp bộ máy hành chính địa phương; nhất thể hóa một số chức danh bí thư kiêm chủ tịch quận, huyện... là những đề xuất của Hà Nội khi góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992.
Theo dự thảo báo cáo tổng kết Hiến pháp 1992 được HĐND, UBND Hà Nội công bố ngày 4.1, HĐND các cấp đã được trao nhiều thẩm quyền quan trọng nhưng trên thực tế chưa phát huy hết vai trò, không thực hiện đầy đủ quyền hạn của mình. Các đại biểu qua giám sát, tiếp xúc cử tri chỉ biết lắng nghe và "kính chuyển" tới cơ quan chức năng giải quyết.
Ngoài ra, do trình độ chuyên môn một số đại biểu tại lĩnh vực giám sát còn hạn chế nên chưa đưa ra những kiến nghị xác đáng. Kết luận của đoàn giám sát chưa sâu, còn hiện tượng né tránh, nể nang, ngại va chạm. Thẩm quyền, nhiệm vụ trao cho ba cấp HĐND rất giống nhau, dẫn tới một vấn đề nhưng cả ba cấp cùng ra nghị quyết.
Tương tự, UBND được xác định vừa là cơ quan chấp hành, vừa là cơ quan hành chính. Tuy nhiên, tính chấp hành rất hình thức, trong khi tính hành chính bị xem nhẹ bởi UBND hoạt động theo nguyên tắc tập thể.
Nhìn tổng thể, Hà Nội cho rằng mô hình chính quyền địa phương như hiện nay không phát huy được tính sáng tạo, chủ động, không đáp ứng yêu cầu ngày càng khác nhau giữa quản lý đô thị và quản lý nông thôn.
Với những đánh giá như vậy, Hà Nội đề nghị sửa Hiến pháp theo hướng tổ chức chính quyền địa phương hai cấp tỉnh - xã. Trong đó chính quyền đô thị chỉ tổ chức HĐND ở cấp thành phố, chính quyền nông thôn thì bỏ hẳn HĐND cấp huyện, phường. Tuy nhiên, hai mô hình này có những yêu cầu quản lý nhà nước khác nhau nên cần nghiên cứu cho phù hợp.
Ngoài ra, Hà Nội cũng cho rằng, trước mắt nên thí điểm người dân bầu chức danh chủ tịch UBND xã, thị trấn và nghiên cứu, thí điểm việc nhất thể hóa chức danh bí thư Đảng ủy đồng thời là chủ tịch quận, huyện, phường, xã.
Theo Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, mô hình chính quyền đô thị rất cần thiết đối với thủ đô Hà Nội. Mặc dù chưa có quyết định về mô hình này song dáng dấp của chính quyền đô thị đã có, như khác biệt về tổ chức bộ máy, chế độ chính sách, số phó chủ tịch... so với các tỉnh khác.
Tuy nhiên, Bí thư lưu ý ban soạn thảo cần đưa ra đề xuất một cách rõ ràng, thuyết phục đối với Ban chỉ đạo sửa đổi Hiến pháp trung ương cũng như với người dân cả nước về việc Hà Nội cần thiết lập chính quyền đô thị và nông thôn, cần có cơ chế đặc thù để phát triển...
Ông Phạm Quang Nghị cũng yêu cầu tổng kết việc thí điểm bỏ HĐND cấp quận, huyện, phường, xã để có căn cứ xác đáng hơn khi đề xuất bỏ hẳn các chức danh này, cũng như thí điểm nhất thể hóa chức danh bí thư kiêm chủ tịch quận, huyện.
. Theo VNE |