|
Nhiều đại biểu tham dự hội nghị đề xuất nên thống nhất lại tên gọi của tổ chức công đoàn ở trung ương là Tổng Công đoàn Việt Nam; ở các địa phương là Công đoàn tỉnh (thành phố). Trong ảnh công nhân công ty may Gia Định. |
Hội nghị trực tuyến đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về Luật Công đoàn (sửa đổi) và Luật Giáo dục Đại học đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức sáng nay, 9.1, tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Hội nghị có ý nghĩa kết nối giữa Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội với đại biểu Quốc hội đại diện cho 63 tỉnh thành trong cả nước. Chủ tịch mong muốn các đại biểu Quốc hội phát huy trí tuệ, đóng góp thiết thực cho hoạt động của Quốc hội, trong đó có công tác xây dựng pháp luật.
Sau khi nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý báo cáo về việc chỉnh lý, bổ sung dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) góp ý, về phạm vi điều chỉnh, Luật cần bao gồm cả đối tượng là người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Về điều kiện thành lập tổ chức công đoàn tại đơn vị, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị chọn phương án “có từ 20 lao động thì được thành lập tổ chức công đoàn”, nhưng yêu cầu bổ sung nội dung “trường hợp đặc biệt do công đoàn cấp trên quyết định”.
Nhiều ý kiến phát biểu đồng tình với ông Phương về việc Luật nên điều chỉnh cả người lao động là người nước ngoài, song cho rằng, không nên quy định “cứng” về việc phải có từ 20 lao động trở lên mới thành lập tổ chức công đoàn.
Đại biểu Trần Dương Tuấn (Bến Tre) nêu vấn đề: ở nước ta, loại doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ chiếm tỷ lệ lớn, nếu dưới 20 lao động không thành lập tổ chức công đoàn thì quyền lợi của người lao động ở những doanh nghiệp nhỏ này không được đảm bảo.
Đại biểu Trần Dương Tuấn đề nghị nên đưa vào luật quy định doanh nghiệp có từ 5 người lao động trở lên thì được thành lập công đoàn, ít hơn nữa thì người lao động có thể đăng ký sinh hoạt với Công đoàn cấp trên.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, bản chất công đoàn là một tổ chức tự nguyện, vì vậy tiêu chí về số lượng không nên đưa vào luật. Ông Bùi Sỹ Lợi đặc biệt lưu ý đến vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong việc lãnh đạo đình công và khẳng định: “Nếu không đưa quy định về vai trò của công đoàn tổ chức đình công vào luật thì không bao giờ có đình công đúng pháp luật”.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ quan tâm đến quy định về kinh phí hoạt động của công đoàn: “Việc trích 2% tổng quỹ lương thực trả vẫn đang được thực hiện từ lâu nay, nhưng trước đây quy mô doanh nghiệp rất nhỏ. Bây giờ tình hình đã khác, 2% tổng quỹ lương của doanh nghiệp có thể rất lớn, có còn phù hợp không”? Đại biểu gợi ý phương án coi 2% tổng quỹ lương thực trả là mức trần đóng góp.
Tên gọi cuả tổ chức công đoàn hiện nay chưa thống nhất là một thực tế được nhiều đại biểu tham dự hội nghị quan tâm. Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đề xuất: “Nên thống nhất lại tên gọi của tổ chức công đoàn ở trung ương là Tổng Công đoàn Việt Nam; ở các địa phương là Công đoàn tỉnh (thành phố).
Đại biểu Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM cũng đề nghị Luật quy định việc trích kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ lương cơ bản (mà không phải là quỹ lương thực trả)…
Chiều nay, Hội nghị sẽ nghiên cứu, góp ý về dự thảo Luật Giáo dục đại học.
. Theo SGGP |