Ngày 9.1, các đại biểu dự Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thảo luận về các dự án Luật Công đoàn và Luật Giáo dục đại học.
Về dự án Luật Giáo dục đại học (GDĐH), việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học được coi là nội dung xuyên suốt của dự án Luật đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng. Vừa qua dự án Luật này cũng đã được thảo luận tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII.
|
Ảnh: Chinhphu.vn |
Theo dự thảo báo cáo một số vấn đề còn khác nhau sau khi thảo luận tại kỳ họp thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho trường đại học và đề nghị quy định chi tiết ngay trong luật. Một số đại biểu đề nghị quy định rõ mức độ, đối tượng và lộ trình cụ thể đối với việc thực hiện quyền tự chủ trong GDĐH.
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu nhi của Quốc hội Trần Thị Tâm Đan cho rằng quyền tự chủ là thuộc tính của GDĐH. Vì vậy, nên nhìn nhận quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm dưới góc độ cơ chế quản trị của trường để đặt vấn đề cho hay không cho cơ sở GDĐH quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Ý kiến của bà Trần Thị Tâm Đan đã nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu tham dự Hội nghị. Ông Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng về trao quyền tự chủ cho các trường đại học có nhiều việc có thể làm được ngay, ví dụ có thể cho các trường tự chủ trong tuyển sinh, xác định chỉ tiêu tuyển sinh.
Giải thích thêm cho các đại biểu về dự án Luật Giáo dục đại học, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết dự án Luật này không phải là giao quyền hay lấy lại quyền tự chủ của các trường. Hiện nay có trường thành lập nhưng chưa đủ điều kiện thì ta giới hạn quyền tự chủ chứ không phải là thu lại quyền tự chủ.
Việc các trường tự chủ tuyển sinh thì đã giao 2 năm qua nhưng đến nay thì chưa trường nào có phương án vì chưa dám nhận hoặc chưa có điều kiện nhận vì ngại điều kiện rủi ro… Đối với một số ý kiến đại biểu Quốc hội nên để các trường tự quyết định mở ngành đào tạo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga không đồng tình vì cho rằng các trường sẽ chỉ tập trung mở những ngành dễ tuyển sinh, dễ thu hút đầu tư, điều này có thể làm ảnh hưởng đến cơ cấu nguồn nhân lực.
Phát biểu kết thúc buổi thảo luận về dự án Luật Giáo dục đại học, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn nữa để có thể trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường đại học.
* Trước đó, buổi sáng cùng ngày, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng đã thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Công đoàn năm 1990 và nêu ý kiến, dự thảo Luật cần thể hiện rõ hơn chủ trương không hành chính hóa tổ chức và hoạt động công đoàn; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn các cấp và công đoàn tại các doanh nghiệp.
Theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, dự Luật vẫn phải quy định rõ trách nhiệm tổ chức và lãnh đạo đình công của Công đoàn (mặc dù có ý kiến đề nghị cân nhắc vai trò này của Công đoàn vì không phù hợp với thực tế hiện nay nhiều cuộc đình công không do Công đoàn tổ chức).
Đại diện Ủy ban Pháp luật cho rằng trình tự, thủ tục đình công cần được quy định rõ trong Bộ luật Lao động nhằm đảm bảo tính khả thi của Luật Công đoàn.
. Theo Chinhphu.vn |