|
Vượt qua một năm được cho là lận đận và khó khăn, nhiều ngân hàng vẫn công bố mức lãi tương đối khả quan. |
2011 là năm lận đận của ngành ngân hàng, song nhiều nhà băng vẫn công bố những con số lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, không ít ngân hàng cho rằng, mức lãi này không cao nếu so với vốn chủ sở hữu.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietinbank Phạm Huy Hùng thông tin, năm 2011, nhà băng này đạt lợi nhuận trước thuế 8.105 tỷ đồng, tăng 76% so với 2010. So với con số dự kiến trước đó là 8.500 tỷ đồng, mức thực tế thấp hơn, song Vietinbank vẫn giành ngôi "quán quân" về lợi nhuận năm 2011 tính đến nay.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch hội đồng thành viên Agribank cũng cho biết, lợi nhuận năm 2011 của đơn vị này chỉ tương đương 2010. Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, các ngân hàng giữ được mức lãi cao là một điều đáng mừng. Theo ông, cùng với việc giữ vững tăng trưởng, thanh khoản tốt, đến cuối năm 2011, nợ xấu của Agribank xuống dưới 6%, giảm so với mức 6,67% của năm trước.
Vietcombank cũng công bố mức lợi nhuận lên tới 5.700 tỷ đồng cho năm 2011, chỉ tăng 4% so với năm trước; Sacombank tính hết tháng 11/2011 đã đạt 2.618 tỷ đồng. Các nhà băng lớn khác như Eximbank, ACB, Ngân hàng Quân đội, Techcombank... cũng dự kiến có mức lãi xấp xỉ 3.000 tỷ đồng hoặc hơn.
Chủ tịch hội đồng quản trị Vietinbank Phạm Huy Hùng cho biết, chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng này đặt ra trong năm tới là 20% so với 2011. Lợi nhuận trước thuế của Vietinbank trong năm 2012 dự tính sẽ là 9.726 tỷ đồng. Còn Vietcombank đặt mục tiêu năm 2012 có lợi nhuận trước thuế khoảng 6.500 tỷ đồng.
Một số ngân hàng tầm trung có mức lợi nhuận khiêm tốn hơn, song cũng đạt con số cả nghìn tỷ đồng. Đại diện VPBank cho biết, đến 31.12.2011, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của nhà băng này đạt trên 1.600 tỷ đồng, vượt 2010 khoảng 70%. Chưa chốt mục tiêu cho năm 2012, song đại diện VPBank thông tin, phần lớn lợi nhuận không đến từ hoạt động cho vay.
Công bố lãi nghìn tỷ cho 2011 nhưng nhiều đại diện ngân hàng cho biết nếu so sánh với vốn chủ sở hữu từ 5.000-6.000 đến cả chục nghìn tỷ đồng thì tỷ lệ lợi nhuận là không cao, chỉ khoảng 15%, cá biệt vài ngân hàng mới trên 20%. "Nếu so với các doanh nghiệp kinh doanh có rất ít vốn chủ sở hữu chỉ dựa vào vốn vay thì tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của ngân hàng thấp hơn nhiều", phó chủ tịch hội đồng quản trị một nhà băng ở Hà Nội nói.
Trong khi đó, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm nhận định, đánh giá lợi nhuận của các ngân hàng cần phải dựa vào mức độ, tốc độ cũng như vốn điều lệ, tổng tài sản. Nếu lợi nhuận cao vọt cả về tốc độ, mức độ trong điều kiện khó khăn như năm 2011 thì cần phải xem xét lại.
Ông Kiêm cho rằng, hiện nay, trong khối ngân hàng cổ phần, chỉ một phần ba có chất lượng tốt, xứng đáng có lợi nhuận đẹp thật sự, một phần ba xếp hạng trung bình và số còn lại có nguy cơ mất thanh khoản, nợ xấu tăng. Theo ông, cần làm rõ lợi nhuận mang tính "thành tích chủ nghĩa" và con số thật của các nhà băng. Lợi nhuận thành tích có thể xuất phát từ việc ngân hàng chuyển nợ, cho vay dễ dãi, che lấp số liệu thông tin..., ông Kiêm dự đoán. Theo chuyên gia này, trước mắt, có thể thấy con số lợi nhuận là đẹp, song về lâu dài, có nhà băng đứng trước nguy cơ lỗ thực lớn.
Trước đó, trả lời chất vấn trước đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng, cần cần đánh giá đầy đủ hơn nếu nói ngân hàng lãi lớn. Theo ông, số lãi 1.000 - 2.000 tỷ đồng mỗi năm so với vốn điều lệ 3.000- 5.000 tỷ tổng tài sản khoảng 50.0000 - 60.000 tỷ vẫn là thấp. Ông cho rằng, nhiều năm đánh giá, lợi nhuận của ngân hàng Việt Nam chỉ nằm trong nhóm trung bình của tất cả doanh nghiệp tại Việt Nam. "Lợi nhuận ngân hàng chỉ chính thức là lợi nhuận khi đã trừ đi các khoản trích lập dự phòng rủi ro, phân bổ cho các quỹ và nộp thuế", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói.
. Theo VnE |