Tiền thưởng tết bị trừ thuế:
Công nhân hụt hẫng
9:23', 18/1/ 2012 (GMT+7)

Những ngày cuối năm, bên cạnh niềm vui sắp được thưởng tết, rất nhiều công nhân (CN) đang hết sức lo lắng, bức xúc vì có thông tin tiền thưởng tết, tiền trợ cấp dịp tết năm nay sẽ bị tính thuế thu nhập cá nhân dù trước đó, Quốc hội đã có nghị quyết miễn thuế thu nhập cá nhân từ tháng 8 đến hết tháng 12-2011.

 

Công nhân chọn mua thực phẩm.

 

Tiền thưởng bị đánh thuế

Cuối tuần qua, hàng chục ngàn CN ở Bình Dương đã ngừng việc tập thể, khiếu nại đến các ngành chức năng về việc tiền thưởng tết (tháng lương thứ 13) bị tính thuế thu nhập cá nhân. Các CN cho biết, công ty mà họ làm việc đã gộp chung tiền lương tháng 12 (gồm cả tiền tăng ca trong tháng) với tiền thưởng tết và tiền 12 ngày nghỉ phép năm để tính thuế. Với người lao động nghèo, khoản tiền phải chịu thuế là một khoản không nhỏ so với thu nhập của họ.

Về vấn đề này, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TPHCM cũng đã hết sức băn khoăn và gửi văn bản đến Cục Thuế TPHCM yêu cầu được hướng dẫn. Trả lời thắc mắc của một DN thuộc KCX Linh Trung 1, Cục Thuế TPHCM đã có công văn trả lời. Công văn nêu rõ: Căn cứ vào Thông tư 84/2008/BTC hướng dẫn về thuế thu nhập cá nhân, “Khấu trừ thuế là việc tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện tính trừ số thuế phải nộp vào khoản thu nhập của đối tượng nộp thuế trước khi trả thu nhập”. Và “Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho đối tượng nộp thuế”.

Do vậy, khoản tiền lương tháng 12-2011 được chi trả vào tháng 1-2012 sẽ tính vào thu nhập chịu thuế của tháng 1-2012 và khoản thu nhập này sẽ không được miễn thuế thu nhập cá nhân theo Nghị quyết số 08/2011/QH13. Nghị quyết 08/2011/QH13 quy định: Miễn thuế thu nhập cá nhân từ ngày 1-8-2011 đến hết 31-12-2011 đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân.

Như vậy, theo tinh thần công văn trả lời của Cục Thuế TPHCM, không chỉ lương tháng 12-2011 mà cả tiền thưởng tết, thường được gọi là tháng lương thứ 13, thường được chi trả vào tháng 1-2012 cũng sẽ là khoản thu nhập phải chịu thuế của CNLĐ.

 

Với đồng lương ít ỏi, công nhân đi chợ thường chỉ mua rau, củ.

 

Nên lấy thời điểm hạch toán thưởng làm căn cứ chịu thuế

Trình bày quan điểm về vấn đề này, các DN trong KCX-KCN trên địa bàn TP kiến nghị:  Do thu nhập cá nhân phát sinh sẽ được nhận sau khi kết thúc tháng mà cá nhân đã hoàn thành nghĩa vụ của mình, do đó chúng tôi cho rằng, thời điểm xác định thu nhập chịu thuế được miễn thuế thu nhập cá nhân là thời điểm cơ quan chi trả đã hạch toán chi hoặc ra quyết định lương, tức còn nằm trong năm 2011. Cũng theo quy định của nhà nước, thời hạn chi trả các khoản tiền thưởng cho cả năm 2011 chậm nhất không quá ngày 31-3-2012. Như vậy, việc DN trả thưởng năm 2011 ở thời điểm đầu năm 2012 là đúng quy định. Khoản thu nhập này là thu nhập từ lao động của NLĐ trong năm 2011, cho nên cũng cần được xác định là thu nhập được miễn thuế.

Ông Hồ Xuân Lâm, Trưởng phòng Lao động Tiền lương, tiền công thuộc Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza) cho biết: "Từ vụ ngừng việc xảy ra ở Bình Dương, rất nhiều DN trong KCX-KCN tại TPHCM đã gọi điện cho chúng tôi bày tỏ lo lắng về nguy cơ ngừng việc lan rộng vào thời điểm cận tết vì lý do tiền thưởng bị trừ thuế. Dưới góc độ cá nhân, tôi cho rằng nếu cứng nhắc áp dụng quy định tính thuế vào thời điểm chi trả lương thưởng tết, tức là vào năm 2012 sẽ rất thiệt thòi cho CN. Nhiều CN đã dồn sức tăng ca vào cuối năm, chỉ hy vọng kiếm thêm được ít tiền gửi về quê ăn tết. Thu nhập tháng 12-2011 của họ do vậy sẽ nhỉnh hơn bình thường. Việc gộp chung các khoản lương thưởng tết để đánh thuế sẽ vô tình làm giảm đi ý nghĩa nhân văn của hàng loạt các giải pháp bình ổn, chăm lo tết cho CNLĐ nghèo mà Đảng, Nhà nước, các ban ngành đoàn thể đã nỗ lực thực hiện trong thời gian qua”.

Ông Lâm cũng cho biết phòng Lao động tiền công tiền lương Hepza sẽ sớm có công văn gửi cấp trên và các cơ quan chức năng xem xét giải quyết thỏa đáng vấn đề trên.

Khánh Hòa: 8 ngày, 3 vụ ngừng việc

Ngày 17.1, nhiều công nhân Xí nghiệp Rapexco (100% vốn nước ngoài, trụ sở tại Khu công nghiệp Bình Tân, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đã ngừng việc đòi quyền lợi từ phía công ty vì những bất hợp lý trong xếp loại A, B, C và chậm công bố chế độ thưởng tết. Cùng ngày, các phóng viên liên hệ với đại diện Xí nghiệp Rapexco để tìm hiểu sự việc nhưng bị ngăn chặn từ cổng bảo vệ của xí nghiệp này.

Trước đó, ngày 10  và 12.1, có trên 500 công nhân tại Công ty TNHH Gallant Ocenan Việt Nam (trụ sở tại Khu công nghiệp Suối Dầu, huyện Cam Lâm) và công nhân Công ty TNHH Thực phẩm Sakura (Công ty Sakura - vốn 100% nước ngoài, chuyên chế biến hải sản), có trụ sở tại 28B đường Phước Long (phường Phước Long, TP Nha Trang) cũng ngừng việc đòi quyền lợi.

. Theo SGGP

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
ADB cho Việt Nam vay 24,8 triệu USD để giảm nghèo  (18/01/2012)
PVN sẽ thăm dò, khai thác trong khu vực 200 hải lý  (17/01/2012)
Việt Nam “xuất siêu” du học  (17/01/2012)
Đưa vào sử dụng tàu pháo quân sự đầu tiên do Việt Nam sản xuất  (17/01/2012)
Sẽ phạt nặng người đội mũ bảo hiểm dỏm  (17/01/2012)
Đề xuất 12 di sản văn hóa phi vật thể mới  (17/01/2012)
Thanh long Bình Thuận được bảo hộ trên đất Mỹ  (17/01/2012)
Xây dựng Nghị định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đại học  (17/01/2012)
Mạnh tay với xe nhồi nhét khách   (17/01/2012)
Cấm các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư ngoài ngành  (16/01/2012)
Ngân hàng căng thẳng thanh khoản cuối năm  (16/01/2012)
Cung ứng 85,6 triệu liều vaccine cúm gia cầm  (16/01/2012)
Hơn 1.000 kiều bào dự hội Xuân quê hương 2012  (16/01/2012)
Thời tiết những ngày tết - Mưa phùn, rét đậm  (16/01/2012)
Tàu cánh ngầm bất ngờ bốc cháy khi đang bơm dầu  (16/01/2012)