Sài Gòn ngày 29 Tết , không khí chào xuân mới đã rộn rã. Nhưng đâu đó, tại các bến xe, ga tàu, nhiều lao động nghèo nhập cư, công nhân tha hương vẫn còn vội vã đón chuyến xe cuối cùng của năm để kịp về quê ăn tết.
|
Một gia đình đón xe tại Bến xe miền Tây chiều 29 Tết.
|
Theo ghi nhận của chúng tôi sáng nay, tại bến xe Miền Đông, lượng khách giảm hẳn so với những ngày thường. Tại các quầy bán vé chỉ lác đác một vài hành khách đi các tỉnh gần như Bình Phước, Đăk Nông, Đà Lạt, Nha Trang, Bình Thuận... đứng mua vé. Các băng ghế chờ trong bến xe cũng thưa thớt người ngồi. Tuy nhiên, một số chuyến xe chạy tuyến Bắc - Nam vẫn đang kiên nhẫn chờ đợi những hành khách cuối cùng của năm.
Có mặt tại bến xe Miền Đông (TP.HCM) từ sớm, vợ chồng anh Nguyễn Đình Luận, chị Nguyễn Thị Như Lan (cùng quê Thanh Hóa) đang chuẩn bị đón xe để về ăn tết cùng con tại quê nhà. Hỏi lý do vì sao quê xa như vậy mà giờ này mới về, đôi vợ chồng này thật thà trả lời: Những ngày giáp tết, công việc thu nhập cao nên ráng ở lại làm thêm mấy ngày để bù vào tiền xe.
Cưới nhau được hơn 7 năm, có 2 con xinh đẹp ngoan ngoãn, nhưng vì miếng cơm manh áo, hai vợ chồng đành gửi con lại cho nội ngoại chăm sóc để vào Sài Gòn làm ăn. Anh Luận cho biết, hai năm liền, hai vợ chồng anh đều phải đón giao thừa trên xe.
“Tôi còn nhớ như in khoảnh khắc giao thừa năm ngoái. Lúc đó xe vừa chui qua hầm Hải Vân (Thừa Thiên Huế) thì đồng hồ điểm 0g. Khoảnh khắc đó thật khó tả, tôi tức tốc gọi về nhà mong gặp con để nói lời chúc mừng năm mới nhưng nghẽn mạng không gọi được. Quay sang nhìn vợ thì thấy vợ nước mặt giàn giụa từ hồi nào…”, anh Luận kể lại.
Chắc chắn năm nay vợ chồng anh Luận, chị Lan lại thêm một lần nữa đón giao thừa trên xe nhưng theo anh chị: “Miễn sao mình có mặt ở nhà trong ngày mùng 1 tết để chung vui cùng các con là được rồi!”.
Trong khi đó, Nguyễn Đình Nhiên (sinh viên trường ĐH Mở TP.HCM) vai mang ba lô, trên tay lỉnh kỉnh nhiều gói đồ bước lại quầy bán vé tại bến xe Miền Đông để mua vé về Huế. Nhiên cho biết dù nhà trường đã cho nghỉ học cách đây hơn 1 tháng nhưng anh chưa về vội mà tranh thủ đi làm thêm kiếm tiền xe về quê.
Chính thu nhập của những ngày này đã giúp anh tậu được cho mình nhiều món đồ ưng ý và còn mua sắm được nhiều phần quà cho cha mẹ và các em ngoài quê, trong đó phải kể đến một chậu mai đang bắt đầu bung nở những đóa hoa vàng.
Theo Nhiên, có cây mai này về chưng trong nhà mấy ngày tết là hết ý vì có thể cảm nhận được cái tết của Sài Gòn - nơi anh đã và đang theo học.
Theo đại diện bến xe Miền Tây, đợt cao điểm phục vụ hành khách về quê ăn tết năm nay rơi vào ngày 27 tháng chạp (tức 20-1) với khoảng 58.000 lượt khách và giảm dần vào những ngày sau. Sáng 29 tháng chạp, hành khách mua vé tại bến xe Miền Tây đã giảm nhưng vẫn đông hơn nhiều so với bến xe Miền Đông.
Ông Lê Vũ Việt - tài xế xe khách hãng LD cho biết - giới xe đò gọi ngày chạy xe cuối cùng trong năm là chuyến xe “vét” khách. Theo kinh nghiệm gần 20 năm của một tài xế xe đò, ông Việt khẳng định phải chịu khó chờ đến cuối ngày may ra mới “vét” đầy khách trong chuyến xe cuối cùng của năm này.
Vào sâu trong bến xe Miền Tây, chúng tôi thấy hàng trăm chiếc xe đang đậu chờ khách. Ngồi uống nước tại một quán cóc trong bến xe, vợ chồng anh Hùng (quê Trà Vinh) cùng đứa con đang kiểm tra lại hành lý một lần nữa để lên xe.
Anh Hùng cho biết, năm nào cũng vậy, cứ đúng ngày cuối năm, vợ chồng anh mới thu xếp được công việc để về quê. “Năm nay, mới đầu giờ chiều đã ra tới bến xe là sớm so với những năm trước. Do vợ chồng tôi mở tiệm làm móng, tóc nên thường đông khách vào ngày cuối năm, ráng thêm ngày cuối để có tiền mua món quà biếu ông bà nội ngoại ngày tết”, anh Hùng vui vẻ nói.
. Theo TTO |