"Tây" với "Tết ta": Đặc sắc nhất là sự sum vầy!
12:46', 26/1/ 2012 (GMT+7)

Có những người bạn ngoại quốc coi Tết Việt là dịp rất đáng mong chờ. Cùng những thắc mắc về suy nghĩ của họ về "Tết ta" thế nào, phóng viên Vietnam+ đã phỏng vấn và ghi nhận những nhận xét, ý kiến riêng của một người bạn Australia, một người bạn Italy và một người bạn Mỹ. Những người không về nước, để ở lại vui... "Tết ta". 

Đó là ông Paul Henderson- Quản lý của Hue Backpackers’ Hostel, ông Egidio Latorraca-Bếp trưởng nhà hàng Angelina của khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội và ông Keith Tacey-thầy giáo dạy tiếng Anh ở Hà Nội.

Ông Paul Henderson: Tết đặc sắc nhất là gia đình sum vầy

Đối với tôi, nét đặc sắc nhất của Tết Việt là gia đình sum vầy. Gia đình thật sự là một phần rất đặc biệt đối với cuộc sống mỗi chúng ta. Nếu hỏi tôi việc ăn uống và nói chuyện rất nhiều của người Việt vào dịp Tết có từng khiến tôi thấy sốt ruột thì tôi trả lời rằng tôi chẳng thấy sốt ruột hay phiền hà gì cả. Trong văn hóa phương Tây của chúng tôi, vào dịp Giáng sinh mọi người cũng tiệc tùng và nói chuyện nhiều thế thôi.

Du khách nước ngoài thăm Đền Ngọc Sơn dịp Tết Nhâm Thìn (Nguồn: TTXVN)
 

Có những người bạn ngoại quốc coi Tết Việt là dịp rất đáng mong chờ. Như người bạn Australia ở Huế không về nước, để ở lại... "Tết ta." 

Ở Australia, năm mới là một dịp mọi người tiệc tùng thịnh soạn. Chúng tôi đều đón chờ năm mới bằng việc đếm ngược thời khắc giao thừa vào nửa đêm. Thường thì dịp này mọi người ai cũng nâng ly chúc tụng nhau và thưởng thức những màn trình diễn pháo hoa đẹp mắt.

Năm nay tôi phải làm việc trong dịp Tết nên tôi sẽ đón Tết ở Huế. Trong những cái kiêng của người Việt như kiêng xin lửa, kiêng tự ý xông nhà, kiêng quét nhà, kiêng cáu giận thì tôi chưa biết về tục kiêng xin lửa. Tôi thích tục chọn để mời một người nào đó là vị khách đầu tiên đến xông nhà để cầu mong may mắn. 

Tôi thấy những tục kiêng đó rất thú vị. Người Việt rất tin vào điều may mắn. Tôi nghĩ, văn hóa phương Tây ít nhiều mất dần niềm tin vào những điều may.

Tôi sẽ không về nước vào dịp Tết Việt. Tuy nhiên, tôi sẽ không đón Tết một mình vì bạn bè của tôi ở đây sẽ mời tôi đến nhà họ để cùng đón Tết. Thế nên, tôi đang mong Tết đến!

Ông Egidio Latorraca: Nhiều dấu ấn truyền thống nên rất thú vị

Tết cổ truyền của người Việt Nam mang nhiều dấu ấn văn hoá truyền thống nên đối với khách nước ngoài rất thú vị. Với tôi, một người Italy cũng vậy.

Một điều làm tôi bất ngờ nhất là đường phố Hà Nội rất yên tĩnh,  không nhiều xe cộ và tất cả các nhà hàng đều đóng cửa. Nét đặc sắc nhất trong Tết cổ truyền của các bạn là rất nhiều món ăn cổ truyền được chế biến cầu kỳ (như bánh chưng, canh măng…), rồi tục xông đất đầu năm cũng rất thú vị.

Tôi biết phong tục mừng tuổi của Việt Nam và có lì xì cho nhân viên của mình. Như ở phương Tây thì chúng tôi tặng quà cho nhau thì ở đây các bạn tặng lì xì để chúc may mắn cho người nhận.

Về những tục kiêng của người Việt tôi nghĩ rằng đã là truyền thống của một dân tộc thì nên luôn tôn trọng. Người Việt có câu“Nhập gia tuỳ tục,” tôi hiểu và luôn cố gắng tuân thủ những điều này.

Tôi đã trải qua hai cái Tết Việt Nam và phần nào biết các bạn ăn Tết thế nào. Như bao khách tha hương khác, cứ mỗi dịp lễ Tết, khi nhìn các gia đình khác sum họp, tôi cũng muốn được về thăm gia đình. Tôi và bạn gái đã có lần ăn Tết ở nhà một người bạn Việt Nam. Năm nay có lẽ chúng tôi sẽ làm tương tự.

Ông Keith Tacey: Thú vị nhất là đi thăm thầy cô giáo cũ 

Tết ở Việt Nam thú vị hơn năm mới ở Mỹ nhiều. Dịp Tết là dịp tôi hiểu nhiều hơn về văn hóa Việt. Tết Việt giống với Giáng sinh ở Mỹ; cả hai đều là dịp sum họp gia đình và hội ngộ bạn bè.

Đối với tôi, điều thú vị nhất của ngày Tết là người ta đi thăm cả thầy cô giáo cũ nữa. Ở Mỹ, chúng tôi không có tình thầy trò khăng khít như vậy đối với giáo viên. Giáo viên chỉ đơn giản dạy chúng tôi một hai năm rồi thì mỗi người một ngả. Ở Việt Nam, vào dịp Tết, tình thầy trò bền lâu thể hiện rõ hơn bao giờ hết.

Vợ tôi là người Việt và việc mừng tuổi người khác cũng khiến tôi tốn kém không ít (cười vui). Tuy vậy, tôi thích cho tiền mừng tuổi hơn là nhận vì tôi thấy hạnh phúc khi đem niềm vui nho nhỏ đến cho người khác.

Năm mới ở nước tôi rất chán. Thường thì chúng tôi ăn mừng năm mới từ 6, 7 giờ tối ngày 31/12 đến sau nửa đêm. Nhiều người ăn mừng và uống bia rượu rất nhiều. Thường thì vào những dịp này tôi ở nhà và xem phim.

Hương vợ tôi (người Hà Nội) và tôi đang chuẩn bị đón đứa con đầu lòng vào dịp Tết. Thế nên chúng tôi sẽ chỉ ở nhà và chuẩn bị mọi thứ. Bố mẹ vợ tôi rất hào hứng bởi vợ tôi sẽ sinh một bé trai vào năm Nhâm Thìn.

Tôi không theo những kiêng kỵ của Tết Việt vì nó mang tính tín ngưỡng. Tuy vậy, tôi thấy các tục kiêng đều khá thú vị về mặt văn hóa.

Tôi thường khuyên các người bạn nước ngoài ở lại Việt Nam đón Tết. Và rằng thông thường thì các bạn người Việt sẽ mời bạn về quê họ đón Tết để bạn trải nghiệm những điều mà bạn khó có thể quên được.

. Theo Vietnam+

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Xuất khẩu 6,5 tỷ USD trong tháng đầu năm 2012   (25/01/2012)
Phản hồi từ doanh nghiệp về chính sách miễn giảm thuế  (25/01/2012)
Năm 2012, giá vàng sẽ ra sao?  (24/01/2012)
Khẳng định vị thế “Bát cơm châu Á”  (24/01/2012)
Hòa hợp dân tộc: Không thể chờ nước chảy đá mòn  (23/01/2012)
Vội vã chuyến xe cuối năm  (22/01/2012)
Chủ tịch nước chúc Tết Đảng bộ và nhân dân TPHCM  (22/01/2012)
Tết vui trên cánh đồng mẫu lớn  (21/01/2012)
Đón năm mới với niềm tin, khí thế và quyết tâm mới  (20/01/2012)
Bộ Công an hướng dẫn cách phòng ngừa và xử lý khi xe cháy nổ  (20/01/2012)
Gia hạn nộp thuế 3 tháng cho doanh nghiệp  (20/01/2012)
Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc  (20/01/2012)
Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước  (19/01/2012)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ  (19/01/2012)
Dự báo thời tiết Tết Nhâm Thìn   (19/01/2012)