|
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Viettel) |
Nhiều dự báo cho rằng, thị trường viễn thông Việt Nam trong năm 2012 tiếp xu thế sáp nhập, giải thể. Bên cạnh đó, nhà nước sẽ đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa để có được một thị trường viễn thông thực sự cạnh tranh.
Thị trường không bền vững
Trong năm 2011, việc “ra đi” của EVN Telecom như một lời cảnh báo đối với các doanh nghiệp về một thị trường viễn thông cạnh tranh hết sức khốc liệt. Câu chuyện “lùm xùm” quanh chuyện mua bán cổ phần của nhà mạng này cuối cùng kết thúc bằng việc Chính phủ quyết định sáp nhập EVN Telecom vào Viettel.
Bên cạnh EVN Telecom, một số doanh nghiệp viễn thông cũng đang gặp khó trong việc thu hút vốn đầu tư, thu hút khách hàng... Một số khác thì dù đã được cấp giấy phép nhưng vẫn chưa thể tung ra dịch vụ của mình. Điều đó báo hiệu một thị trường viễn thông “đang có vấn đề.”
Tại tọa đàm “Triển vọng Viễn thông Việt Nam năm 2012” do Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin tổ chức mới đây, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông), Tiến sĩ Mai Liêm Trực nhận định, 10 năm qua thị trường viễn thông đã có những bước đột phá mạnh mẽ. Giá cước tại Việt Nam thuộc loại thấp trên thế giới và người dân có thể thụ hưởng dịch vụ một cách dễ dàng.
Tuy nhiên, trong vòng hai năm gần đây, thị trường viễn thông Việt Nam đã bộc lộ nhiều yếu tố không bền vững, gây sụp đổ từng bộ phận của thị trường. Sự đầu tư của các doanh nghiệp viễn thông có phần hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp mới ra đời hoạt động khó khăn, có nguy cơ phá sản.
Thực tế cũng cho thấy, một số doanh nghiệp ít thị phần tìm mọi cách để có thể cho ra những gói cước hấp dẫn, phá giá thị trường, gây cạnh tranh không lành mạnh.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng nhận định, ngành viễn thông hiện đã ở giai đoạn bão hòa, thậm chí cả việc cạnh tranh về giá. Bộ này sẽ không cho phép các doanh nghiệp ra các gói cước phá giá thị trường.
Cần sắp xếp lại doanh nghiệp
Lấy ví dụ từ việc EVN Telecom về Viettel, ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm truyền thông và quan hệ công chúng của VNPT cho rằng thị trường viễn thông có ba giai đoạn: độc quyền - cạnh tranh - bão hòa và suy thoái. Việc sáp nhập trên là đúng với quy luật, bởi với thị trường hiện nay, không cấu trúc lại doanh nghiệp thì khó tồn tại.
Phân tích nguyên nhân, ông Mai Liêm Trực cho biết, dịch vụ điện thoại thuần túy đã tiệm cận bão hòa về mật độ, doanh thu trên các thuê bao giảm khiến doanh nghiệp cũng giảm tái đầu tư.
Ngoài ra, hiện Việt Nam có quá nhiều doanh nghiệp viễn thông khiến việc sử dụng tài nguyên tần số, kho số gặp nhiều khó khăn. Băng thông cấp cho nhiều doanh nghiệp thì việc đầu tư sẽ tăng và giá thành sẽ cao.
Nguyên nhân tiếp theo mà ông Trực đưa ra là hầu hết các doanh nghiệp viễn thông đều là doanh nghiệp nhà nước. Hơn 90% tài sản của mạng viễn thông Việt Nam là của nhà nước, 10 năm qua chỉ xã hội hóa được một phần. Bởi vậy, có thể liên tưởng đến câu chuyện của một gia đình có “một ông bố cho các con ăn riêng rồi cạnh tranh với nhau thì chưa thực sự cạnh tranh,” ông Trực nói.
“Khi thị trường không còn tốt như hiện nay, nếu giữ 100% vốn nhà nước thì chắc chắn chỉ còn trụ được 1-2 doanh nghiệp. Trong điều kiện viễn thông 10 năm tới, Chính phủ và Bộ Thông tin Truyền thông cần mạnh tay sắp xếp lại doanh nghiệp và chỉ cần 4 doanh nghiệp lớn,” ông Trực khuyến cáo.
Đồng tình, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho rằng, thị trường viễn thông Việt Nam chưa cạnh tranh đúng nghĩa vì chủ đạo vẫn là doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, ông Hưng cũng đưa ra nhận định thị trường này sẽ tiếp tục diễn ra xu hướng sáp nhập, giải thể. Và chính quá trình này sẽ làm rõ nét màu sắc của nhà nước, ví dụ như việc sáp nhập EVN Telecom vào Viettel vừa qua…
Cũng theo vị lãnh đạo này, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ cương quyết cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để có thị trường cạnh tranh hơn.
. Theo Vietnam+ |