Đại biểu Quốc hội chê gói 29.000 tỷ “chậm, chưa đủ liều”
14:44', 12/6/ 2012 (GMT+7)

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng gói giải pháp chỉ mang tính khích lệ tinh thần.

Tại phiên thảo luận các giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp sáng 12.6, Đại biểu Mai Hữu Tín cho rằng, ngân sách "giải cứu" mỗi doanh nghiệp từ gói này chỉ khoảng 20 triệu đồng trong khi có thể làm tốt hơn thế.

Tại phiên thảo luận Dự thảo Nghị quyết về các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012 sáng nay (12.6), đa phần các đại biểu tán thành gói giải pháp theo đề xuất của Chính phủ, song cho rằng nên triển khai sớm hơn và cần mở rộng phạm vi hỗ trợ hơn so với tờ trình gửi Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền thẳng thắn cho rằng Chính phủ đưa ra gói giải pháp 29.000 tỷ đồng quá chậm. "Nhưng chậm còn hơn không. Nền kinh tế giống cơ thể người, nếu hắt hơi sổ mũi chỉ cần uống thuốc cảm cúm, nhưng nếu để thành bệnh nặng thì có uống sâm cũng khó phục hồi", đại biểu của tỉnh Lâm Đồng ví von.

Đồng tình với nhận xét này, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng gói giải pháp nhìn chung chỉ mang tính khích lệ tinh thần, còn tác động thực tế chưa thực sự nhiều. Gói hỗ trợ về thuế chủ yếu chỉ là hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp, chỉ hình thành và hiện hữu khi doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh và có lãi. Việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế chỉ có tác dụng với doanh nghiệp có lãi mà không tác động tới đại bộ phận đang phải vật lộn với chi phí đầu vào quá cao.

Theo đại biểu Hải, số lượng doanh nghiệp được hưởng gói giải pháp của Chính phủ chỉ chiếm khoảng 30%, trong khi gần 40% doanh nghiệp khác có tiềm năng phát triển và đóng góp tốt nhưng gặp khó khăn nhất thời vì điều kiện khách quan lại không được hỗ trợ.

Do đó, đại biểu đề xuất giảm thuế VAT và kiểm soát giá chặt chẽ với các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa cơ bản làm nguyên liệu đầu vào của sản xuất như điện, than, dầu khí, xi măng, sắt thép; miễn giảm hoặc giãn nộp thuế đối với doanh nghiệp có nhiều hàng tồn kho. "Làm sao để doanh nghiệp được hưởng giảm, giãn, hoãn thuế khi tăng chi tiêu đầu vào, thay vì chỉ được hưởng khi doanh nghiệp có doanh thu và có lãi như gói hỗ trợ hiện nay", đại biểu nhấn mạnh.

Các đại biểu cũng lo ngại mức giãn, giảm thuế 30% cho doanh nghiệp vừa và nhỏ như đề xuất của Chính phủ là chưa đủ "liều" và cần giảm thêm nữa để phát huy tác dụng khi hơn 50% doanh nghiệp hoạt động không có lãi, thua lỗ. Theo tính toán của Chính phủ, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 20% có thể làm ngân sách giảm 25.000 tỷ đồng. Đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương) lại cho rằng dù giảm thuế mạnh hơn nữa vẫn có thể giúp ngân sách tăng. "Chúng tôi cũng hiểu không nên gây rủi ro cho ngân sách nhưng nếu doanh nghiệp chết sẽ là rủi ro lớn hơn cho nền kinh tế. Hơn nữa, giảm thuế tạo động lực để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, từ đó sẽ tăng nguồn thu ngân sách", đại biểu phân tích.

Các giải pháp Chính phủ đã trình, theo ước tính, làm giảm thu ngân sách năm nay khoảng 9.000 tỷ đồng cho 450.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tức chỉ tương đương 20 triệu đồng mỗi doanh nghiệp. "Tôi tin ngân sách của chúng ta có thể hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn thế", đại biểu Mai Hữu Tín nhìn nhận.

Cũng về việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông đề nghị xem lại cách thức phân loại doanh nghiệp. Hai tiêu chí phân loại hiện nay là quy mô tổng tài sản và số lao động bình quân năm, trong đó vốn là tiêu chí ưu tiên. Bất hợp lý là thay vì lấy vốn điều lệ hoặc vốn sở hữu chủ làm cơ sở thì lại sử dụng tổng tài sản, tức bao gồm cả vốn vay, vốn huy động từ các nguồn khác - những yếu tố luôn thay đổi theo hoạt động trong từng thời kỳ - làm cơ sở. Do vậy với một doanh nghiệp có vốn chủ 30 tỷ đồng nhưng nếu tổng tài sản vượt 100 tỷ đồng sẽ không được hưởng việc giảm thuế này.

Mức thuế thu nhập doanh nghiệp 25% hiện nay dù Chính phủ cho rằng không cao nhưng theo đại biểu Hữu Tín, các doanh nghiệp đang phải trả chi phí cao hơn ở một số nước và phải chấp nhận nhiều mức thuế không chính thức nên ngay cả khi giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% thì vẫn cao hơn số thuế thực phải nộp của doanh nghiệp. "Có một số chi phí ở Việt Nam không được thừa nhận như thù lao cho thành viên, mời chuyên gia, nhà quản lý giỏi làm thành viên HĐQT độc lập… Đây là những chi phí hợp lý nhưng chúng ta lại không chấp nhận. Do đó, thuế thu nhập doanh nghiệp thực nộp cao hơn con số danh nghĩa 25%", ông Tín nói.

Tỷ lệ chi phí quảng cáo bị khống chế không quá 10% tổng chi phí. Doanh nghiệp nào chi quá mức này sẽ bị xuất toán. Để cạnh tranh họ vẫn phải chi vượt mức 10% và chấp nhận bị xuất toán. Số lãi thực do vậy thấp hơn số lãi quyết toán với cơ quan thuế. Như vậy, doanh nghiệp đang phải thực nộp số thuế cao hơn 25%.

Trước đó, Ủy ban Tài chính Ngân sách bày tỏ không đồng ý việc giảm thuế khoán, thuế thu nhập doanh nghiệp cho các hộ cá nhân kinh doanh nhà trọ, sinh viên, người trông giữ trẻ. Tuy nhiên, đại diện cho tiếng nói cử tri TP HCM, đại biểu Trương Thị Ánh đề nghị Quốc hội đồng thuận với đề xuất của Chính phủ.

"TP HCM có trên một triệu công nhân, sinh viên đến sinh sống, học tập. Ăn ở là nhu cầu chính đáng nhất với họ, nhất là người lao động nghèo. Qua thực tiễn của TP HCM, nhóm đối tượng này có tác động tốt để sản sinh xã hội. TP HCM đã tổ chức khảo sát, vận động đối tượng kinh doanh cam kết không tăng giá… qua một năm sơ kết, đánh giá đã tạo sự lan tỏa và đồng tình cao của người dân", đại biểu lý giải. Do đó, đại biểu Ánh đề nghị thực hiện chính sách như năm 2011 để đảm bảo vĩ mô, an sinh xã hội.

Trình bày về ý kiến của Ủy ban Tài chính Ngân sách, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho biết đa số ý kiến đồng thuận việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và các giải pháp của Chính phủ. Tuy nhiên, theo ông Hiển, hầu hết ý kiến lại không tán thành việc miễn thuế khoán, thuế thu nhập doanh nghiệp như trong đề xuất vì mức giảm nhỏ, không đáng kể, phạm vi giảm thuế còn hẹp, chưa công bằng giữa các lĩnh vực khác nhau. Một số ý kiến đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân bậc một và giảm thuế VAT để kích thích tiêu dùng.

Đây không phải lần đầu tiên các đại biểu đề nghị Chính phủ tăng liều lượng cho gói "giải cứu" doanh nghiệp. Tại phiên thảo luận chiều 7.6, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết thuế suất VAT cũng như thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam thuộc nhóm trung bình thấp trên thế giới và trong điều kiện ngân sách hạn hẹp hiện nay, nếu giảm theo đề xuất của các đại biểu, Nhà nước có thể thất thu hơn 100.000 tỷ đồng. Vì vậy, các giải pháp giảm thuế, miễn thuế nếu đưa ra phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Tuy nhiên kết thúc phiên thảo luận sáng nay, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của đại biểu. Trong vài ngày tới, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội sẽ phối hợp với các cơ quan chính phủ nghiên cứu đánh giá tác động của những chính sách này đối với kinh tế xã hội cũng như cân đối ngân sách 2012. Trên cơ sở đó sẽ hoàn thiện dự thảo nghị quyết để Quốc hội thông qua ngay cuối kỳ họp này.

Trao đổi với VnExpress.net bên hành lang Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, trong buổi rà soát sắp tới, cũng sẽ cân nhắc cả đề xuất giảm thuế thu nhập cá nhân bậc một để hỗ trợ đời sống người làm công ăn lương.

. Theo VNE

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Loại trừ khả năng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp lợi dụng chức vụ để trục lợi dưới mọi hình thức  (12/06/2012)
Sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn xây dựng nông thôn mới  (12/06/2012)
"Việt Nam sẽ giảm thêm lãi suất 2% trong những tháng tới"  (12/06/2012)
Quốc hội thảo luận giải pháp “cứu” doanh nghiệp  (12/06/2012)
Trang trọng kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Phạm Hùng  (11/06/2012)
Đại biểu Quốc hội ủng hộ bổ sung vốn 5 dự án  (11/06/2012)
Giữ ổn định lãi suất 9% từ nay tới cuối năm  (11/06/2012)
Đánh giá việc quy hoạch, thành lập, hoạt động của các khu kinh tế  (11/06/2012)
Xử phạt 3 cổ đông “ngấm ngầm” thâu tóm cổ phiếu Sacombank  (11/06/2012)
Nên hỗ trợ những doanh nghiệp sản xuất có nhiều lao động  (11/06/2012)
Tuần này, Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ  (11/06/2012)
"Sức hấp dẫn của báo chí chính là nói đúng sự thật"  (10/06/2012)
Kiến nghị tiếp tục giảm giá gas  (10/06/2012)
Ngân hàng thi nhau hạ lãi suất trước giờ G  (08/06/2012)
Phát động cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ Việt Nam-Lào  (08/06/2012)