Hiện vẫn chưa có kết luận nào của ngành chức năng làm rõ động cơ thu mua lá và rễ cây của các thương lái.
Gần đây, tình trạng các thương lái thu mua lá điều khô đã có diễn biến phức tạp tại một số tỉnh trồng điều ở miền Đông Nam bộ. Tuy nhiên, khi các ngành chức năng vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân thì các thương lái lại bỏ đi, thậm chí một số thương lái còn đốt số lượng lá điều đã thu gom, nên tình trạng thu mua lá điều hiện không còn tiếp diễn.
Đặc biệt, tình trạng thu gom lá điều khô đã diễn ra gần 1 tháng nay ở 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Lá điều khô từ bao năm nay không ai dùng để làm gì, nay thương lái mua với giá 700 đồng/kg, do vậy, người dân gom quét vườn, tận thu lá bán cho thương lái.
GS.TS. Ngô Thế Dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Phó Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam cho biết, lá điều khô rụng có ý nghĩa quan trọng trong việc bổ sung dinh dưỡng, giữ ẩm cho đất, là nguồn dưỡng chất tái tạo để nuôi cây điều. Tình trạng tận thu lá điều khô sẽ gây nguy cơ ảnh hưởng xấu đến năng suất:
“Nếu tận thu lá điều khô quá mức sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng của cây điều vì chất hữu cơ cho đất do lá để lại là rất lớn. Nếu tận thu hết sẽ ảnh hưởng đến độ phì nhiêu của đất, ảnh hưởng đến dinh dưỡng của cây điều, từ đó ảnh hưởng đến năng suất. Khi không còn gì che phủ trên mặt đất, nước bốc hơi mạnh và đất sẽ ngày càng trở nên khô cằn” - GS.TS. Ngô Thế Dân cho hay.
Ông Phạm Đồng Quảng, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai đã báo cáo sự việc này với Bộ NN&PTNT; Đồng thời, Sở cũng kiến nghị với chính quyền địa phương để khuyến cáo, ngăn chặn người dân tận thu lá điều khô. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân việc thu mua này của các thương lái.
“Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cũng đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND huyện Định Quán triển khai rà soát việc mua lá điều khô trên địa bàn và phối hợp với Sở Nông nghiệp để thống nhất quản lý. Tránh ảnh hưởng đến sản xuất và đảm bảo ổn định an ninh chính trị. Sở Nông nghiệp cũng đã đề nghị Giám đốc công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị chuyên môn triển khai và đề nghị mặt trận tổ quốc, hội cựu chiến binh, hội nông dân phối hợp, đồng thời giao cho Chi cục Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với địa phương để rà soát nắm tình hình” - Ông Phạm Đồng Quảng cho biết.
Hiện nay, khi thấy cơ quan chức năng vào cuộc tìm hiểu tình hình, các thương lái ngừng thu mua và rời khỏi địa phương. Một số cơ sở thu mua theo đơn đặt hàng cũng đang dồn đống hàng tạ lá khô nhiều ngày nhưng không thấy có người đến chở đi. Riêng tại xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước trước khi bỏ đi, thương lái còn đốt bỏ số lá điều khô mua được.
Trong năm 2012, tình trạng tận thu một số loại cây, rễ, lá như lá vải, rễ sim, lá chu ka… đã diễn ra ở một số địa phương trong cả nước. Cho đến thời điểm này, chưa có kết luận nào của ngành chức năng làm rõ động cơ thu mua lá và rễ cây của thương lái. Tuy nhiên, người dân nên lưu ý cảnh giác để tránh gây mất cân bằng môi trường sinh thái, ảnh hưởng tới môi sinh và sản xuất.
. Theo VOV |