Đổi mới sách giáo khoa và "cải tổ" giáo dục phổ thông
15:34', 13/12/ 2012 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển tại Hội nghị biểu dương phụ nữ ngành giáo dục Cần Thơ

Sau năm 2015 sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau trên cơ sở một bộ chương trình chung. Các sách giáo khoa đều phải được Bộ phê duyệt thì mới có thể đưa vào sử dụng.

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết khi trả lời phỏng vấn phóng viên Vietnam+ bên lề hội thảo “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông- Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào điều kiện ở Việt Nam” vừa được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 10 đến 12.12.2012.

Thưa Thứ trưởng, Bộ đã khởi động cho Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 đến đâu?

- Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển:
Hiện Bộ đang viết đề án để Chính phủ phê duyệt. Nhưng song song với đó, Bộ vẫn chuẩn bị các công việc liên quan đến triển khai cụ thể đề án để hai giai đoạn bổ sung cho nhau.

Bộ đang tập hợp các nhóm nghiên cứu khác nhau. Chương trình được đưa ra tại hội thảo này mới là dự thảo, chưa chính thức và chưa đầy đủ. Bộ còn thu thập thêm ý kiến.

Theo Đề án thì giáo dục phổ thông sau năm 2015 sẽ khác gì so với hiện tại, thưa Thứ trưởng?

- Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Khác nhiều, nhưng cái khác quan trọng nhất là làm thế nào chương trình và sách giáo khoa hỗ trợ giáo viên dạy cho học sinh có năng lực phân tích kiến thức, kỹ năng giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hơn so với hiện nay. Chương trình toàn diện hơn, bổ sung những khiếm khuyết của chương trình hiện nay như hạn chế về giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đạo đức hoặc một số nội dung khả năng tích hợp chưa cao.

Việc tích hợp được coi là một trong những điểm quan trọng của dự thảo chương trình mới sau năm 2015. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cách dạy này sẽ gây khó khăn cho giáo viên và học sinh. Quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào?

- Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển:
Tích hợp sẽ khó dạy hơn vì nó đòi hỏi năng lực hiểu biết, tổng hợp và vận dụng kỹ năng của giáo viên rộng hơn. Những vấn đề trong cuộc sống cũng như trong học tập đều đòi hỏi nhiều kiến thức khác nhau chứ không chỉ riêng một môn nên tích hợp là yêu cầu tất yếu phải làm, khó cũng phải làm, chỉ có điều làm sao cho phù hợp với điều kiện chúng ta hiện nay, tức là nó có tính khả thi.

Tích hợp không phải là việc ghép môn. Ghép môn chỉ là cách làm tích hợp, tạo điều kiện để giáo viên nhìn vấn đề một cách tổng quát. Đó không phải là dạy tích hợp. Đào tạo tích hợp thực ra là đào tạo năng lực vận dụng kiến thức một cách tổng hợp chứ không phải học nhiều hay học ít.

Thay đổi cách dạy và học cần đồng bộ với cách kiểm tra đánh giá vì đánh giá kiểu nào sẽ chi phối việc dạy và học kiểu đó, thưa Thứ trưởng?

- Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển:
Đúng thế. Một khiếm khuyết của chương trình hiện nay là nói đổi mới chương trình dạy học nhưng chưa quan tâm đến đổi mới cách kiểm tra đánh giá. Bộ đã phát hiện ra điều này và đã tích cực sửa trong vài năm gần đây và phải tiếp tục hơn nữa trong những năm tới. Hiện cách kiểm tra đánh giá của mình rất lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới.

Trong dự thảo đổi mới có đề xuất vấn đề trao quyền tự chủ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho các sở giáo dục và giao việc tuyển sinh bậc trung học cơ sở cũng như trung học phổ thông cho các trường. Đây có phải là một trong những hướng đổi mới?

- Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Việc thi phải đổi mới đồng bộ với chương trình và sách giáo khoa nên chưa kết luận được.

Cũng theo dự thảo, sau năm 2015 sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa. Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

- Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Sẽ có một bộ chương trình chung nhưng có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau. Tuy  nhiên, sách giáo khoa đều phải được Bộ phê duyệt thì mới có thể đưa vào sử dụng.

Nhiều ý kiến cho rằng nên rút ngắn thời gian dạy phổ thông. Trong chương trình mới có tính đến yếu tố này không?

- Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Hiện dự thảo của Bộ vẫn để 12 năm. Điều này dựa trên việc nhiều phân tích khác nhau đều cho thấy 12 năm là hợp lý.

Giáo dục sau năm 2015 sẽ có thay đổi gần như trên mọi mặt của giáo dục phổ thông, từ nội dung, sách, cách dạy và học cũng như kiểm tra đánh giá. Việc thực hiện sẽ gặp những khó khăn nào, thưa Thứ trưởng?

- Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển:
Khó khăn có rất nhiều. Khó thứ nhất là người viết chương trình, người viết sách giáo khoa. Thứ hai là vấn đề đào tạo đội ngũ giáo viên để có năng lực giảng dạy thực hiện theo yêu cầu chương trình mới. Đội ngũ giáo viên hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu, thừa - thiếu không cân đối, chế độ chính sách không đảm bảo.

Khó khăn nữa là thời lượng dạy như hiện nay chưa đủ. Cơ sở vật chất trường thiếu thốn, thiếu từ diện tích mặt bằng đến thiết bị dạy học nên điều kiện để thực hiện giáo dục toàn diện cho học sinh là rất khó.

Khó trên nhiều mặt như vậy, Bộ sẽ triển khai thực hiện chương trình mới như thế nào?

- Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Muốn thì muốn nhiều nhưng mình phải xây dựng chương trình phù hợp, không phải phù hợp với hiện tại mà phù hợp với nhiều năm tới, song song với việc nâng cao chất lượng giáo viên. Không thể hy vọng một hai năm mà chúng ta bằng các nước tiên tiến được.

Giáo viên là một mấu chốt quan trọng của đổi mới. Tuy nhiên, chất lượng giáo viên chưa đảm bảo trong khi nguồn giáo viên tương lai cũng không có dấu hiệu tốt lên khi đầu vào sư phạm đang giảm sút khá nghiêm trọng. Bộ làm cách nào để có thể giải quyết mâu thuẫn này?

- Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Giáo viên là lực lượng thực thi đổi mới. Nếu không giải quyết vấn đề giáo viên thì đổi mới sẽ thất bại.

Để nâng chất lượng giáo viên, trước hết, kiến nghị với Đảng và Nhà nước có chính sách phù hợp về thu nhập, đánh giá công bằng, trả lương theo sự cống hiến. Thứ hai là quan tâm bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đang đứng lớp để theo kịp đổi mới. Thứ ba là trong đào tạo đội ngũ sư phạm mới cần xây dựng chương trình phù hợp, đào tạo theo yêu cầu. Như vậy đội ngũ giáo viên sẽ được đổi mới đồng bộ người đã dạy và người đang được đào tạo.

Việc đổi mới chương trình và sách giao khoa nếu được thực hiện thì Bộ dự kiến kinh phí khoảng bao nhiêu?

- Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Hiện chưa có số liệu về kinh phí, nhưng sẽ là kinh phí thường xuyên cộng với chi phí viết chương trình, sách giáo khoa, đào tạo bồi dưỡng giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất...

Đã sắp sang năm 2013 trong khi đề án vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự thảo đổi mới vẫn mang tính sơ bộ. Như vậy, liệu có kịp để triển khai sau năm 2015, thưa Thứ trưởng?

- Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Gọi là sau năm 2015 nhưng không có nghĩa là năm 2016.

Bây giờ Bộ đang tích cực chuẩn bị công việc, khi nào ổn thì triển khai. Bộ đang tính đến phương án không triển khai đồng loạt mà nơi nào đủ điều kiện thì làm trước, nơi nào chưa đủ điều kiện thì làm sau.

Xin cảm ơn Thứ trưởng.

 

. Theo Vietnam+

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chấm dứt tình trạng thu mua lá điều khô  (13/12/2012)
Phạt nặng chủ ô tô, xe máy không nộp phí đường bộ  (13/12/2012)
Năm 2013, thí điểm thực hiện bảo hiểm hưu trí bổ sung  (13/12/2012)
Thưởng Tết Quý Tỵ tại Hepza: Cao nhất 217,4 triệu đồng/người  (13/12/2012)
"Cháy" vé tàu Tết từ Sài Gòn đi các tỉnh miền Trung   (13/12/2012)
Dự báo nhà đất giá thấp bùng nổ  (13/12/2012)
Tháng 5.2013, Quốc hội sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm  (13/12/2012)
Quảng cáo trên báo chí hưởng thuế suất 10%  (12/12/2012)
Ngừng thu tại trạm thu phí nhà nước từ 1.1.2013  (12/12/2012)
TP.HCM: 120 đôi công nhân lên xe hoa ngày 12.12.2012  (12/12/2012)
Năm 2015, 80% người tiêu dùng Việt Nam dùng hàng Việt  (12/12/2012)
Từ 20.12, ga Sài Gòn bán vé tàu Tết trực tiếp tại ga  (12/12/2012)
100% gà thải loại nhập lậu nhiễm tồn dư kháng sinh  (12/12/2012)
Đảm bảo cung cầu hàng hóa dịp Tết  (12/12/2012)
Năm giải pháp “phá băng” bất động sản  (12/12/2012)