Trong tình cảnh kinh tế đầy biến động, các doanh nghiệp từ nhà nước đến tư nhân đồng loạt gặp khó khăn, hệ thống ngân hàng bất ổn, bất động sản đóng băng, nhân viên bị giảm lương cắt thưởng… thì Việt Nam vẫn được coi là bãi đáp an toàn cho các hãng hàng hiệu siêu sang.
Hermes-hãng thời trang đẳng cấp của Pháp, Rolls-Royce – thương hiệu xe siêu sang của Anh, Etihad Airways – hãng hàng không hàng đầu thế giới và nhiều thương hiệu xa xỉ khác đã có kế hoạch đổ bộ vào Việt Nam.
Hãng thời trang dẫn đầu top 10 nhãn hiệu thời trang hàng đầu thế giới Hermes đã khai trương cửa hàng thứ 2 tại Việt Nam. Đích thân chủ tịch Patrick Thomas của hãng thời trang danh tiếng này đã đến TP.HCM để dự lễ khai trương, điều này minh chứng cho tham vọng của Hermes tại thị trường Việt Nam.
Vượt qua các tên tuổi lớn trong hàng thời trang thế giới như Louis Vuitton, Versace, Chanel, Hermes trở thành hãng thời trang xa xỉ nhất do hiệp hội hàng xa xỉ thế giới bầu chọn. Những sản phẩm từ túi xách cho đến quần áo thời trang của Hermes đều là lựa chọn yêu thích của những người nổi tiếng. Nói đến Hermes thì không thể không nhắc đến chiếc túi sách Hermes Berkin - sản phẩm thành công nhất của thương hiệu này với mức giá cắt cổ từ 10.000 – 150.000 USD một chiếc. Những phụ nữ mang trên mình Hermes Berkin dường như luôn muốn nói “tôi là người giàu có và đầy quyền lực”. Đây cũng chính là thông điệp mà giới thượng lưu Việt muốn gửi gắm tới người đối diện.
Năm 2008 cửa hàng Hermes đầu tiên tại Việt Nam xuất hiện ở Hà Nội, cửa hàng này luôn có doanh thu hàng năm từ 20 – 30%. Nhu cầu sử dụng các sản phẩm cao cấp của giới siêu giàu Việt ngày càng tăng cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường đã khiến Hermes luôn muốn đẩy mạnh phát triển tại Việt Nam.
Không lâu sau sự xuất hiện cửa hàng Hermes tại TP.HCM, Etihad Airways hãng hàng không sang trọng bậc nhất thế giới cho biết sẽ xúc tiến thị trường để mở đường bay thẳng từ Abu Dhabi đến TP.HCM và sẽ mở văn phòng đại diện tại Việt Nam vào năm 2013. Etihad là hãng hàng không quốc gia các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, nổi tiếng với các máy bay khổng lồ cùng những khoang siêu sang có giá ngất ngưởng 14.000USD - 16.000 USD mỗi ghế. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Etihad Airways, ông James Hogan, cho biết: “Giống như Abu Dhabi, TP.HCM là một thành phố sôi động, văn hóa đa dạng và luôn rộng mở với khách du lịch và tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Với những đặc trưng của Việt Nam, chúng tôi tin Việt Nam sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn cho những người có nhu cầu nghĩ dưỡng cũng như tìm kiếm cơ hội kinh doanh trên toàn thế giới”. Ông Hogan cũng nhận định TP.HCM là một điểm đến rất quan trọng cho tương lai phát triển của hãng hàng không danh tiếng này.
Giống như thị trường thời trang và hàng không, trong mắt các thương hiệu siêu xe, siêu sang thì Việt Nam luôn là thị trường tiềm năng. Nhà phân phối xe BMW tại Việt Nam cho biết hai thương hiệu Rolls-Royce và Mini của tập đoàn BMW sẽ có mặt tại Việt Nam trong vòng 1 năm tới. Dù thị trường xe hơi hiện nay gần như đóng băng nhưng các dòng xe cao cấp vẫn được ưa chuộng và duy trì được doanh số.
Rolls-Royce cho biết họ đặt mục tiêu tiếp cận giới triệu phú ở các thị trường mới nổi như Châu Á, Nam Mỹ cụ thể là Chi Lê, Thái Lan và Việt Nam, theo đó Rolls-Royce sẽ tăng số lượng đại lý từ 105 lên 120 trong vòng 5 năm tới.
Hiện nay, dù chưa có đại lý chính thức nhưng đã có khoảng 60 xe Rolls-Royce tại Việt Nam với đủ các phiên bản khác nhau, trong đó có 4 trong tổng số 33 chiếc phiên bản Rồng trên toàn thế giới. Nói về độ chịu chơi của đại gia Việt, một trang báo quốc tế đã đăng ảnh một chiếc Rolls-Royce trên đường phố để minh họa cho sự giàu lên nhanh chóng tại Việt Nam.
Trong số 60 chiếc Rolls-Royce, chỉ có 1 chiếc được nhập về một cách chính thống, số còn lại đều về nước theo con đường ngoại giao hoặc xe đã qua sử dụng. Điều này chứng tỏ tiềm năng thực sự của thị trường xe hơi hạng sang Việt Nam. Độ chịu chơi và chịu chi của người Việt là một nguyên nhân quan trọng khiến cho các thương hiệu siêu xe như Rolls-Royce, Lexus, Ferrari đặt Việt Nam trong tầm ngắm.
. Theo VNN |