Đây là khảo sát của Tổng hội Y học Việt Nam đưa ra tại hội thảo tăng cường tính chuyên nghiệp cho người hành nghề y vừa được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh. Theo đó, khoảng 20% bác sĩ chỉ hỏi bệnh tình và kê đơn thuốc mà không hề khám, chẳng tư vấn cho người bệnh.
GS-TS Phạm Thị Minh Đức - Tổng hội Y học Việt Nam - cho biết, nhiều nhân viên y tế không hết lòng với các bệnh nhân. Chỉ có 40% số BS hỏi bệnh và khám đầy đủ cho bệnh nhân. 40% số BS thì bệnh nhân khai đau ở đâu là khám ở đó và số còn lại chỉ khám sơ sài hoặc không khám cho người bệnh nhưng vẫn xác định bệnh và kê đơn.
|
Quá tải luôn là lý do để các bác sĩ biện minh cho việc khám sơ sài |
“Có người quan niệm nhiều sinh viên thi vào chuyên khoa này, chuyên khoa kia để có thu nhập cao. Điều đó nhận thức lệch lạc về nghề nghiệp là cứu người. Người khoác áo blouse ngày nay cần phải rèn luyện thêm tâm tài đức. Chính vì sức ép công việc, quá tải lớn nên nhiều nhân viên y tế thiếu quan tâm, chia sẻ với người bệnh ” – GS-TS Minh Đức nhấn mạnh.
Một thực tế đang tồn tại ở các BV tuyến trên tại VN đó chính là sự quá tải trầm trọng. Chỉ tính riêng tại 2 BV nhi là Nhi Đồng 1 và 2 ở TPHCM mỗi ngày tiếp nhận khoảng 10.000 – 12.000 lượt khám và điều trị thì chắc chắn việc khám kỹ theo đúng quy định mà Bộ Y tế đưa ra không dễ thực hiện được. Cũng theo GS-TS Minh Đức, mỗi ngày một BS đảm nhận khám cả trăm bệnh nhân thì làm sao khám kỹ được. Trong 5 phút chỉ cần ghi toa cho người bệnh thôi thì BS cũng đã quá mệt đó là chưa nói đến thời gian khám. Chính vì điều này khiến người bệnh khó có thể hài lòng với BS và tạo khoảng cách khá xa giữa thầy thuốc và người bệnh.
Một thực tế khác đáng báo động chính là nhiều BS không chịu cập nhật kiến thức chuyên môn và tự bằng lòng với những gì mình đã được học trước đây. BS Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán y khoa Medic TPHCM - cho rằng: “Kiến thức, kỹ thuật y khoa thay đổi liên tục, hai đến ba năm là đổi khác xa rồi. Tuy nhiên, ở ta có bất cập là, có những BS sau khi ra trường rồi và cả đời không bao giờ được đào tạo lại để cập nhật kiến thức chuyên môn mới, những BS này có thể làm hại người bệnh, giết bệnh nhân hơn là điều trị!”.
Thông tư 07/2011/TT- BYT quy định: Người bệnh là trung tâm của công tác chăm sóc nên phải được chăm sóc toàn diện, liên tục, đảm bảo hài lòng, chất lượng và an toàn. Mặc dù đã có thông tư quy định, tuy nhiên trên thực tế, hàng loạt các tai biến, sai sót y khoa liên tục xảy ra thậm chí có nhiều sai sót không đáng có.
GS-TS Trần Quỵ cho rằng: “Nhầm lẫn trong y khoa gây hậu quả nghiêm trọng đối với người bệnh. Trong đó gần 50% sự cố y khoa có thể phòng ngừa được”.
Nhiều ý kiến cho rằng, để hạn chế tối đa sai sót y khoa, các BS phải đặt y đức lên hàng đầu. Đừng nên đặt quyền lợi cá nhân hơn sức khỏe người bệnh. Cần chú ý việc đào tạo giao tiếp trong các trường y. Thậm chí, đừng đổ lỗi cho quá tải, nếu nằm 2 - 3 người trên một giường nhưng BS quan tâm, cư xử có tình lý thì không hà cớ gì người bệnh phàn nàn.
. Theo Lao Động |