|
Liệu số phận các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập sau này sẽ ra sao? |
Trước những "thất bát" chưa từng có của mùa tuyển sinh năm 2012, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập mới đây đã cùng ngồi lại để tìm cách tháo gỡ những khó khăn ngày càng trở nên trầm trọng từ vài năm gần đây, hy vọng sẽ tồn tại được cho tới khi có những đổi mới về tuyển sinh theo lộ trình của Bộ GD-ĐT.
Dăm năm nữa sẽ "tự chết"?
Vấn đề lớn nhất đối với các trường ngoài công lập thời gian gần đây là sự thiếu vắng thí sinh (TS). Có trường chỉ tuyển được dăm ba chục sinh viên (SV) trong khi chỉ tiêu lên tới hàng nghìn. Trường ĐH DL Hải Phòng mọi năm chỉ cần xét tới nguyện vọng 2 là đủ chỉ tiêu nhưng năm nay chỉ đạt 50%, có nhiều ngành đào tạo đứng trước nguy cơ đóng cửa vì thiếu người học. Nhiều lãnh đạo trường đã bức xúc cho rằng đây là hậu quả của sự bất công rất lớn giữa các trường công lập và ngoài công lập, nhất là khi sử dụng hình thức thi "ba chung", đặc biệt là quy định về điểm sàn. Có ý kiến lý giải cho việc các trường tư không tuyển được SV là do các trường công đã hạ chỉ tiêu tuyển sinh tới mức điểm sàn, rồi tuyển cả CĐ, khiến chẳng còn lấy đâu ra TS cho trường ngoài công lập.
Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà, ông Đặng Hữu cho rằng: Nếu năm tới vẫn tiếp tục tiến hành hình thức thi và xét tuyển như cũ, sẽ có nhiều người mất cơ hội được học khi không đạt một mức điểm nhất định. Thực tế cho thấy có những em không đạt điểm chuẩn nhưng học rất tốt, ngược lại có những em đạt điểm chuẩn nhưng lại không học được. Học sinh có điều kiện đi học lại không cho học là điều hết sức vô lý. Bà Nguyễn Kim Phương, Chủ tịch HĐQT Trường CĐ Asean phát biểu: Trong khi trường công được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, trường tư không được hỗ trợ gì và lại bị nhiều quy định ràng buộc. Việc người muốn học không được học, các trường muốn dạy mà không được, đồng nghĩa với sự lãng phí lớn về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên… Nhiều thành viên Hiệp hội đồng tình với khuyến cáo của ông Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ ĐH, nay là Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục ĐH của Hiệp hội, rằng cứ như thế này, dăm ba năm nữa, hệ thống các trường ngoài công lập sẽ tự "chết".
Bộ đã quá vô cảm?
Trước những khó khăn của trường ngoài công lập, nhiều lãnh đạo trường đồng tình với ý kiến của ông Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội: Bộ GD-ĐT đã quá "vô cảm" khi cho rằng TS không ngó ngàng tới trường ngoài công lập là bởi vấn đề thương hiệu. TS thà nghỉ một năm thi sang trường khác hoặc ra nước ngoài học chứ không chịu vào trường tư.
Về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường ĐH Phương Đông - Bùi Thiện Dụ thẳng thắn: "Bộ yêu cầu các trường công khai, minh bạch, vậy Bộ cũng phải làm như vậy. Bộ hãy công bố số người đạt điểm sàn theo các khối thi, xem hiện nay họ đang ngồi ở đâu? Tôi cho rằng, chỉ một phần nghìn số họ đi học ở nước ngoài, số ở nhà chờ thi năm sau vào trường họ thích cũng chỉ tới hai phần nghìn. Vậy số còn lại, nếu họ vẫn ngoài xã hội, không thèm vào trường tư thì đó đúng là do vấn đề thương hiệu, chúng tôi không thắc mắc. Nhưng nếu họ lại đang ngồi trong các trường công lập thì đó là do điểm sàn xác định không đúng". Theo tính toán của ông Dụ: hiện nay Bộ xác định 85% số lượng SV học trường công lập, 15% học ngoài công lập. Nhưng chỉ cần trong mùa tuyển sinh các trường công lập gọi TS trúng tuyển dư ra với hệ số an toàn là 10% thì đã hết luôn phần của trường ngoài công lập. Vậy các trường ngoài công lập không thiếu người học mới là chuyện lạ.
Ông Lê Viết Khuyến cũng khẳng định: "Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với Bộ xem những chính sách mà họ đưa ra đã đúng chưa? Bộ vẫn cho rằng đề thi của Bộ ra là chính xác. Thế nhưng tại sao Bộ lại không công bố rộng rãi thống kê điểm của TS theo từng khối? Năm ngoái, tôi có xem được một thống kê chung cho cả 4 khối, theo đó, phổ điểm cao nhất là 7-8 điểm, vậy mà điểm sàn lại lên tới 13-14. Bộ yêu cầu công khai hóa, chúng tôi cũng đề nghị Bộ công khai xem đề thi có chuẩn hay không. Bộ năm nào cũng thế, cứ "phang" ra điểm sàn, tự cho đó là chuẩn".
Ông Lê Viết Khuyến đề nghị, về chủ quan, chính các trường nên mạnh dạn đẩy mạnh khâu kiểm định chất lượng, để công khai hóa chất lượng. Về khách quan, Bộ GD-ĐT cần xem xét lại các chính sách. Trong tuyển sinh, Bộ cần công khai phổ điểm từng môn thi, tổng 3 môn thi theo khối, chứ không nên úp mở. Nếu đề không bảo đảm được tính khách quan, làm cho điểm sàn không có ý nghĩa gì cả thì đề nghị bỏ điểm sàn. Bộ mà tiếc rẻ điểm sàn thì phải lấy từ đỉnh phổ (ví dụ năm ngoái lẽ ra là 7-8 điểm thay vì 13-14 điểm). Bên cạnh đó, cần có quy định về vùng tuyển, thời gian tuyển cho từng loại trường.
Ngoài ra, để không lãng phí nguồn nhân lực và tạo nguồn TS cho các trường, nhiều ý kiến đề nghị được mở lớp dự bị ĐH cho những TS dưới điểm sàn, sau đó sẽ cho các em thi vào ĐH.
. Theo HNMO |