Bộ trưởng NN-PTNT: "Chúng tôi đang làm hết sức"
14:40', 24/12/ 2012 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát

An toàn thực phẩm luôn là vấn đề thời sự được người dân quan tâm. Đặc biệt, khi Tết cổ truyền dân tộc sắp đến vấn, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm càng làm cho người dân lo lắng... Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để người dân có được các bữa cơm an toàn? Làm sao để người dân an tâm hơn với chất lượng của các loại thực phẩm?

Các biện pháp để hạn chế tối đa tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản? Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát giải đáp những thắc mắc này của người dân trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, cứ mỗi dịp Tết đến, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lại được quan tâm hơn bao giờ hết. Trong khi đó thời gian gần đây, người dân hết sức hoang mang về việc thực phẩm độc hại từ rau củ quả đến các loại thịt, thủy hải sản xảy ra ở nhiều địa phương. Vậy Bộ trưởng chia sẻ nỗi lo này như thế nào với người dân và Bộ có cách gì để hỗ trợ, tạo niềm tin trở lại của người dân trước thực trạng hiện nay?

Bộ trưởng Cao Đức Phát:  Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhân dân luôn là vấn đề lớn mà các cơ quan của Chính phủ, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất quan tâm triển khai thực hiện. Thời gian vừa qua việc thực hiện cũng đã có nhiều cố gắng nhất là sau khi Quốc hội ban hành Luật An toàn vệ sinh thực phẩm.
 Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp xảy ra tình trạng trong thực phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rồi kháng sinh, thậm chí chất cấm và thông tin được truyền tải đến nhân dân cũng nhiều bà con cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Xin khẳng định là chúng tôi đang lắng nghe và đang làm hết sức mình để thực hiện điều mà nhân dân mong đợi.
Trước tình hình thực tế như hiện nay, chúng tôi rất mong bà con theo dõi và chủ trương của Bộ là chỉ đạo toàn bộ hệ thống các cơ quan chức năng thực hiện những công việc cần thiết đảm bảo an toàn, nhưng mặt khác thì liên tục tổ chức kiểm tra, giám sát và công bố công khai để nhân biết thực tế tình hình như thế nào.
Hàng năm chúng tôi liên tục chỉ đạo lấy mẫu xét nghiệm và công bố và đến nay thì kết quả cho thấy đối với các loại rau quả thì tình hình có khác nhau vào các thời điểm khác nhau. Về sử dụng chất cấm thì có thời điểm người chăn nuôi đã sử dụng khá nhiều và khi cả xã hội lên tiếng, các cơ quan chức năng vào cuộc thì tình hình đã được cải thiện. Những xét nghiệm gần đây cho thấy dư lượng thuốc kháng sinh trên thực phẩm đã giảm xuống trung bình ở mức 0,4%- 3,8%. Tuy nhiên lượng vi sinh vật ở trong thịt còn cao, có nơi đến 30%, trong cá là 6,6%.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, trong dịp Tết Nguyên đán, Bộ đang làm gì để đảm bảo cho người dân có được những bữa cơm an toàn?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Vào dịp Tết thì nhu cầu tiêu dùng lương thực thực phẩm của nhân dân tăng cao. Chúng tôi đã có chỉ thị đến tất cả các cơ quan chức năng thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp với các Bộ ngành và các địa phương gia tăng những biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm cho nhân dân.
Công tác thực hiện bao gồm cả từ khâu tuyên truyền phổ biến luật pháp, quy trình kỹ thuật, kiểm tra giám sát đối với cả thực phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu. 

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phụ gia, chất bảo quản trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự mất an toàn trong thực phẩm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Bộ đã có cách gì để kiểm soát tình trạng này?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Những biện pháp chính mà hiện nay chúng tôi đang triển khai thực hiện đó là: Thứ nhất là xây dựng hành lang pháp lý không chỉ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà còn cả các địa phương bà con nông dân, doanh nghiệp cùng triển khai thực hiện. Trong đó khuyến khích những người làm tốt và cũng chỉ đạo các cơ quan kỹ thuật hướng dẫn cho nông dân, doanh nghiệp làm ra sản phẩm an toàn hơn. Đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ để bà con nông dân, doanh nghiệp làm được điều đó thuận lợi hơn.
Ví dụ như phổ biến quy trình sản xuất tốt trong nông nghiệp, mặt khác chúng tôi tổ chức hệ thống giám sát chất lượng của các loại nông sản bao gồm hàng hóa nhập khẩu và giám sát hàng hóa sản xuất trong nước. Những kết quả giám sát chúng tôi chủ trương công bố công khai để nhân dân biết rõ tình hình để có phản ứng phù hợp.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, nước ta là nước nông nghiệp nhưng quá trình hiện đại hóa hệ thống nông nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn bạc. Người dân có thể mua thuốc bảo vệ thực vật ngay tại nhà với giá rất rẻ nhưng việc quản lý kiểm soát thì chưa được siết chặt. Ý kiến của Bộ trưởng như thế nào về vấn đề này?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Nông nghiệp của nước ta hiện nay chủ yếu là những hộ nông dân nhỏ sản xuất nên việc kiểm soát chất lượng có những khó khăn. Trong đó chúng tôi cũng tổ chức kiểm soát việc nhập khẩu cũng như sản xuất các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón phải đảm bảo chất lượng và phù hợp để tạo ra những sản phẩm an toàn, hướng dẫn cho nhân dân áp dụng quy trình sản xuất. Tôi thấy rằng những việc này là gốc của vấn đề để tạo sản phẩm an toàn. Tuy nhiên, vẫn phải liên tục kiểm tra, giám sát.

Phóng viên: Câu chuyện rau quả chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, gà thải loại nhập vào Việt Nam trong thời gian qua diễn ra trong khoảng thời gian dài và dư luận cho rằng xử lý còn chậm. Nhiều ý kiến còn băn khoăn rằng, tại sao Bộ không có những cảnh báo trước đó với người dân. Bộ trưởng có ý kiến như thế nào và trách nhiệm của Bộ đến đâu trong việc này?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Chúng tôi xin tiếp thu những ý kiến của nhân dân để cố gắng làm tốt hơn. Riêng đối với việc nhập lậu gia súc gia cầm qua biên giới thì chúng tôi đã và đang phối hợp với các Bộ ngành và các địa phương một cách chặt chẽ hơn để giải quyết. 
Vừa qua trước tình trạng có số lượng lớn gà thải loại nhập lậu qua biên giới, các Bộ ngành vào cuộc cùng với các địa phương và tình trạng đã được kiểm soát tốt hơn. Nếu chúng ta làm quyết liệt thì tình trạng có thể được kiểm soát.
Thứ hai là việc nhập khẩu chính ngạch các loại nông sản thực phẩm vào nước ta thì chúng tôi đã ban hành những văn bản pháp quy để tổ chức giám sát từ xa; tăng cường giám sát ở cửa khẩu.
Trong 2 năm qua chúng tôi đã yêu cầu các nước xuất khẩu nông sản vào Việt Nam phải thực hiện các yêu cầu mà chúng ta đưa ra phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế.

Phóng viên: Cũng có ý kiến là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa chủ động nhiều trong việc xử lý hàng nông sản thực phẩm nhập khẩu như rau củ quả, thịt có chất độc hại. Vậy Bộ trưởng có đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Sau khi có Luật An toàn thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao trách nhiệm là giám sát chất lượng và an toàn thực phẩm đối với nhiều loại nông sản thực phẩm nhập khẩu thì lúc đó chúng tôi mới triển khai thực hiện. Tuy nhiên cũng phải có thời gian để có thể xây dựng và vận hành bộ máy một cách hiệu quả.
Hiện nay chúng tôi đang rất cố gắng để thực hiện việc đó. Chúng tôi thấy rằng yêu cầu của nhân dân rất chính đáng và với trách nhiệm của mình, chúng tôi cần phải làm tốt hơn để đáp ứng yêu cầu của nhân dân.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, thời gian tới chúng ta sẽ có những phương cách gì để hạn chế tình trạng nhập khẩu khá nhiều những thực phẩm như rau củ quả, thịt có chất độc hại gây hoang mang cho người dân?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Thời gian vừa qua chúng ta đã nhập khẩu số lượng khá lớn rau quả, thịt từ nước ngoài và chúng tôi đã tổ chức kiểm tra giám sát. Về cơ bản các loại nông sản thực phẩm này đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế cũng như Việt Nam. Tuy nhiên những mặt hàng nhập khẩu vi phạm thì chúng tôi đã xử lý theo luật pháp. Có nhiều trường hợp chúng tôi đã yêu cầu trả lại nước xuất khẩu.
Có trường hợp nhập khẩu tiểu ngạch thì có phát hiện một số trường hợp dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép và chúng tôi đã thông báo cho các nước liên quan về tình trạng đó để phối hợp xử lý.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, tình trạng mất vệ sinh trong giết mổ, vận chuyển gia súc gia cầm cũng là một trong những nguyên nhân làm mất an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm. Bộ trưởng nghĩ sao về con số tới hơn 90% điểm giết mổ ở miền Bắc không được kiểm soát và tình trạng xe máy chở các động vật đã được giết mổ đi lại tự do trên đường mà không cần phải bảo quản gì cả? Bộ có cách gì kiểm soát hay chưa?.

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Về mặt luật pháp thì chúng ta đã có những quy định phải giám sát việc giết mổ gia súc gia cầm. Những nơi giết mổ phải đáp ứng những điều kiện nhất định cũng như khi vận chuyển sản phẩm động vật đã được giết mổ phải có điều kiện. Tuy nhiên ở một số địa phương miền Bắc tới 90% cơ sở giết mổ chưa được giám sát cũng như tình trạng vận chuyển không đáp ứng yêu cầu như báo chí và bà con cũng thấy.
Điều này cho thấy việc thực hiện quy định của luật pháp chưa được nghiêm. Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các địa phương một mặt gia tăng việc kiểm tra đôn đốc thực hiện các quy định của luật pháp, nhưng mặt khác cũng đề xuất để ban hành những chính sách khuyến khích những cơ sở giết mổ quy mô công nghiệp có điều kiện thực hiện an toàn thực phẩm tốt hơn.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng xin được quay trở lại với câu chuyện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông lâm thủy sản. Chúng ta mới nói đến câu chuyện nhập khẩu nhưng chưa nói đến câu chuyện xuất khẩu. Thưa Bộ trưởng năm vừa rồi các mặt hàng hàng nông lâm thủy sản của chúng ta được nước ngoài kiểm soát rất chặt. Ví dụ như rau thơm đi các nước châu Âu hay xuất khẩu tôm sang Nhật Bản thậm chí có những lô hàng bị trả về vì nước bạn cho rằng sử dụng chất cấm chưa hợp với thị trường của nước bạn. Nhiều ý kiến cho rằng năm nay là năm báo động với thủy sản xuất khẩu nếu không có các giải pháp triệt để. Vậy Bộ trưởng đánh giá như thế nào về tình trạng này?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Những yêu cầu của nước nhập khẩu về an toàn thực phẩm là vấn đề mà chúng ta thường xuyên quan tâm. Chính vì vậy việc xuất khẩu nông sản của nước ta đã gia tăng rất mạnh mẽ. Năm nay trong điều kiện có nhiều khó khăn thì nước ta vẫn xuất khẩu nông lâm thủy sản với tổng kim ngạch khoảng 27 tỷ USD vào hơn 100 nước trên thế giới. Điều đó cho thấy việc kiểm soát an toàn thực phẩm của nước ta làm khá tốt, đáp ứng các yêu cầu của quốc tế.
Tuy nhiên đã xảy ra một số trường hợp nước nhập khẩu có cảnh báo phát hiện một số lô hàng có vi phạm yêu cầu. Một mặt chúng tôi đã cho kiểm tra để có sự điều chỉnh ở trong nước từ khâu sản xuất trên đồng ruộng, chuồng trại, ao nuôi tới khâu chế biến vận chuyển đóng gói để phát hiện ra những khâu dẫn đến vi phạm đó để chấn chỉnh nghiêm túc. Mặt khác nữa thì cũng có những trường hợp nước nhập khẩu đưa ra tiêu chuẩn quá cao so với thông lệ quốc tế và chúng tôi đã liên hệ đàm phán giải quyết theo thông lệ quốc tế. 

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng đã tham gia chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời.

. Theo VOV

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thu nhập dưới 9 triệu sẽ được mua nhà xã hội  (24/12/2012)
Giáng sinh vui tươi, an lành  (24/12/2012)
Khánh thành công trình Thủy điện Sơn La  (23/12/2012)
Từ 24.12, giảm thêm 1% các mức lãi suất cơ bản  (22/12/2012)
Thị trường lịch Tết giảm giá đến 40% vẫn ứ đọng  (22/12/2012)
Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập: Có “trụ” được tới khi đổi mới?  (22/12/2012)
Giá điện lại tăng thêm 5%  (21/12/2012)
Biệt thự ở Đà Nẵng rẻ hơn căn hộ  (21/12/2012)
Miễn tiền thuê đất xây bãi đỗ xe của DN vận tải hành khách công cộng  (21/12/2012)
Miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên ngoài công lập  (21/12/2012)
Con tàu hòa bình của Hải quân VN  (21/12/2012)
Ngân hàng sắp hạ lãi suất?  (21/12/2012)
Ê hề bia tết  (21/12/2012)
Giá xăng dầu đã rất công khai, minh bạch  (21/12/2012)
Cục chăn nuôi lên tiếng việc nuôi chồn nhung đen  (20/12/2012)