|
Ông Đào Văn Hưng bị nhiễm nhiệm chức Chủ tịch EVN vì để doanh nghiệp thua lỗ |
Ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch EVN, bị Thủ tướng miễn nhiệm vì trong quá trình điều hành tập đoàn đã để xảy ra thua lỗ như thể hiện trong kết quả sản xuất kinh doanh tại Công ty điện lực viễn thông (EVN Telecom).
Chiều 4.2, trong cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định miễn nhiệm ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vì trong quá trình điều hành tập đoàn này, ông Hưng đã để xảy ra một số vụ việc như báo chí đã biết và thông tin. Đơn cử như kết quả sản xuất kinh doanh tại Công ty điện lực viễn thông (EVN Telecom) không tốt.
Bộ trưởng Đam cho biết, ông Hưng sẽ về công tác tại Bộ Công Thương, vị trí cụ thể sẽ do Bộ trưởng Bộ Công Thương phân công.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, việc miễn nhiệm ông Đào Văn Hưng được thực hiện theo quy định quản lý cán bộ của Đảng và nhà nước. “Việc ban hành quyết định một cán bộ thôi nhiệm vụ này chuyển sang làm nhiệm vụ khác là công việc bình thường. Riêng ông Đào Văn Hưng bị miễn nhiệm do những lý do đã nêu ở trên”, ông Đam nói.
“Với tình hình tài chính như vậy, đương nhiên phải làm rõ trách nhiệm của những cán bộ lãnh đạo chủ chốt doanh nghiệp mà đứng đầu là Chủ tịch HĐTV. Còn trách nhiệm cụ thể của ông Hưng và những người có liên quan đến đâu sẽ do Ban cán sự Đảng Bộ Công thương xem xét” - Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết thêm.
Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, HĐTV EVN đã họp và quyết định giao cho ông Phạm Lê Thanh - Tổng giám đốc EVN - tạm thời đảm nhiệm chức vụ của ông Hưng.
Ông Đào Văn Hưng được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị EVN từ tháng 10-2007 sau nhiều năm giữ chức vụ Tổng giám đốc Tập đoàn này. Khi EVN chuyển đổi mô hình hoạt động thành Công ty TNHH Một thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ông Hưng tiếp tục được Thủ tướng phê chuẩn giữ chức Chủ tịch HĐTV.
Từ khi ông Hưng giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT EVN, Tập đoàn này đã có những quyết định đầu tư vào các ngành nóng là chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, viễn thông với tổng vốn đầu tư trên 2.100 tỷ đồng, chiếm 3,27% vốn chủ sở hữu.
Đáng lưu ý là các quyết định đầu tư này được thực hiện trong thời điểm EVN không có đủ vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh điện và liên tục đòi tăng giá điện để lấy vốn đầu tư.
Đến năm 2009-2010, nhiều dự án đầu tư ngoài ngành của EVN đều bị thua lỗ và nặng nhất là viễn thông. Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 31.12.2010, các khoản đầu tư tài chính dài hạn của công ty mẹ EVN lên tới gần 50.000 tỷ đồng, trong đó chiếm gần 90% là vào những công ty con nhưng tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư chỉ đạt hơn 1%.
Riêng ở lĩnh vực viễn thông, năm 2010, doanh thu của EVN Telecom chỉ đạt hơn 2.000 tỉ đồng nhưng lỗ hơn 1.000 tỉ đồng. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của EVN Telecom đã lên đến 5,1 lần, trong đó nợ phải trả là 7.760 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu là 1.586 tỉ đồng, gần như không có khả năng cân đối toàn bộ chi phí vận hành, chi phí đầu tư mạng lưới, các khoản vốn và lãi vay cho các dự án đầu tư.
. Theo NLĐ |