Tiến sỹ Việt Nam đầu tiên về Hoàng Sa, Trường Sa
15:7', 7/2/ 2012 (GMT+7)

Luận án Tiến sỹ khoa học của Tiến sỹ Nguyễn Nhã đã khẳng định thêm một lần nữa chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Vào những ngày cuối cùng của năm Tân Mão, những du khách đến tham quan hội chợ tại Nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM) rất ấn tượng với một chương trình biểu diễn ca trù và hát thơ về các món ăn của Việt Nam kéo dài trong nhiều ngày. Nhưng có lẽ người tổng chỉ huy của chương trình ấy mới thực sự ấn tượng hơn cả. Ông là Tiến sỹ Nguyễn Nhã, là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ về quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

“Dũng sỹ học thuật”

Năm 63 tuổi, ở độ tuổi mà những người cùng trang lứa đã “nghỉ ngơi” vui vầy cùng con cháu thì Nguyễn Nhã mới bắt tay vào việc bảo vệ luận án Tiến sỹ với đề tài “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Ngay từ năm 26 tuổi, vừa tốt nghiệp 2 trường Đại học Sư phạm và Văn khoa, Nguyễn Nhã làm chủ bút tờ Tập san Sử địa vào năm 1966. Rồi chỉ sau đó 9 năm, chàng thanh niên này đã tổ chức một triển lãm chuyên đề trưng bày tư liệu, hình ảnh khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa ở Thư viện Quốc gia. Vì thế, cái duyên của ông với Trường Sa và Hoàng Sa đã gắn kết ông với đề tài mang tầm quốc gia này.

Hôm bảo vệ Đề cương Luận án cũng có ý kiến cho rằng đề tài này phải là đề tài cấp quốc gia mới làm nổi. Song, với kinh nghiệm của một người nghiên cứu chuyên sâu về Trường Sa, Hoàng Sa, ông đã bảo vệ với luận điểm: Cá nhân nghiên cứu cũng có mặt mạnh riêng, nhất là vấn đề học thuật. Với những lý lẽ riêng và bằng vốn kiến thức sâu rộng của một nhà sử học, đặc biệt là với cái tâm trong sáng của một người suốt đời dành cho học thuật, Nguyễn Nhã đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ vào năm 2003. Và có một câu chuyện vui đến giờ TS Nguyễn Nhã mới chia sẻ sau khi ông bảo vệ luận án. Đó là việc mọi người ghi nhận ông như một “dũng sỹ học thuật”, dám vượt qua nhiều thử thách và kiên định theo đuổi đề tài đến cùng. PGS.TS Huỳnh Lứa đã nói với ông rằng “Bản thân anh đã dũng cảm mà ngay người nhận hướng dẫn cũng dũng cảm không kém”. Sau này khi bảo vệ thành công, một luật sư của Công ty Mai Linh đã đến nhà tặng TS Nguyễn Nhã chữ Dũng được lồng khung kính hiện ông vẫn treo ở nhà.

Chưa một lần đến vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa

Điều đặc biệt, cho dù nghiên cứu rất sâu về Trường Sa và Hoàng Sa, thậm chí đã trở thành người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ về quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Trường Sa, Hoàng Sa nhưng Tiến sỹ Nguyễn Nhã chưa một lần đặt chân tới 2 vùng biển này. Do đề tài chỉ “khoanh vùng” về “quá trình xác lập chủ quyền”, nên ông đã đi đến tất cả các thư viện sưu tập tài liệu và nơi xa nhất mà ông từng đến chỉ là cái nôi của đội dân binh Hoàng Sa và Bắc Hải tại huyện đảo Lý Sơn ngày nay.

Ấn tượng sâu sắc về những người dân đảo đã đọng lại trong ông là tình yêu với biển đảo quê hương. Những người dân ấy không chỉ gắn bó với lễ Khao Lề thế lính Hoàng Sa vào ngày 19, 20 tháng 2 âm lịch mà còn dũng cảm tiếp nối truyền thống ấy của những người lính năm xưa đi đánh bắt cá xa bờ ở Hoàng Sa và Trường Sa như một cách tự nhiên khẳng định chủ quyền của cha ông ta trên vùng biển đặc biệt này. Tận mắt chứng kiến những điều này, ông càng có thêm sức mạnh để vượt qua nhiều khó khăn trở ngại trong quá trình bảo vệ luận án để một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam qua nhiều bằng chứng khoa học lịch sử.

Với tư cách là một nhà sử học yêu nước và nghiên cứu chuyên sâu về Hoàng Sa, Trường Sa, Tiến sỹ Nguyễn Nhã còn là một người rất yêu văn thơ, đặc biệt là ẩm thực Việt Nam. Ông đã từng nói rằng: “Muốn khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, mỗi người Việt Nam cần có một kế hoạch nhỏ xây dựng nội lực đất nước hùng cường”. Vốn là người nghiên cứu và dạy môn văn hóa Việt Nam,  TS Nguyễn Nhã nhận thấy Văn hóa ẩm thực Việt Nam rất độc đáo, có thể sánh với ẩm thực Trung Quốc hay Pháp. Vì thế, đã nhiều năm giữ chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ẩm thực Việt Nam và nay là Trưởng Đề án bếp Việt, ông đã nghiên cứu xây dựng lý luận bếp Việt, đã ra cuốn sách “Bản sắc ẩm thực Việt Nam”, “Độc đáo ẩm thực Thăng Long Hà Nội”, “Độc đáo ẩm thực Huế” hiện đang biên soạn cuốn Phở Việt.

Tuy nổi tiếng trong lĩnh vực sử học và ẩm thực nhưng Tiến sỹ Nguyễn Nhã luôn coi những việc ông đã và đang làm là một cách lui về “hậu đài” để cổ vũ những hạt nhân sáng tạo làm cho đất nước hùng mạnh. Như trong giảng dạy, ông luôn để học trò đi trước, làm việc nhiều, nói nhiều hơn thầy. Ông luôn tự nhủ: Nên lấy vui làm lãi. Vui thì quên cả mệt nhọc, quên cả tuổi tác và hăng hái tiếp tục làm…

 

. Theo ANTĐ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Năm 2012, giá điện điều chỉnh trên giá nguyên - nhiên liệu  (07/02/2012)
Cấp bách phòng chống dịch cúm gia cầm  (07/02/2012)
Khiển trách Phó Bí thư Thành ủy Long Xuyên vì sở hữu nhiều đất  (06/02/2012)
Gạo Việt có chứng chỉ toàn cầu  (06/02/2012)
Giá cá tra tăng lên 27.000 đồng/kg  (06/02/2012)
Sẽ tăng giá hàng trăm dịch vụ y tế  (06/02/2012)
Giảm mạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc hàng loạt ngân hàng  (05/02/2012)
Bà Rịa - Vũng Tàu “dời đô”  (05/02/2012)
Chủ tịch EVN bị miễn nhiệm vì để thua lỗ  (05/02/2012)
Năm 2012, quyết giữ lạm phát ở mức 1 con số  (05/02/2012)
Bảo vệ quỹ đất lúa ổn định từ năm 2020 là 3,812 triệu ha   (04/02/2012)
Chỉnh đốn Đảng cần bắt đầu từ những người lãnh đạo  (03/02/2012)
Mức điều chỉnh tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đã đóng BHXH  (03/02/2012)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh  (03/02/2012)
Festival Dừa lần thứ 3 được tổ chức quy mô cấp quốc gia  (03/02/2012)