Về vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng: Đình chỉ công tác Chủ tịch UBND huyện và nhiều thuộc cấp
9:28', 8/2/ 2012 (GMT+7)

Chiều 7-2, tại TP Hải Phòng, Thành ủy Hải Phòng đã họp thông báo một số kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về vụ cưỡng chế đất đầm nuôi trồng thủy sản ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng đang gây bức xúc dư luận và sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và các bộ ngành chức năng…

 

Quang cảnh buổi họp báo của Thành ủy Hải Phòng về vụ cưỡng chế thu hồi đất tại huyện Tiên Lãng.

 

* Buông lỏng quản lý, nhiều sai phạm

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành nêu rõ, vụ việc cưỡng chế đất ở Tiên Lãng là vụ việc gây xôn xao dư luận. Sau buổi họp sáng 7-2, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp xem xét nhiều nội dung và bước đầu có kết luận về vụ việc thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn (xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng) được giao sử dụng đất tại bãi ngoài Nam cống Rộc, xã Vinh Quang, Tiên Lãng.

Theo đó, việc quản lý, khai thác sử dụng đất của huyện Tiên Lãng còn buông lỏng, hiệu quả thấp, một số chủ rừng nuôi trồng thủy sản có nhiều biểu hiện sai phạm như: phá rừng phòng hộ, tự lấn chiếm đất đai ngoài phạm vi được giao, tự ý chuyển nhượng. Trong đó gia đình ông Vươn đã có các hành vi phá rừng chắn sóng, tự ý cho thuê đất lại kiếm lời, còn nợ đọng nghĩa vụ nộp thuế theo quy định. Đặc biệt, khi UBND huyện Tiên Lãng tổ chức cưỡng chế đã chủ động chuẩn bị và chống người thi hành công vụ với tính chất manh động.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng cũng nhấn mạnh, trong quá trình tổ chức cưỡng chế thu hồi đất, qua kiểm tra bước đầu cho thấy, UBND huyện chưa thực hiện đầy đủ một số nội dung theo quy định về trình tự đền bù, hỗ trợ và thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai nên để xảy ra chống người thi hành công vụ. UBND huyện cũng không có phương án sử dụng đất sau khi thu hồi để công bố công khai với người có đất bị thu hồi; không thành lập hội đồng đền bù hỗ trợ trước khi thu hồi; không tổ chức đối thoại với người được giao đất bị thu hồi; sau khi cưỡng chế để xảy ra việc phá hủy nhà trông đầm nuôi thủy sản của gia đình ông Vươn. Đồng thời, thời điểm cưỡng chế không hợp lý, sát tết cổ truyền, đã gây ra những phản ứng trong dư luận nhân dân về đạo lý và mối quan hệ chính quyền huyện Tiên Lãng với người dân.

* Đình chỉ công tác hàng loạt cán bộ

Trên cơ sở những vi phạm trên, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất chủ trương: Đối với UBND TP, mặc dù việc cưỡng chế thu hồi đất, bảo vệ nhà thầu thi công nói chung đã phân cấp cho cấp huyện, song phải nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm trong việc thiếu kiểm tra, chỉ đạo để xảy ra vụ việc trên.

Ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, vừa bị đình chỉ công tác.

Đối với Huyện ủy Tiên Lãng, mặc dù không có biểu hiện tư lợi hay cố ý làm trái, nhưng sự việc đã gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất chủ trương: Kiểm điểm tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy và cá nhân Bí thư Huyện ủy về trách nhiệm do đơn giản, thiếu lãnh đạo kiểm tra để xảy ra hậu quả do chưa thực hiện đầy đủ các nội dung theo quy định trình tự đền bù, hỗ trợ và thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai; đình chỉ công tác của Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền và Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Khanh là người trực tiếp lãnh đạo tổ chức cưỡng chế thu hồi đất để kiểm điểm trách nhiệm cá nhân.

Kiểm điểm các ông: Lê Văn Mải, Trưởng Công an huyện Tiên Lãng; Phạm Đăng Hoan, Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang và Lê Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã, xử lý nghiêm khắc sau khi có kết luận về trách nhiệm cá nhân.

Giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy căn cứ quy định Điều lệ Đảng, kiểm tra đôn đốc quy trình kiểm điểm, tổ chức và cá nhân theo quy định; giao Ban Tổ chức Thành ủy chuẩn bị phương án cán bộ thay thế theo phân cấp; giao Công an TP khẩn trương điều tra, khởi tố vụ phá nhà trông đầm, xử lý theo quy định pháp luật.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh: Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng nghiêm túc kiểm điểm, nhận trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trước Đảng bộ và nhân dân thành phố để sự việc xảy ra gây dư luận không tốt trong nhân dân.

Công an triệu tập một số cán bộ Tiên Lãng

Chiều tối 7-2, cơ quan điều tra Công an TP Hải Phòng cho biết đã xác định rõ tên tuổi người lái chiếc xe xúc và một số đối tượng có liên quan đến việc hủy hoại tài sản, nhà cửa của ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý. Các điều tra viên cũng đã thu thập chứng cứ, tài liệu và ghi lời khai của các đối tượng gồm: ông Vũ Văn Kết, SN 1972, ở Tiên Hưng, Tiên Lãng; ông Vũ Văn Đoàn, SN 1968, ở Tiên Hưng, Tiên Lãng; ông Đặng Văn Tài, SN 1987 ở Tiên Hưng, Tiên Lãng.

Cùng ngày, Công an TP Hải Phòng đã làm thủ tục mời các đối tượng có liên quan đến vụ việc gồm: ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng; ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện; ông Phạm Đăng Hoan, Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang và ông Lê Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã để làm rõ việc ngôi nhà ông Vươn bị phá hủy và việc thủy hải sản… trong đầm ông Vươn bị mất theo trình báo của 2 nguyên đơn (vợ ông Vươn là Nguyễn Thị Thương và vợ ông Quý là Phạm Thị Hiền).

Công an TP Hải Phòng cũng đang trưng cầu giám định, đánh giá số tài sản của gia đình ông Vươn bị phá hủy, mất trộm để khởi tố vụ án và quy trách nhiệm cụ thể cho các đối tượng liên quan khi đã có đủ căn cứ xác định đúng người, đúng tội.

Bài học lớn về công tác dân vận của chính quyền

Trong buổi họp báo, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành (ảnh) và Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đan Đức Hiệp đã thẳng thắn trả lời nhiều câu hỏi của báo chí xung quanh vụ việc cưỡng chế đất đầm nuôi thủy sản của ông Vươn.

* PV: Việc cưỡng chế đất đã xong, sau này chính quyền sẽ sử dụng khu đất như thế nào, có tiếp tục giao hay cho thuê?

* Bí thư Thành ủy NGUYỄN VĂN THÀNH: Một trong những tồn tại của huyện Tiên Lãng là thu hồi nhưng chưa đưa ra phương án sử dụng. Vì vậy trong kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy có nêu là giao cho UBND TP và UBND TP đã giao cho Sở NN-PTNT, Sở TN-MT xem xét lại các đối tượng này, xem xét lại các quyết định giao hoặc cho thuê đất trước đây và đề xuất các phương án. Theo như quy hoạch thì có những khu vực vẫn tiếp tục nuôi trồng thủy sản, có những khu vực đưa vào sử dụng mục đích khác thì sẽ xem xét đưa vào sử dụng những mục đích khác như thế nào.

Về việc hộ ông Đoàn Văn Vươn sau này có được thuê hoặc giao đất nữa không, theo luật cũng như các quyết định và quá trình xử lý, đều khẳng định những hộ đã được giao đất thì đều có thể tiếp tục được thuê đất, nếu khu vực đất đó không đưa vào sử dụng mục đích khác.

Theo Luật Đất đai hiện nay, việc giao đất không được áp dụng nữa mà phải chuyển sang hình thức thuê đất. Do vậy, các hộ sau này đều phải áp dụng chung như vậy, nếu như các hộ có đơn tiếp tục sử dụng đất và mục đích sử dụng đất đó vẫn hợp lý. Việc thuê đất, hạn mức thuê đất phải theo quy định hiện hành theo Luật Đất đai 2003. Vì vậy, không chỉ trường hợp ông Vươn mà đối với các hộ khác trên địa bàn, TP sẽ rà soát lại tất cả việc giao đất trước đây về kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất trên tổng thể địa bàn TP.

* TP có “giúp” tổ chức cưỡng chế trong vụ ông Vươn không?

* Trong việc tổ chức cưỡng chế ở các địa phương, UBND TP đã phân cấp cho UBND các quận, huyện và trực tiếp chịu trách nhiệm là chủ tịch UBND quận, huyện. Tuy nhiên, sơ suất ở đây là các ngành như: thanh tra, tài nguyên - môi trường của TP chưa kiểm tra và giám sát hướng dẫn cho cấp dưới chưa đến nơi đến chốn, nên để xảy ra hậu quả.

* Sau vụ cưỡng chế gây xôn xao dư luận này, Phó Chủ tịch UBND TP Đỗ Trung Thoại đã có phát ngôn “dân bức xúc đã phá nhà và vườn gia đình ông Vươn”? Vậy đây là phát ngôn của Thành ủy Hải Phòng hay cá nhân ông Thoại?

* Trong trình bày của anh Thoại trước Thành ủy, anh Thoại đã có báo cáo lại là trong quá trình phát biểu có những nội dung chưa chuẩn, để dư luận hiểu sai nên anh Thoại đã rút kinh nghiệm trước TP về việc phát ngôn không chuẩn, gây hiểu lầm.

* Ai phá nhà, có phải dân không? Trong quá trình xảy ra, có nhiều thông tin, phát ngôn chưa được kiểm tra, để gây nên dư luận hiểu lầm, Hải Phòng đã có rút kinh nghiệm về việc này?

* Ai phá nhà vườn của ông Vươn thì việc này, lãnh đạo TP đã giao cho Công an TP điều tra để khởi tố vụ hủy hoại tài sản công dân và sớm có kết luận về việc này.

* Lãnh đạo Hải Phòng rút ra bài học gì sau vụ việc này ?

* Dù đúng hay sai thì cũng gây phản ứng trong dư luận. Rút ra bài học trong công tác dân vận của chính quyền cần phải cẩn trọng hơn. Trước khi ra quyết định liên quan tới người dân như thế này cần phải tổ chức đối thoại, nghiên cứu thấu đáo và phải căn cứ vào các yêu cầu: có đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không, có phù hợp với luật pháp và các quy định của luật không, có phù hợp với thực tiễn không.

* Thành ủy Hải Phòng có công khai kết quả xử lý cán bộ không?

* Khi xử lý xong chắc chắn là phải công bố chứ không thể nào giấu được. 

* Gia đình ông Vươn có được tiếp tục thuê đất nữa không?

* Phó Chủ tịch ĐAN ĐỨC HIỆP: Như đã trình bày, đất ven biển liên quan đến luật đê điều, luật đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường. Bây giờ rừng ngập mặn trở thành bộ phận cấu thành của đê. Mà rừng ngập mặn cần phải được bảo vệ, nên việc cho thuê để làm gì phải căn cứ vào quy hoạch và sẽ cho thuê bao nhiêu năm, hạn mức bao nhiêu cho phù hợp sẽ căn cứ vào quy định của luật. Vì vậy, nếu diện tích đầm của gia đình ông Vươn còn thiếu thì sẽ điều chỉnh cho phù hợp, nhiều quá thì phải điều chỉnh lại.

Lộ diện những kẻ tham gia phá nhà ông Vươn 

Liên quan vụ việc ngôi nhà của gia đình ông Đoàn Văn Vươn bị đập phá ngay sau khi khu đầm nuôi thủy sản bị UBND huyện Tiên Lãng, Hải Phòng tổ chức cưỡng chế thu hồi, chiều 7-2, chúng tôi đã tìm tới đối tượng mà bước đầu những người dân xã Vinh Quang (Tiên Lãng) cho rằng chính là người có máy xúc tham gia vụ phá nhà ông Vươn. Đó là ông Vũ Văn Kết, SN 1972, ở xã Tiên Hưng (Tiên Lãng). Nhiều điều bất ngờ đã xảy ra sau vụ việc này…

 

Căn nhà giữ đầm thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn chỉ còn là đống đổ nát.

 

Sau nhiều lần hẹn đi hẹn lại về việc gặp mặt để trần tình việc phá nhà ông Vươn, cuối cùng ông Vũ Văn Kết cũng đồng ý gặp chúng tôi, nhưng liên tục phải thay đổi địa điểm vì sợ có người theo dõi. Chờ đợi hơn 2 giờ, ông Kết mới đồng ý cho chúng tôi gặp tại một đầm nuôi thủy sản đóng trên địa bàn xã Tiên Hưng, huyện Tiên Lãng.

Bằng giọng run run, ông Vũ Văn Kết giãi bày rằng: “Khoảng 14 giờ ngày 5-1, sau khi vụ cưỡng chế đầm anh Đoàn Văn Vươn diễn ra, anh Phạm Đăng Hoan, Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang, đã điện thoại cho tôi nói ra Tổng đội Thanh niên xung phong (ở xã Vinh Quang) gặp ban cưỡng chế có việc nhờ. Sau đó 30 phút, tôi có mặt gặp anh Nguyễn Văn Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, Trưởng ban cưỡng chế; anh Hoan và anh Lê Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã, cùng toàn bộ ban cưỡng chế thì được đề nghị nhờ gọi hộ 1 máy xúc để ban cưỡng chế giải tỏa mặt bằng. Tôi đã nhận lời và điện thoại cho anh Thái (chủ máy xúc ở xã Hồng Thắng) nhưng do anh Thái bận nên tôi liền gọi cho anh Vũ Văn Đoàn, SN 1968, ở thôn Tân Quang, xã Tiên Hưng. Tôi nói với anh Đoàn là anh Khanh, anh Hoan, anh Liêm thuê xe xúc cưỡng chế, giải phóng mặt bằng đầm nhà anh Vươn.

Anh Đoàn hỏi lại cụ thể là ai, tôi nói anh Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện; anh Hoan, Bí thư Đảng ủy xã và anh Liêm, Chủ tịch UBND xã. Nghe vậy, anh Đoàn nhận lời. Tuy nhiên đến 17 giờ chiều cùng ngày, anh Khanh và anh Hoan điện thoại lại cho tôi nói hôm nay muộn quá, để sáng mai làm (tức sáng 6-1). Sau đó, tôi đã thông tin lại với anh Đoàn.

Ông Kết cho biết mình chỉ là người gọi hộ chiếc máy xúc vào cưỡng chế tại đầm anh Vươn, chứ thực tế thời điểm đó chiếc máy xúc đã được chuyển giao cho ông Đoàn từ cách đây 1 năm. Sau đó tìm hiểu, chúng tôi mới được biết Đoàn là anh ruột Kết…

Gặp chúng tôi, ông Vũ Văn Đoàn tiết lộ: “Sáng 6-1, nhận được tin của Kết, nói ban cưỡng chế thuê một máy xúc ra đầm anh Vươn. Chú Kết nói có anh Khanh, anh Hoan, anh Liêm thuê giải phóng mặt bằng với giá 500.000 đồng/giờ. Tôi điều nhân viên lái máy xúc Đặng Văn Tài, cháu tôi, SN 1987, ở xã Tiên Hưng ra đó gặp ban cưỡng chế thì mới được làm việc ấy”. Tuy nhiên, ông Đoàn cũng phân bua về việc mình “ngoài cuộc”, khi cho rằng đến 8 giờ sáng 6-1, khi xe xúc ra tới khu vực cưỡng chế thì ban cưỡng chế mới ra. “Do Tài lái xe ra đó, chứ tôi không ở đó, nên tôi cũng không biết ra đó làm những việc gì. Sử dụng máy xúc thế nào do ban cưỡng chế chỉ đạo. Tôi chỉ có mặt ở đó để bàn giao máy xúc cho Tài. Sau đó, tôi về nhà ngay vì có việc, tôi không gặp ban cưỡng chế ở đó”. Ông Đoàn cũng khẳng định: “Công việc phá dỡ là do tài xế máy xúc, còn tôi chỉ biết là máy của tôi được giao làm từ 8 giờ đến 11 giờ với tiền công là 1,5 triệu đồng”.

Chúng tôi tìm Đặng Văn Tài. Anh Tài tiết lộ thêm: “Sáng 6-1, chú Đoàn ủy quyền, giao lái xe xúc cưỡng chế khu vực đầm nhà ông Vươn. Chú Đoàn có nói với tôi, nếu các lãnh đạo của ban cưỡng chế có mặt, cụ thể là các ông Khanh, ông Liêm, ông Hoan thì mới được làm. Khoảng 7 giờ sáng cùng ngày, tôi đánh xe xúc đến và 8 giờ thì ông Hoan, ông Liêm và nhiều người trong ban cưỡng chế có mặt tại khu vực đầm nhà ông Vươn đứng ra điều hành. Tôi làm theo sự chỉ đạo của ban cưỡng chế mà trực tiếp là ông Hoan, ông Liêm. Đến 11 giờ thì xong, tôi đã đưa đề nghị thanh toán tiền công cho ông Hoan với 3 giờ là 1,5 triệu đồng”.

Tài khẳng định như đinh đóng cột: “Khi được lệnh phá dỡ căn nhà hai tầng thì ngôi nhà này đã bị phá nham nhở rồi. Phần bờ tường vỡ hết, chỉ còn lại những phần bằng bê tông khó phá dỡ bằng thủ công”.

Chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”?

Trước những thông tin cho rằng, chính quyền huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang đã chỉ đạo phá nhà và vườn của ông Vươn sau vụ cưỡng chế, trao đổi với PV Báo SGGP, Chánh Văn phòng UBND huyện Tiên Lãng Ngô Ngọc Khánh cho biết, việc phá vườn và nhà của anh em ông Vươn là có thật. Nhưng đây là nhà được xây dựng trên khu vực bãi bồi và không ai cho phép xây dựng nhà ở trên đất này. Ở đây trách nhiệm của chính quyền địa phương đã không giám sát chặt chẽ để ông Vươn xây dựng nhà trên khu vực này. Bản thân tôi chưa nghe được thông tin phản ánh lãnh đạo huyện hay xã chỉ đạo hay ra lệnh phá nhà. Việc nhiều thông tin có phản ánh chính quyền phá nhà dân là không đúng và quy chụp. Nếu có chăng có việc chỉ đạo phá nhà thì chỉ là một vài cá nhân “con sâu làm rầu nồi canh” thôi. Ai phá nhà dân thì hãy để cơ quan điều tra làm rõ và khi có kết luận trắng đen rồi thì cái gì thuộc về trách nhiệm cấp xã, cấp huyện, chúng tôi sẵn sàng nhìn thẳng vào thực tế và xử lý nghiêm.

. Theo SGGP

 

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh:

“Quân đội phải bảo vệ dân, giúp dân… chứ không phải đi tham gia cưỡng chế”

Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là một trong những người lên tiếng đầu tiên phê phán chính quyền huyện Tiên Lãng trong việc cưỡng chế, thu hồi khu vực đầm nuôi thuỷ sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Qua theo dõi diễn biến vụ việc cho đến nay, Đại tướng tỏ ý không hài lòng khi nhiều lãnh đạo chính quyền huyện Tiên Lãng chưa nhận thức được việc làm sai trái của mình. Ngày 7.2, ông đã trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Tiếp Thị.

 

Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh: “Quân đội phải bảo vệ dân, giúp dân… chứ không phải đi tham gia cưỡng chế”. Ảnh: VNN

 

Từ vụ Đoàn Văn Vươn

Thưa Đại tướng, Đại tướng nhận định thế nào về quyết định của Thành uỷ Hải Phòng đã cho tạm đình chỉ chức vụ một số cán bộ có sai phạm và yêu cầu kiểm điểm tập thể Ban thường vụ huyện uỷ và nhiều cá nhân liên quan trong việc thực hiện cưỡng chế?

Đây là các quyết định đúng đắn mà đông đảo nhân dân và cả cá nhân tôi trông đợi. Dù chưa trực tiếp đi xuống hiện trường nhưng tôi đã theo dõi, nắm bắt, tìm hiểu vụ việc ngay từ đầu và biết chắc rằng, chính quyền huyện Tiên Lãng đã làm sai với mức độ nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về tài sản của công dân và ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào bộ máy Nhà nước. Tôi mong là, sau quyết định này, Chính phủ, các bộ ngành, UBND và Thành uỷ TP Hải Phòng tiếp tục xem xét, xử lý đến nơi, đến chốn các tập thể, cá nhân có sai phạm không chỉ ở huyện Tiên Lãng, ở xã Vinh Quang mà cả ở cấp chính quyền thành phố để sớm đem lại niềm tin của nhân dân. Tôi cũng cho rằng, nếu chính quyền đã làm sai thì sau đây cũng phải tổ chức sửa sai, đền bù thiệt hại về vật chất và cả tinh thần cho gia đình công dân Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý.

Theo Đại tướng, thì việc thu hồi đất ở đây có biểu hiện không minh bạch gì?

Tôi nghĩ là có vấn đề lợi ích cá nhân trong đó. Ban đầu thì trả lời báo chí, có người trong chính quyền huyện thì bảo là làm sân bay. Sau thì lại thấy chính ông chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng bảo để giao cho những người di cư đến. Đó là trả lời vòng vo. Tại sao không giao cho chính người đang khai thác làm khi người ta đã bỏ bao nhiêu công sức, mồ hôi, nước mắt để khai phá, hình thành lên?

Thủ tướng đã yêu cầu lãnh đạo thành phố Hải Phòng, thành uỷ Hải Phòng làm rõ ba nội dung trong đó cả việc đúng sai, ai chủ trương trong việc tổ chức cưỡng chế, thu hồi lại đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Đại tướng có quan điểm gì về việc tổ chức cưỡng chế này, nhất là việc tham gia cưỡng chế có sự tham gia của cả lực lượng quân sự?

Cưỡng chế anh này để giao cho anh khác như vậy là hoàn toàn sai trái. Còn sự tham gia của lực lượng quân đội ở đây cũng sai. Bộ đội của ta là của dân, do dân, vì dân mà lại đi tham gia cưỡng chế. Lẽ ra trong trường hợp này, bộ chỉ huy quân sự huyện phải báo cáo với bộ chỉ huy quân sự TP Hải Phòng. Thế mà khi xảy ra sự việc, bộ chỉ huy quân sự thành phố không biết thì là anh quan liêu. Anh là chỉ huy mà anh còn không biết cấp dưới, người của anh làm gì thì khi giặc đến thì anh làm thế nào? Bộ đội, thì nhiệm vụ trước tiên, hàng đầu của anh là chống giặc ngoại xâm, thứ hai mới là giúp dân và thứ ba là tham gia sản xuất. Đây anh lại không bảo vệ cho dân làm ăn lại tham gia cưỡng chế dân. Đây là một sai lầm mà trong lịch sử đất nước ta chưa từng có.

 

Tham gia lực lượng cưỡng chế có cả công an, bộ đội...

 

Quyết liệt chỉnh đốn Đảng

Thưa Đại tướng, qua một vụ việc như thế này, nếu như Trung ương, Chính phủ không quyết liệt chấn chỉnh việc chấp hành pháp luật trong đội ngũ cán bộ ở chính quyền cơ sở nó có nhanh chóng dẫn đến sự đổ vỡ, mất lòng tin của người dân vào Đảng, bộ máy Nhà nước?

Tôi nghĩ là các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước hiểu hết, các nghị quyết của Đảng, của Bộ Chính trị đều trúng hết. Nhưng vấn đề ở chỗ phải làm, phải gương mẫu để ở dưới cơ sở, cán bộ cấp xã trưởng, thôn trưởng cũng gương mẫu, làm đúng. Người dân sẽ giám sát rất kỹ. Lãnh đạo có gương mẫu thì cấp dưới, người dân mới tin. Khi tổng kết cuộc vận động học và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta nói làm tốt, có chuyển biến mạnh nhưng đấy, thực tế Hải Phòng gần Trung ương mà làm như thế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, cán bộ, công chức là công bộc của dân. Cái gì có lợi cho dân thì làm, cái gì hại cho dân phải tránh nhưng thực tế có làm được như vậy không? Ở những trường hợp như thế này, như vụ cưỡng chế, thu hồi đất với nhà ông Đoàn Văn Vươn thì họ đã làm trái, không thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch. Chúng ta thấy ở đây hiện tượng bao che cho nhau. Cho nên, nếu làm quyết liệt, có thể truy tố cả những cá nhân chủ trương, thực hiện phá nhà của công dân Đoàn Văn Vươn vì đây có thể nói là tội phạm, tội phá hoại tài sản của công dân. Tôi cho rằng, nếu chính quyền huyện thật sự biết nhận sai, nhận khuyết điểm sớm vụ này còn được nhẹ tội.

Đáng chú ý là trong vụ việc này, ngay cả Mặt trận tổ quốc ở huyện Tiên Lãng và cả Mặt trận tổ quốc cấp xã cũng cho rằng chính quyền huyện làm đúng, trong khi đây là cơ quan giám sát của dân?

Không chỉ có Mặt trận tổ quốc mà các đại biểu Quốc hội của Hải Phòng từ Tiên Lãng đến thành phố đã ở đâu? Vai trò lãnh đạo của Đảng, cấp cơ sở, của thành uỷ Hải Phòng ở đâu trong trường hợp này? Nếu Đảng cũng làm sai thì còn đâu là Đảng nữa. Tất cả đều học tập, nắm bắt nội dung nghị quyết của Đảng hết nhưng hãy xem việc làm thế nào? Có nhiều ý kiến đã đánh giá là Thủ tướng vào cuộc, chỉ đạo kịp thời việc này… nhưng tôi chưa có ý kiến gì, hãy để xem Thủ tướng làm như thế nào.

Thưa Đại tướng, Ban chấp hành Trung ương Đảng vừa ban hành nghị quyết Trung ương 4, trong đó nêu rõ việc đảng viên phải nâng cao tinh thần phê và tự phê. Ở các cấp chính quyền cơ sở, như ở huyện Tiên Lãng, có lẽ yêu cầu phê và tự phê với đảng viên là chưa đủ mà cần phải tăng cường kiểm tra, chỉnh đốn tổ chức Đảng ở cơ sở đó?

Tôi cho là nghị quyết rất đúng nhưng vấn đề là trong việc tổ chức thực hiện thì Bộ Chính trị, Tổng bí thư phải chỉ huy quyết liệt thực hiện. Đây thực sự là một cuộc đấu tranh gian khổ giữa tư tưởng vì nước, vì dân với tư tưởng cá nhân, tư tưởng chỉ biết lo cho cá nhân. Phải thực sự quyết liệt. Chủ nghĩa cá nhân bây giờ ngày càng lấn lướt hơn cho nên càng phải nghiêm minh hơn, với chính bản thân và với cấp dưới. Lâu nay ta cũng đã nói phê và tự phê nhưng nói rồi, đâu lại vào đấy. Phải tăng cường kiểm tra, xử lý kỷ luật hơn. Thời tôi còn đương chức, khi đi kiểm tra cơ sở, nếu thấy cấp dưới thiếu trung thực, làm sai thì cho nghỉ bằng cách cách chức hoặc hạ cấp; khai trừ khỏi Đảng căn cứ theo các quy định, trình tự xử lý của cấp uỷ.

Sửa đổi luật

Từ vụ việc này, theo Đại tướng, phải sửa đổi các quy định của luật Đất đai, thậm chí cả quy định về quyền sở hữu đất đai trong Hiến pháp như thế nào để bảo vệ quyền sở hữu chính đáng của người dân?

Nhà nước cũng đã có những quy định rõ ràng về các quyền về đất đai của người dân. Tuy nhiên, khi Nhà nước cần xây dựng các công trình quan trọng như đường sá, sân bay, bến cảng… thì Nhà nước phải thu hồi. Nhưng dù như vậy, cũng cần phải thông báo trước cho người dân ít nhất một năm. Sau đó phải kiểm kê, định giá tài sản đầy đủ để đền bù cho họ thoả đáng, rõ ràng. Theo tôi nên sớm phải nghiên cứu để sửa đổi luật, thậm chí sửa cả quy định trong Hiến pháp nếu cần, cho cụ thể, rõ ràng hơn. Chứ hiện nay, cứ thu hồi rồi để bỏ không là không được, mà có thu hồi rồi thì phải làm sao sử dụng cho có hiệu quả cho xã hội, cho đất nước. Người dân chắc chắn không hài lòng với kiểu thu hồi rồi bỏ không hoặc thu hồi, đền bù với giá rẻ rồi làm dự án, bán hàng chục, hàng trăm triệu/m2. Ngay cả những nơi, những diện tích đất của các khu kinh tế, của doanh nghiệp mà đang bỏ hoang thì nên thu hồi, hoặc giao lại cho người dân sử dụng.

Tôi muốn nhấn mạnh, lưu ý hơn đến những trường hợp người dân đã khai hoang, lấn biển, chí thú làm ăn như công dân Đoàn Văn Vươn thì dù đất giao có hết hạn sử dụng đi chăng nữa thì cũng nên tiếp tục giao cho họ để họ làm ăn. Họ làm và nộp thuế cho Nhà nước. Thu hồi để làm sân bay, bến cảng thì được nhưng phải đền bù thoả đáng nhưng ở trường hợp này, theo tôi, nếu có thu hồi làm sân bay thì đó cũng không phải là thẩm quyền của UBND huyện Tiên Lãng.

Còn quy định trong Hiến pháp thì nói sở hữu toàn dân về đất đai, từ trước đã nói là không sai. Nói sở hữu toàn dân nhưng phải có người quản lý thì quy ra là của Nhà nước hết. Nhưng thực tế, mỗi người dân phải được quản lý lâu dài đất đai của mình, phải có trách nhiệm nên họ có quyền sử dụng, quyền bàn giao cho thế hệ sau, có tính kế thừa, rồi có các quyền chuyển nhượng. Nhà nước chỉ điều hành các quyền đó chứ không phải muốn cho ai thì cho, muốn thu của ai thì thu. Cho nên, nếu sửa đổi quy định về sở hữu đất đai trong Hiến pháp thì tôi nghĩ là sửa cho cụ thể hơn. Tôi có nghe quý 3 năm nay, Chính phủ tiến hành nghiên cứu, xem xét sửa luật Đất đai thì tôi mong là sửa thế nào để đảm bảo các quyền đó của người dân chứ không phải dân có quyền đó rồi mà muốn lấy thế nào thì lấy; đảm bảo khi cần thiết phải lấy đất làm các công trình quan trọng thì cũng phải đảm bảo đền bù cho người dân thoả đáng.

Cám ơn Đại tướng.

. Theo SGTT

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chất cấm vẫn dùng phổ biến trong chăn nuôi, trồng trọt  (07/02/2012)
Tiến sỹ Việt Nam đầu tiên về Hoàng Sa, Trường Sa  (07/02/2012)
Năm 2012, giá điện điều chỉnh trên giá nguyên - nhiên liệu  (07/02/2012)
Cấp bách phòng chống dịch cúm gia cầm  (07/02/2012)
Khiển trách Phó Bí thư Thành ủy Long Xuyên vì sở hữu nhiều đất  (06/02/2012)
Gạo Việt có chứng chỉ toàn cầu  (06/02/2012)
Giá cá tra tăng lên 27.000 đồng/kg  (06/02/2012)
Sẽ tăng giá hàng trăm dịch vụ y tế  (06/02/2012)
Giảm mạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc hàng loạt ngân hàng  (05/02/2012)
Bà Rịa - Vũng Tàu “dời đô”  (05/02/2012)
Chủ tịch EVN bị miễn nhiệm vì để thua lỗ  (05/02/2012)
Năm 2012, quyết giữ lạm phát ở mức 1 con số  (05/02/2012)
Bảo vệ quỹ đất lúa ổn định từ năm 2020 là 3,812 triệu ha   (04/02/2012)
Chỉnh đốn Đảng cần bắt đầu từ những người lãnh đạo  (03/02/2012)
Mức điều chỉnh tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đã đóng BHXH  (03/02/2012)