EVN lỗ quá lớn
11:42', 10/2/ 2012 (GMT+7)

Tập đoàn Điện lực Việt Nam lỗ hơn 8.000 tỉ đồng, chủ yếu do đầu tư ngoài ngành, trong đó kinh doanh điện lỗ trên 1.000 tỉ đồng. Đó là số liệu vừa công bố của Kiểm toán Nhà nước.

Tại buổi họp báo công bố kết quả kiểm toán năm 2011 và danh sách các đơn vị kiểm toán năm 2012 vào ngày 9-2, ông Lê Minh Khái, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, cho biết kiểm toán tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phát hiện tập đoàn này lỗ trên 8.000 tỉ đồng, trong đó lỗ từ sản xuất điện trên 1.000 tỉ đồng.

Đầu tư dàn trải: Lỗ lớn

Đáng chú ý là Kiểm toán Nhà nước phát hiện một số vấn đề tại EVN đang tiềm ẩn nhiều khoản lỗ lớn. “Chúng tôi đã cố gắng đưa ra những kết quả kiểm toán chính xác nhất để từ đó kiến nghị Chính phủ xử lý những vấn đề thua lỗ ở tập đoàn này. Vừa qua, Chính phủ đã có một số điều chỉnh nhằm cơ cấu lại hoạt động của EVN, trong đó có việc điều chuyển lãnh đạo của tập đoàn này về Bộ Công Thương để tiến hành kiểm điểm...” - ông Khái cho biết. Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiến nghị Chính phủ cần phải cơ cấu lại hoạt động của EVN theo hướng tập trung đúng vào chuyên ngành là đầu tư và kinh doanh điện thay vì đầu tư dàn trải vào nhiều ngành, nghề khác nhau như trước đây.

Qua kiểm toán cũng đã phát hiện một số sai phạm về việc trích lập hoặc sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu tại một số đơn vị. Tuy nhiên, con số sai phạm và việc sử dụng, quản lý quỹ này không có vấn đề gì lớn. Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiến nghị ngành chức năng nghiên cứu cơ chế để việc điều hành, quản lý quỹ này được hiệu quả hơn. Trong năm 2012, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục kiểm toán tại Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Tại sao chỉ kiểm toán một tập đoàn?

Theo ông Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Kiểm toán Nhà nước, năm 2012, cơ quan này chỉ kiểm toán Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhưng số lượng tổng công ty Nhà nước cần phải kiểm toán lên tới 24 đơn vị, trong đó có Petrolimex, Tổng Công ty Công trình giao thông 8 (Bộ GTVT), Tổng Công ty CP Rượu - Bia và Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng Công ty Cảng hàng không Miền Bắc, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam…

Đồng thời sẽ tiếp tục kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước của năm 2011 tại 15 đơn vị, trong đó có Bộ NN-PTNT, GTVT, TN-MT, Xây dựng, LĐ-TB-XH, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Hải quan…Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng đưa vào danh sách kiểm toán 3 ngân hàng: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long.

Về vấn đề chỉ kiểm toán một tập đoàn kinh tế Nhà nước, ông Lê Minh Khái cho rằng những vấn đề, đơn vị được lựa chọn kiểm toán đều đã được trao đổi, bàn bạc kỹ lưỡng trên cơ sở thống nhất với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Còn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Mai Xuân Hùng cho biết: Nhiều vấn đề, lĩnh vực được lựa chọn kiểm toán đóng vai trò quan trọng nhưng thời gian qua lại bộc lộ nhiều khiếm khuyết, bất cập khiến nền kinh tế yếu đi. Hiện có 170 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đang hoạt động nhưng năm nay sẽ chỉ lựa chọn kiểm toán một số đơn vị nhất định bởi trong số đó có đến 3/4 đơn vị sẽ được đổi mới, cổ phần hóa hoặc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp nên còn nhiều việc cần làm hơn là kiểm toán.

Năm 2011, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện một số vụ việc có dấu hiệu sai phạm, không minh bạch nên đã chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Bộ Công an và Thanh tra Chính phủ tiếp tục điều tra làm rõ. Trong số này có vụ việc sai phạm tại Công ty Cho thuê tài chính II - Ngân hàng NN-PTNT (ALC II) và dự án kè kiên cố hóa ven hồ Tây (Hà Nội)…

Kiến nghị xử lý gần 5.000 tỉ đồng

Đánh giá về kết quả kiểm toán năm 2011, Kiểm toán Nhà nước cho biết tổng số kiến nghị xử lý tài sản lên tới gần 5.000 tỉ đồng. Trong đó, kiến nghị các khoản tăng thu trên 2.500 tỉ đồng, các khoản giảm chi gần 2.300 tỉ đồng. Năm 2012, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán tại 155 đầu mối, trong đó có 44 đầu mối thuộc lĩnh vực ngân sách Nhà nước. Trong năm 2012 sẽ đẩy mạnh các cuộc kiểm toán chuyên đề để đánh giá chính xác hiệu quả và hiệu lực trong quản lý, sử dụng đất, khai thác và kinh doanh tài nguyên, khoáng sản; quản lý nhà ở, phát triển đô thị, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường…

. Theo báo Người Lao Động

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
EVN mua điện nhiều hơn sản xuất  (09/02/2012)
Khởi tố vụ án liên quan việc thu hồi đất Tiên Lãng  (09/02/2012)
Toàn bộ chợ Quảng Ngãi đang cháy rụi   (09/02/2012)
Phí cao nhất là 320.000 đồng  (09/02/2012)
TPHCM: Kiến nghị điều chỉnh giờ học, giữ nguyên giờ làm   (09/02/2012)
Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định không dạy thêm bậc Tiểu học  (08/02/2012)
Quảng Ninh sẽ xây dựng sân bay quốc tế tại Vân Đồn  (08/02/2012)
Phi lý giá sữa nước  (09/02/2012)
Về vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng: Đình chỉ công tác Chủ tịch UBND huyện và nhiều thuộc cấp  (08/02/2012)
Chất cấm vẫn dùng phổ biến trong chăn nuôi, trồng trọt  (07/02/2012)
Tiến sỹ Việt Nam đầu tiên về Hoàng Sa, Trường Sa  (07/02/2012)
Năm 2012, giá điện điều chỉnh trên giá nguyên - nhiên liệu  (07/02/2012)
Cấp bách phòng chống dịch cúm gia cầm  (07/02/2012)
Khiển trách Phó Bí thư Thành ủy Long Xuyên vì sở hữu nhiều đất  (06/02/2012)
Gạo Việt có chứng chỉ toàn cầu  (06/02/2012)