Chính phủ đã chấp thuận với chủ trương tăng giá viện phí mới do liên bộ Y tế - Tài chính - Lao động, Thương binh và xã hội đề xuất. Theo đó sẽ tăng giá khoảng 400 dịch vụ y tế.
Theo thông báo của Văn phòng Chính Phủ thì Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu trong khoảng thời gian cuối tháng 2, đầu tháng 3 tới, Bộ Y tế làm việc với các Bộ liên quan để ban hành thông tư điều chỉnh giá các dịch vụ y tế, đặc biệt lưu ý công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận của người dân.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng cần tính toán với Bộ Tài chính để đảm bảo cân đối Quỹ bảo hiểm y tế.
Đối với nhóm người nghèo, diện gia đình chính sách vẫn duy trì đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trong trường hợp mức đồng chi trả lớn, cần nghiên cứu để có biện pháp hỗ trợ của Nhà nước, giúp các nhóm này giảm bớt khó khăn. Đây là nhóm được cho là sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất từ việc tăng giá dịch vụ y tế lần này, do vậy Chính phủ đề nghị có thể hoàn lại một khoản kinh phí trong số 5% phí khám bệnh bảo hiểm mà họ phải chi trả.
Đợt điều chỉnh này nhắm vào giá các dịch vụ y tế ban hành theo Thông tư liên Bộ số 14 năm 1995 và một số dịch vụ ban hành năm 2006 của Bộ Y tế. Cụ thể, sẽ tăng giá hơn 400 dịch vụ y tế (thay vì con số 350 như đề xuất ban đầu), do có thêm một số kỹ thuật mới chưa từng có trong danh mục được quỹ Bảo hiểm y tế chi trả.
Giá một lần khám bệnh sẽ nâng từ 3.000 đồng lên tối đa 20.000 đồng (bệnh viện đầu ngành), giảm gần 50% so với đề xuất ban đầu (8.000-30.000 đồng).
Chi phí môt ca đỡ đẻ thường sẽ tăng từ 50.000 đến 150.000 đồng hiện nay lên mức 480.000-525.000 đồng. Chi phí chạy thận nhân tạo cũng sẽ tăng lên mức 430.000-460.000 đồng (thay cho giá cũ là 150.000-300.000 đồng)...
Dự kiến giữa tháng 4 mức viện phí mới này sẽ được áp dụng. Từ giữa năm 2010, Bộ Y tế đã rục rịch xây dựng dự thảo tăng giá viện phí. Mức tăng đề xuất từ 2 đến 10 lần, cá biệt có dịch vụ tăng đến 20 lần, khiến không ít người sửng sốt. Tuy nhiên, sau nhiều lần bàn luận, thẩm định giá, liên bộ đã đưa ra dự thảo viện phí mới, được cho là "mềm" hơn so với đề xuất ban đầu.
Bộ Y tế nhận định, nếu không điều chỉnh giá thì các bệnh viện, nhất là bệnh viện tuyến huyện sẽ có nguy cơ đóng cửa. Ví dụ một bệnh viện tuyến huyện có quy mô khoảng 100 giường bệnh, hiện thu tiền khám bệnh 1.000-2.000 đồng một lần khám, một ngày có khoảng 150 người khám thu được 300.000 đồng, tiền giường một ngày tối đa là 9.000 đồng, nếu có 100 bệnh nhân thì thu tối đa 900.000 đồng. Như vậy tổng cộng một ngày, cả bệnh viện thu 1,2 triệu đồng trong khi riêng tiền điện, nước, xử lý chất thải để vận hành bệnh viện trong ngày đã hết khoảng 3-5 triệu đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính thì nâng giá các dịch vụ y tế là cần thiết và tốt cho tất cả mọi phía. Nhà nước có nguồn lực để tăng cường đầu tư cho y tế, như vậy sẽ có điều kiện để chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân. Đối với người dân phải bỏ tiền ra sẽ được dịch vụ tốt hơn. Thầy thuốc cũng chuyên tâm hơn vào việc khám chữa bệnh.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, thì cho rằng: Nếu bảo hiểm y tế tăng chi trả cho người bệnh thì người bệnh phấn khởi, nhưng muốn tăng chi trả bảo hiểm y tế thì buộc phải tăng mặt bằng viện phí. Hơn nữa, tăng viện phí sẽ giúp bệnh viện tăng cường các dịch vụ kỹ thuật cao điều trị cho người bệnh, trần bảo hiểm y tế thanh toán cũng nâng lên và người bệnh sẽ được chi trả nhiều dịch vụ kỹ thuật cao hơn.
"Thế nhưng cứ nói đến tăng viện phí thì người dân lại phản đối, điều này chẳng khác nào người bệnh đang phản đối chính cái mà họ sẽ được hưởng, được chi trả”, ông Kính nói.
Vì viện phí thấp quá, nhiều bệnh viện công đã 'xé rào', mở ra các hình thức khám dịch vụ, khám theo yêu cầu và thu phí giá cao, từ 30.000 đồng đến hàng trăm nghìn, lấy khoản tiền này để bù lỗ. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ mạnh ở các tuyến trên, còn các tuyến dưới rất ít.
Ông Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế: "Người không có thẻ bảo hiểm y tế sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất"
Hiện nay, nhiều người dân bày tỏ lo ngại khi tăng viện phí họ sẽ phải đóng phí bảo hiểm y tế cao hơn; đi khám chữa tự nguyện thì phải chi trả nhiều hơn. Rõ ràng tăng giá dịch vụ y tế thì phí phải đóng bảo hiểm cao hơn là đương nhiên. Tuy nhiên theo quy định hiện nay, mức đóng tối đa không quá 6% lương tối thiểu. Hơn nữa, số người phải tự đóng hoàn toàn bảo hiểm y tế rất ít, ví dụ người lao động trong doanh nghiệp chỉ phải đóng 1,5% lương tối thiểu, còn lại công ty sẽ đóng giúp 3%, nên sự ảnh hưởng cũng sẽ không nhiều. Hơn nữa, khi tham gia khám chữa bệnh, họ sẽ được bảo hiểm chi trả nhiều hơn.
Lĩnh vực khám chữa bệnh tự nguyện (khám dịch vụ) là do các bệnh viện thực hiện dựa trên điều kiện khám chữa bệnh và nhu cầu bệnh nhân, không nằm trong kế hoạch điều chỉnh viện phí lần này, nên không thể nói là sẽ cao hơn. |
. Theo VnE |